PHẠM NGỌC ANH
Vui Đùa Trong Gấm Vóc Lụa Là

Deluxe Vietnam 23 tháng 10,2023
Photographer Nguyễn Bảo Ngọc

Duyên dáng và nền nã như một nàng thơ, nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh gợi cho người đối diện cảm giác về một người phụ nữ mang trái tim thiết tha yêu nghệ thuật. Bỏ ngỏ sự nghiệp khoa học để “bén duyên” với thời trang và thăng hoa cùng “đứa con cưng” La Phạm, chị luôn tâm niệm rằng những giá trị thuộc về quốc hồn quốc túy Việt Nam xứng đáng được mang đi giới thiệu khắp bốn bể năm châu; không chỉ riêng tà áo dài đã quá đỗi nổi tiếng mà còn là từng tấm lụa, từng mảnh vải dệt mà chị kỳ công tìm kiếm ở những địa phương xa xôi nhất trên bản đồ hình chữ S.

ĐIỀU GÌ ĐÃ KHIẾN MỘT NGƯỜI THEO HỌC NGÀNH HÓA MÔI TRƯỜNG Ở THỤY SỸ NHƯ CHỊ BÉN DUYÊN VỚI NGÀNH THỜI TRANG?

Tôi yêu nghệ thuật và thời trang từ nhỏ. Vào những năm 80 và 90 còn nhiều khó khăn, ngành nghệ thuật và thời trang chưa được chú trọng và chưa được xem là một nghề nghiệp triển vọng. Bố mẹ tôi làm trong ngành nghiên cứu và giảng dạy về Hoá nên cũng hướng con theo ngành đó. Sau này, khi nền kinh tế phát triển hơn, ngành thời trang Việt cũng dần được định hình. Bản thân tôi cũng đã có cơ hội phát triển bản thân và học hỏi qua nhiều năm sống và làm việc ở Thụy Sỹ, và tôi tự cảm thấy cách đây 7 năm chính là “thời cơ vàng” để thử sức với niềm đam mê bấy lâu. Lúc đó, tôi cũng không đặt nặng vấn đề phải thành công mà chỉ đơn giản được làm điều mình thích, tạo nên những bộ trang phục đẹp cho chính mình và người thân. Từ kinh nghiệm của một người tiêu dùng hàng cao cấp lâu năm, tôihiểu được giá trị thật của một trang phục nằm ở chất liệu phải đẹp, phom dáng dễ mặc và thiết kế không lỗi mốt theo thời gian.

CHỊ ĐỊNH NGHĨA THẾ NÀO LÀ THỜI TRANG CỦA MỘT NHÀ THIẾT KẾ MANG TÂM HỒN VIỆT?

Tâm hồn Việt là những giá trị Việt được dạy dỗ, được ảnh hưởng hoặc đơn giản là được truyền lại từ một nguồn cảm hứng. Tâm hồn Việt không nhất thiết chỉ có ở người Việt Nam. Tôi đã gặp và quen rất nhiều người nước ngoài am hiểu và yêu quý những giá trị văn hóa Việt Nam hơn cả người bản xứ. Càng sống xa tổ quốc, tôi càng biết quý trọng những giá trị văn hóa quê hương và cội nguồn. Khi tình yêu của một con người dành cho điều gì đó đủ lớn thì tâm hồn người đó sẽ phản chiếu tình yêu ấy một cách rất nhẹ nhàng và đơn giản.

Thời trang mang tâm hồn Việt không nhất thiết phải có một hình dáng cụ thể về những hình tượng truyền thống Việt Nam nhưng chỉ cần nhìn qua, ai cũng cảm nhận được tình yêu lớn dành cho đất nước này.

RẤT NHIỀU NHÀ THIẾT KẾ TRONG NƯỚC ĐÃ VẬN DỤNG YẾU TỐ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀO ÁO DÀI CỦA HỌ. LA PHẠM ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT?

