JARED DANARAJ & CHARLES CHEN
Khám Phá Biên Niên Sử Omega
Deluxe Vietnam 02 tháng 05,2024
Đằng sau hào quang lộng lẫy mà giới chế tác khoác lên cho những chiếc đồng hồ quyến rũ thuộc Omega là một thế giới thú vị – nơi nhiều nhà sưu tập miệt mài cống hiến cho thành công của thương hiệu bằng những câu chuyện có sức hấp dẫn vượt thời gian. Jared Danaraj và Charles Chen là hai cá nhân phi thường như thế. Họ đã dùng nhiều thập kỷ để khám phá lẫn bầu bạn cùng thương hiệu Thụy Sỹ này và tự dựng xây cho mình một biên niên sử Omega cực kỳ đồ sộ.
JARED DANARAJ
Đề cao giá trị tinh thần của tạo tác
J
ared Danaraj, với tư cách là một doanh nhân công nghệ, luôn giữ cho mình tư duy hướng về tương lai, thế nhưng niềm đam mê đồng hồ của anh lại bắt nguồn từ những câu chuyện hấp dẫn trong quá khứ.Sức hút của những chiếc đồng hồ xa xỉ thường bắt nguồn từ sự kết hợp mạnh mẽ giữa tay nghề khéo léo và trình độ chuyên môn cao, nhưng đối với Jared Danaraj, động lực dẫn để anh xây dựng bộ sưu tập đồng hồ đeo tay khổng lồ lại hơi chút trừu tượng.
“Tôi luôn quan tâm đến khái niệm thời gian” Anh cho biết “Đó một thứ hữu hạn và bạn luôn cảm thấy thiếu thốn, vì vậy chiếc đồng hồ giống như những “viên nang” ghi lại từng khoảnh khắc thú vị nhất trong cuộc đời bạn”. Được biết, Danaraj hiện sở hữu khoảng 200 chiếc đồng hồ, nhưng gần 30 trong số đó là của Omega. Chất xúc tác cho sở thích này được gói gọn trong câu nói “Tôi muốn trở thành James Bond.”
Danaraj bắt đầu sưu tập đồng hồ vào cuối những năm 1980 và số lượng anh sưu tầm được phụ thuộc vào khả năng tài chính vào thời điểm đó. Anh đã bắt đầu với chiếc Casio G-Shock, và theo sau với chiếc đồng hồ TAG Heuer chạy bằng máy quartz với viền nhựa. “Sau đó Golden Eye xuất hiện với cảnh Pierce Brosnan đeo chiếc Omega Seamaster 300M Quartz màu xanh lam, và tôi đã thèm muốn chiếc đó ngay lập tức. Tôi mất khoảng một năm rưỡi để dành dụm tiền mua phiên bản tự động Ref. 2251 vào năm 1997. Đây là chiếc đồng hồ cao cấp ‘đúng nghĩa’ đầu tiên của tôi và tôi vẫn còn giữ đến giờ!” Vị doanh nhân nhớ lại.
Với thu nhập ngày càng tăng, bộ sưu tập của anh ngày càng mở rộng và dẫn lối đi sâu hơn vào biên niên sử hấp dẫn của Omega. “Hiện tại, tôi ưu tiên tính thẩm mỹ trước tiên vì mẫu đồng hồ phải trông hấp dẫn về mặt thị giác. Tiếp đến, tôi cân nhắc đến chức năng, lịch sử và mục đích sử dụng. Hầu hết mọi người có thể không biết rằng Omega không chỉ nổi tiếng với việc chế tạo những chiếc đồng hồ có thể bay lên mặt trăng mà họ còn đi tiên phong trong nhiều cải tiến về bộ máy trong những năm 1930, cung cấp đồng hồ cho quân đội Anh trong Thế chiến thứ hai, tung ra một lượng lớn các thiết kế mang tính biểu tượng trong những năm 1970, tạo ra dòng sản phẩm James Bond và hợp tác với Michael Schumacher trong những năm 1990, hay thậm chí bây giờ hãng vẫn chế tạo đồng hồ bấm giờ chính thức cho Thế vận hội. Nhìn chung, có rất nhiều sản phẩm của thương hiệu mà công chúng ít quan tâm tới”.
Mặc dù Danaraj có thể được xem là một chuyên gia về thương hiệu Omega, thế nhưng công việc Phó Chủ tịch Kỹ thuật Giải pháp (AJP) tại công ty phần mềm toàn cầu UiPath lại là công cụ để anh có thể phát triển bộ sưu tập của mình rộng hơn. “Ngày nay, chính những phiên bản giới hạn, những sự hợp tác đặc biệt và những tác phẩm kỷ niệm mới là thứ thu hút tôi nhất”. Đó là lý do tại sao những chiếc đồng hồ yêu thích của anh bao gồm Speedmaster Moonwatch Calibre 321, tái cấu trúc dựa trên bộ máy Lemania từ những năm 1950 từng được phi hành gia Ed White đeo, hoặc chiếc Speedmaster Silver Snoopy Award 50th Anniversary hay còn gọi là “Snoopy 3”.
