RESHAPING THE FUTURE OF PHILANTHROPY
Kiên Định Sứ Mệnh Kết Nối Yêu Thương
Deluxe Vietnam 25 tháng 04,2024
Được thúc đẩy bởi tinh thần tương thân, tương ái và khát vọng cho đi của người sở hữu trái tim ấm nồng, hoạt động thiện nguyện thực sự dấy lên làn sóng sẻ chia mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Theo quan điểm chuyên gia, hành trình lan tỏa yêu thương giữa người với người vẫn kiên định từng bước đi, dẫu rằng phải đối mặt nhiều thách thức của kinh tế cùng bất ổn địa chính trị.
B
áo cáo có tựa đề “Philanthropy and the Global Economy v3.0: Perspectives on the Future of Giving” (Thiện nguyện và kinh tế toàn cầu 3.0: Quan điểm về tương lai của việc cho đi) đã được ngân hàng đa quốc gia Citibank xuất bản như một phần “Global Perspectives & Solutions series” (Chuỗi quan điểm cùng giải pháp toàn cầu). Theo đó, giới chuyên gia phân tích tỉ mỉ mô hình trong năm 2022 đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhìn nhận thấu đáo tình trạng bất ổn địa chính trị gia tăng có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thiện nguyện tương lai. Thực tế cho thấy các khoản quyên góp cùng hoạt động tình nguyện vẫn tiếp diễn sau đại dịch Covid-19. Theo đó, khát vọng cho đi âm thầm lan tỏa như một chuẩn mực mới.Các động thái ủng hộ xã hội – như quyên góp thiện nguyện, hoạt động tình nguyện và giúp đỡ người lạ – tiếp tục tăng cao đáng kể trên phạm vi quốc tế vào năm 2022 so với giai đoạn 2017- 2019, mặc dù có chút giảm nhẹ thời điểm 2021 – 2022. Tuy nhiên, vào năm 2022, nguồn thu đến từ hoạt động thiện nguyện đã thay đổi trên toàn cầu. Số lượng tổ chức cùng nhà tài trợ giàu có sở hữu trái tim nhân ái liên tục tăng nhanh.
BIẾN ĐỘNG SỐ LƯỢNG TỔ CHỨC CÙNG CÁ NHÂN GIÀU CÓ SỞ HỮU TRÁI TIM ẤM NỒNG
Khi xem xét số lượng sụt giảm nhà tài trợ cá nhân ở Hoa Kỳ, điều quan trọng cần lưu ý chính là hai yếu tố tạo nên hiện trạng. Trong đó, mỗi yếu tố đều gây tác động đến phương hướng mà nhóm tổ chức phi lợi nhuận sẽ phát triển trong tương lai. Trước hết, động thái hướng tới những nhà tài trợ cá nhân giàu có và sự thể chế hóa lớn hơn nền tảng nhà tài trợ. Kế đến, các nhóm thu nhập cao có nhiều khả năng quyên góp tiếp tục hăng hái cùng hoạt động thiện nguyện, cả trước lẫn xuyên suốt đại dịch, góp phần làm tăng số lượng nhân khẩu học giàu có trong nhóm nhà tài trợ ở Hoa Kỳ. Khi những đóng góp thiện nguyện của người dân ngày càng hướng tới các doanh nghiệp và ở mức độ lớn hơn là quỹ, nền tảng tài trợ Hoa Kỳ càng phát triển mang tính thể chế hơn.
Trong cuộc trò chuyện cùng truyền thông, Karen Kardos, người đứng đầu toàn cầu về tư vấn thiện nguyện tại Citi Private Bank, đã chia sẻ tường tận các xu hướng cùng sáng kiến thiện nguyện tương lai. Theo Kardos, hoạt động quyên góp, tình nguyện và giúp đỡ một người lạ đã giảm phần nào trên toàn cầu vào năm 2022, mặc dù cả ba yếu tố này vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Đội ngũ chuyên gia đi đến kết luận: việc kêu gọi điều chỉnh cách các tổ chức thiện nguyện sử dụng nguồn lực của họ sẽ xuất phát từ nguồn tài trợ từ thế hệ ‘silent và baby boomer’. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc chuyển giao tài sản toàn cầu ước tính trị giá 100 nghìn tỷ USD (82,3 nghìn tỷ bảng Anh) sẽ “tái định hình hoạt động thiện nguyện”. Theo nhiều ý kiến, quyết định này ắt dẫn đến yêu cầu điều chỉnh cách mà các nhóm thiện nguyện sử dụng nguồn tài sản.