Những chuyến đi và những trải nghiệm thực tế trên thế giới chính là những yếu tố tạo nên sự khác biệt cho các bộ sưu tập của La Phạm. Ngoài những ý tưởng thể hiện sự giao thoa với những nền văn hóa khác nhau, mỗi một chuyến đi của tôi đều nhằm tìm kiếm những vật liệu địa phương đặc sắc để ứng dụng vào sản phẩm của mình. Ngoài ra, những tiêu chí về chất lượng vải, đường kim mũi chỉ, những giá trị cộng đồng và môi trường cũng được tôi lồng ghép do đã có kinh nghiệm thấu hiểu được cách tiêu dùng thông minh của các nước phát triển trên thế giới.

CHỊ CÓ THỂ CHIA SẺ THÊM VỀ CÁC CHẤT LIỆU NỘI ĐỊA CAO CẤP MÀ CHỊ SỬ DỤNG TRONG THIẾT KẾ CỦA MÌNH?

Từ khi mới về nước, tôi đã định hướng rất rõ là ưu tiên sử dụng vải Việt Nam chất lượng cao để ủng hộ các mặt hàng nội địa và giảm thiểu CO2 trong quá trình vận chuyển. Các chất liệu nội địa tôi hay dùng là vải lụa của Bảo Lộc và Nha Xá, vải gai của công ty An Phước, vải lá dứa của cty Ecosoi. Ngoài ra còn có các loại vải làm thủ công của người dân tộc như vải gai dầu Hemp ơi, các loại vải thổ cẩm của dân tộc H’mong, Dao và Thái. Chỉ những loại vật liệu nào không thể mua được ở Việt Nam, tôi mới phải nhập khẩu từ các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, Hongkong, Nhật và Hàn Quốc.

Một số thiết kế của La Phạm (Photographer Thiên Hùng và Quin Ngộ)

CHỊ ĐÃ TỪNG NHIỀU LẦN ĐƯA NHỮNG BỘ SƯU TẬP THỜI TRANG CỦA MÌNH BIỂU DIỄN Ở NƯỚC NGOÀI. ĐÂU LÀ SÂN KHẤU ĐÁNG NHỚ NHẤT CỦA CHỊ?

Ở mỗi nơi đều có những kỷ niệm đáng nhớ nhưng điều tự hào nhất đến nay là khi được giải nhì trong cuộc thì thời trang bền vững Un Dress ở St. Gallen, Thụy Sỹ vào tháng 3 năm 2022. Lúc đó, tôi đang có thai bé thứ ba nhưng chính niềm tự hào dân tộc đã cho tôi sức mạnh để vượt một chặng đường rất xa và đại diện cho Việt Nam đi thi đấu. Khi nhìn những bộ quần áo thổ cẩm trên sân khấu, lòng tôi dân lên niềm xúc động tự hào. Ban Giám Khảo cũng khen ngợi rằng đây là lần đầu tiên họ được chiêm ngững những thiết kế thổ cẩm mang xu hướng hiện đại và dễ ứng dụng như vậy. Nhiều khách hàng nước ngoài cũng đã tìm đến La Phạm sau show diễn đó.

CHỊ CÓ THỂ CHIA SẺ VỀ CUỘC GẶP GỠ GIỮA CHỊ VÀ NGHỆ SỸ THỊ GIÁC PHẠM TUẤN NGỌC?

Khi tình cờ tham quan một triển lãm ở Hà Nội dịp Tết năm nay, tôi đã rất yêu mến những tác phẩm của Ngọc. Đó là những bức hình về hoa thủy tiên được in trên lụa. Tôi cảm nhận được chiều sâu về không gian và thời gian ẩn chứa bên trong những bức hình được in thủ công trên nền lụa mềm mại – điều mà chúng ta không thể tìm thấy khi in bằng công nghiệp. Tôi đã có mong ước rằng những tác phẩm tuyệt đẹp này sẽ được đến nhiều hơn với công chúng bằng cách mặc hay đeo trên người. Nhờ người bạn thân đồng thời là người chủ xướng dự án kết nối, đến nay chúng tôi đã thử nghiệm và thực hiện thành công gần 30 thiết kế thời trang mang tính nghệ thuật.