Nhưng Danaraj ít bị thúc đẩy bởi tiềm năng đầu tư của những chiếc đồng hồ này mà chú trọng vào khả năng khơi dậy cuộc trò chuyện giữa những người có cùng đam mê. “Tôi biết rằng trong bốn hoặc năm năm qua đã có rất nhiều cuộc thảo luận về đồng hồ như một loại tài sản. Tôi có tán thành triết lý đó không? Có và không. Những món đồ như một số chiếc Speedmaster sẽ luôn được đánh giá cao về mặt giá trị, nhưng đó không phải là lăng kính bền vững để chúng ta nhìn nhận niềm đam mê. Đam mê, theo tôi, là định nghĩa của sự điên rồ. Và bạn không thể đặt ROI (tỷ suất hoàn vốn) vào đó”.
CHARLES CHEN
Niềm đam mê tốc độ bất diệt
Bốn năm trước, Omega đã giới bộ sưu tập “City Edition” Seamaster dành riêng cho các cửa hàng ở từng thành phố tương ứng. Chúng bao gồm Singapore, New York, London, Paris, Thụy Sỹ, Venice và Ma Cao – và Charles Chen muốn có tất cả. “Là người Singapore, tôi phải thu thập tất cả chúng. Tôi đã hỏi các cửa hàng xem họ có thể giao các phiên bản khác nhau đến Singapore không, nhưng điều đó là bất khả thi, vì vậy tôi đã đến từng thành phố để mua toàn bộ dòng đồng hồ này”.
Nhà sưu tập đã mất đến bảy tuần di chuyển gần như không ngừng nghỉ để đạt được mục tiêu này. “Khi tôi hoàn thành nhiệm vụ, bạn bè gọi tôi là ‘kẻ cuồng Omega’, nhưng tôi nghĩ đó mới chính là mình” – Anh nói với một nụ cười rạng rỡ – “Xét cho cùng, Omega là chiếc đồng hồ đích thực đầu tiên tôi mua bằng tiền của mình”.
Lễ tốt nghiệp của Chen đã diễn ra trùng với thời điểm thành lập Hiệp hội Tài chính Châu Á vào năm 1997. “Tôi đã gửi 200 đơn xin việc và không nhận được phản hồi nào. Sau ba tháng, cuối cùng tôi cũng nhận được lời mời làm trợ lý từ một công ty tư vấn. Tôi muốn ghi nhớ cột mốc quan trọng này nên đã mua một chiếc Omega Constellation Automation bằng tháng lương đầu tiên, vì tôi nhớ một câu slogan nổi tiếng hồi đó đại loại là Omega chính là một phần trong tủ quần áo của mọi người đàn ông”.
Thành công ngày nay của Chen với tư cách là người sáng lập FoodNet International Holdings, nhà cung cấp giải pháp cho ngành công nghiệp thực phẩm, đã tạo điều kiện để anh sở hữu 300 chiếc đồng hồ trong những chiếc tủ được thiết kế riêng. 120 mẫu trong số đó đến từ Omega, và anh tự hào vì đã mua được gần như mọi chiếc Speedmaster được phát hành kể từ năm 2001.
“Tôi rất thích thể thao ; từng chơi bóng đá, bóng bàn và cầu lông, nên 95% đồng hồ của tôi là đồng hồ thể thao” Vị doanh nhân giải thích thêm về sở thích của mình đối với dòng Speedmasters. Chen dành khoảng 30 phút mỗi đêm để lướt qua các nền tảng mạng xã hội nhằm cập nhật tin tức cũng như chương trình ra mắt mới nhất, đồng thời gọi điện đến các cửa hàng để đặt lịch hẹn khi có bất kỳ mẫu nào lọt vào mắt anh.
Điều thú vị là một trong những người mẫu yêu thích nhất cỉa Chen đã bước vào cuộc đời anh một cách khá tình cờ. Khi đó, anh chú ý đến một chiếc Speedmaster mặt số màu trắng trong một cửa hàng ở Thượng Hải, nhưng kỳ lạ thay nó lại không được trưng bày ở trung tâm mà nép ở phía bên trái của tủ – anh đoán có thể là vì màu trắng không được yêu thích tại thị trường Trung Quốc. Thiết kế đặc biệt này hóa ra là phiên bản kỷ niệm 35 năm Speedmaster Apollo XI sử dụng mặt số “gấu trúc” đầu tiên của Omega. Chen cho biết gần đây anh đã thấy mẫu tương tự được bán với giá 400% giá gốc trên thị trường chợ đen.
Nhà sưu tầm thừa nhận rất phấn khích khi thấy giá của một số đồng hồ mà anh đang sở hữu tăng cao (anh thậm chí lập ra một bảng excel để theo dõi) nhưng cũng khẳng định rằng anh chưa có ý định bán bất kỳ chiếc đồng hồ nào trong số đó. “Tôi thích sở hữu đồng hồ và Omega là một trong những thương hiệu mà tôi không bao giờ chán khi ngắm nhìn. Đồng hồ giúp tôi giảm bớt căng thẳng trong công việc”.