Kardos cho biết: “Ước tính khoảng 100 nghìn tỷ USD hiện đang được chuyển từ thế hệ baby boomer sang những người thừa kế của họ. Phụ nữ và thế hệ trẻ sẽ kiểm soát phần lớn khối tài sản này đồng thời trở thành người ra quyết định khi đề cập đến hoạt động thiện nguyện, từ cả góc độ tài trợ lẫn đầu tư. Với quyền kiểm soát khoảng 2,4 nghìn tỷ USD ước tính do các quỹ tư nhân nắm giữ, lực lượng kế thừa giàu có có xu hướng ủng hộ các chiến lược đầu tư ESG, có thể chuyển nguồn tài trợ của quỹ sang chiến lược đầu tư liên quan đến sứ mệnh tương trợ”.
Cô không quên dự đoán các xu hướng thiện nguyện sẽ phát triển trong những năm tới: “Mức tăng trưởng lớn nhất trong số ba thước đo là giúp đỡ người lạ, một hoạt động được thực hiện độc lập hoàn toàn với nhóm tổ chức phi lợi nhuận chính thức. Một phần nhờ vào hỗ trợ đắc lực của các công nghệ mới, như nền tảng huy động vốn từ cộng đồng.
Một yếu tố khác là niềm tin vào tổ chức phi chính phủ (NGO) ngày càng suy giảm. Thực trạng đó có thể khiến lượng lớn nhà tài trợ tương lai rời bỏ các tổ chức phi lợi nhuận chính thức. Trong khi số tiền quyên góp tương đối ổn định thì nền tảng tài trợ đang thay đổi. Nguồn quyên góp cá nhân đang giảm dần, vì nhìn chung, những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao và cực cao tiếp tục quyên góp, trong khi người có thu nhập thấp hơn không đủ khả năng làm như vậy. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng kỹ thuật số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và big data, sẽ cung cấp thông tin cũng như tạo ảnh hưởng đến hình thức quyên góp. Công nghệ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn tài trợ, thông qua thúc đẩy cá nhân hóa. Dẫu vậy, công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo rất khó nắm bắt bởi nhóm tổ chức phi lợi nhuận”.
CÔNG NGHỆ ĐÓNG VAI TRÒ CÔNG CỤ ĐẮC LỰC TRONG HÀNH TRÌNH KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
Khi nền tảng tài trợ trở nên chuyên biệt và được thể chế hóa hơn, công nghệ có thể đóng vai trò ‘trợ thủ’ hữu dụng. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy các tổ chức phi chính phủ có mức độ trưởng thành về kỹ thuật số tương tác tốt hơn với đối tác liên quan. Song song đó, việc phát triển các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) cung cấp nguồn kiến thức sâu hơn về lý do tại sao những cá nhân hứng thú đóng góp cho tổ chức mà họ cống hiến, cũng như thấu hiểu khát vọng từ thiện của nhà tài trợ. Theo cuộc khảo sát năm 2022, nhóm tổ chức phi lợi nhuận có mức độ phát triển kỹ thuật số cao cũng tiết lộ rằng họ tạo lập mối quan hệ tốt hơn với nhiều bên liên quan. Điều vừa đề cập nhằm nhấn mạnh rằng xã hội cần nhiều nỗ lực thiết thực hơn để hỗ trợ tổ chức phi lợi nhuận nắm bắt thực tế công nghệ kỹ thuật số có thể giúp khôi phục nền tảng tài trợ như thế nào.
Tuy nhiên, phần lớn tổ chức phi lợi nhuận không đủ phương tiện đầu tư vào công nghệ mới và hầu hết đều thiếu kỹ năng nội bộ cần thiết để tận dụng các phát triển tiên phong, khiến họ tụt hậu so với thị trường vì lợi nhuận trong nắm bắt công nghệ hiện đại. Susan Krimigis, người đứng đầu bộ phận phi lợi nhuận tại Ngân hàng Thương mại Citibank Hoa Kỳ, bộc bạch: “Trên thực tế, tổ chức phi lợi nhuận phải ưu tiên các chi phí như tiền lương, tiền thuê văn phòng và đi lại. Do hạn chế về ngân sách, họ có xu hướng thiếu nhân sự, hạn chế khả năng triển khai công nghệ mới”.
Krimigis đồng thời cũng chia sẻ công nghệ ưu việt mà tổ chức phi lợi nhuận nên ứng dụng. Vị này cho biết: “Các tổ chức phi lợi nhuận nên loại bỏ quy trình thủ công đồng thời tích hợp hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp ERP và ngân hàng”. Điều ấy cho phép nhân viên tài chính dành ít thời gian hơn cho khâu nhập liệu thủ công và tập trung vào các dự án chiến lược nhằm nâng cao sứ mệnh của tổ chức mà họ phụng sự. Thêm vào đó, chúng ta đã thấy trong đại dịch, tội phạm gia tăng thông qua ‘chiến tranh mạng’. Việc sử dụng AI cùng khoa học máy tính cho phép tự động xác định các lưu lượng truy cập bất thường, mang lại khả năng giải quyết những vấn đề rủi ro ngay tức thì”.