Nghệ Sỹ Thị Giác Phạm Tuấn Ngọc, Founder Noirfoto Darkroom

CÔNG CHÚNG CÓ THỂ TRÔNG ĐỢI NHỮNG GÌ TỪ DỰ ÁN “SOI MÂY TẠC LỤA”?

Đây là một dự án dài hơi về những biểu tượng văn hóa Việt Nam, được chụp trong thời gian xảy ra đại dịch ở nhiều đình lăng chùa; bắt đầu ở Huế, mới đây nhất là ở Hà Nội và sẽ tiếp tục lan tỏa đến nhiều địa điểm khác. Những hình ảnh đó sẽ được xử lí bằng công nghệ digital trên máy tính, in âm bản rồi úp và phủ hóa chất trên mặt vải trước khi được in bằng tia UV trong phòng tối. Đây là một phương pháp cổ truyền từng được áp dụng nhiều trên giấy, thế nhưng việc in trực tiếp lên vải bằng phương pháp thủ công và ứng dụng trong thời trang thì chưa ai thực hiện ở Việt Nam. Đam mê nghiên cứu và khám phá những điều mới mẻ chính là động lực để chúng tôi thực hiện dự án này. Chúng tôi thích những sự dối lập trong cuộc sống như hiện đại/truyền thống, đông/tây, thủ công/công nghệ, nghệ thuật/ứng dụng nên bộ sưu tập lần này sẽ hội tụ đầy đủ những yếu tố đó. Ngoài ra, khán giả sẽ còn được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của anh Tuấn Ngọc kết hợp trong show diễn để đưa những hình tượng văn hóa lịch sử đến gần hơn với con người thông qua thời trang và nghệ thuật.

Nghệ Sỹ Thị Giác Phạm Tuấn Ngọc và NTK Phạm Ngọc Anh đang thực hiện dự án “Soi Mây Tạc Lụa”

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này. Chúc chị nhiều sức khỏe và luôn dồi dào cảm hứng nghệ thuật!

BẠN SẼ THÍCH

Doanh Nhân

JARED DANARAJ & CHARLES CHEN
Khám Phá Biên Niên Sử Omega

Deluxe Vietnam
Nhà Thiết Kế

GOU PEI
Dấu Son Trung Hoa Trên Bản Đồ Haute Couture Thế Giới

Deluxe Vietnam
Nhà Thiết Kế

NGỌC ĐOÀN
Ngắm Nhìn Thiên Nhiên Qua Lăng Kính Châu Báu

Deluxe Vietnam
Nhà Đầu Tư

FRANCIS LIU
Kiến Tạo Lại Tầm Nhìn Đầu Tư Trong Năm 2024

Deluxe Vietnam
Doanh Nhân

PAUL TSANG
Sải Cánh Bay Cùng Giới Tinh Hoa

Deluxe Vietnam

Xu hướng

Nhà cửa

XU HƯỚNG SÂN VƯỜN 2021
Hòa Mình Cùng Thiên Nhiên

Thảo Nguyên
Nhà cửa

XU HƯỚNG THIẾT KẾ 2021
Trọn Vẹn Một Mùa Yêu Thương

Hằng Nho
Văn Phòng

XU HƯỚNG VĂN PHÒNG 2021
Thi Vị Hóa Không Gian Làm Việc

Thảo Nguyên
Điểm đến

AMANSARA
Một Nét Hoài Niệm Về Đông Dương

Minh Quân
Điểm đến

BANYAN TREE
Vấn Vương Lòng Viễn Khách

Minh Quân
error: Content is protected !!