Báo cáo khuyến cáo tổ chức phi lợi nhuận cần phải thận trọng khi lựa chọn sử dụng công nghệ mới nào trong suốt những năm và nhiều thập kỷ tiếp theo. Krimigis tin rằng mọi thứ sẽ thay đổi trong những năm tới khi các tổ chức thiện nguyện trở nên hiệu quả hơn nhờ công nghệ thời đại mới. Điều này phù hợp với xu hướng tương lai, nhằm tăng hiệu quả trong hoạt động ngân hàng cũng như huy động vốn. Nữ chuyên viên cũng chia sẻ: “Các tổ chức phi lợi nhuận cần nhiều nguồn tài trợ không hạn chế để chi trả cho công nghệ cần thiết. Với khoản quyên góp rất lớn và không hạn chế như chúng ta thấy, tôi tin rằng đây sẽ trở thành xu hướng rất cần thiết đối với các nhà tài trợ, nhà cung cấp tài trợ lớn nhất. Hơn nữa, việc giới thiệu chuỗi công cụ quản lí ngân quỹ cho phép nhanh chóng ứng dụng tiền mặt vào chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để các tổ chức tối đa hóa tính thanh khoản một cách hiệu quả từ nhiều khoản quyên góp trong mạng lưới thiện nguyện”.
LÒNG NHÂN ÁI LAN TỎA KHẮP TOÀN CẦU
Xem xét mức tăng đột biến của khoản quyên góp nước ngoài cho Ukraine vào năm 2022, nghiên cứu đã chứng minh bối cảnh hoạt động thiện nguyện đang thay đổi ra sao. Nhiều nhà tài trợ bày tỏ sự quan tâm tích cực đến việc hỗ trợ các tổ chức nằm dưới sự quản lí, điều hành bởi địa phương, trong khi các tổ chức thiện nguyện cho thấy đang dần chuyển hoạt động đến gần hơn với người thụ hưởng.
Bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ, số tiền quyên góp không ngừng tăng. Điều này phù hợp với các khu vực mà nơi niềm tin vào nhóm tổ chức phi chính phủ hiện đang ở ngưỡng tăng mạnh. Trung Quốc, Kenya, Ấn Độ và Nigeria có mức độ tin cậy cao nhất, trong khi theo truyền thống, họ không đóng góp một phần đáng kể GDP cho các tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, một số quốc gia này có tỷ lệ đóng góp cộng đồng trực tiếp cao thông qua hoạt động tôn giáo, chẳng hạn như thực hiện nghĩa vụ quyên góp mỗi năm cho hoạt động thiện nguyện – Zakat – của Hồi giáo.
Và, một câu hỏi được đặt ra: “Tổ chức thiện nguyện đóng vai trò gì nếu một cuộc suy thoái diễn ra?”. Kardos phân trần: “Điều kiện kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động thiện nguyện. GDP, lạm phát, thất nghiệp, chi phí sinh hoạt và diễn biến của thị trường chứng khoán, là vài ví dụ cụ thể gây ảnh hưởng đến số tiền nhà tài trợ quyên góp cho hoạt động thiện nguyện. Mặt khác, những yếu tố tương tự đó cũng tác động đến khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức phi lợi nhuận cho những người có nhu cầu. Đó thực sự là một con dao hai lưỡi, chẳng hạn như khi lạm phát tăng lên, khả năng các nhà tài trợ trung bình giảm sút đồng thời số tiền quyên góp cho nhóm tổ chức phi lợi nhuận không còn duy trì như trước nữa”.
TƯƠNG LAI CỦA HOẠT ĐỘNG THIỆN NGUYỆN SẼ THẾ NÀO?
Kardos kết luận: “Về phương diện các nhà tài trợ đang thay đổi, có một số phân nhánh. Đầu tiên, quỹ, tập đoàn sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hoạt động thiện nguyện tương lai. Thứ hai, có ít quan điểm hơn về lĩnh vực trọng tâm (giáo dục, y tế, môi trường, nghệ thuật…) và tổ chức phi lợi nhuận nào đang được tài trợ. Những người gây quỹ nhận thấy vô vàn khó khăn trong nỗ lực thu hút những người trao tặng ít hơn cũng như quản lý những món quà nhỏ hơn.
Có một ý nghĩa rộng lớn hơn, trong đó các ngành phi lợi nhuận và vì lợi nhuận đang tiến gần nhau về mô hình kinh doanh, mục đích cũng như quan hệ đối tác. Sự hợp tác thực sự giữa tổ chức vì lợi nhuận và phi lợi nhuận mang đến cơ hội trao đổi cả kỹ năng lẫn kiến thức chuyên môn. Ví dụ, tổ chức phi lợi nhuận có thể đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ ngành công nghiệp vì lợi nhuận, thấu hiểu cũng như đo lường tác động xã hội như một phần của xu hướng ESG.