AUCTION HOUSES HAVE BECOME A HOT SPOT FOR LUXURY FASHION
Cách Mạng Thời Trang Trong Ngành Đấu Giá

Deluxe Vietnam 25 tháng 04,2024

Thường được mặc định là lãnh địa riêng dành cho giới nghệ thuật, các nhà đấu giá giờ đây dần trở thành “miền đất hứa” của thời trang siêu xa xỉ. Christie’sSotheby’s – hai công ty lớn nhất trong lĩnh vực này – đều đã tổ chức các đợt đấu giá nhân dịp “tuần lễ xa xỉ” ở Thành phố New York và chào bán những mặt hàng đắt đỏ nhất, bao gồm mọi thứ từ đồng hồ Patek Philippe Calatrava hay túi xách Birkin phiên bản giới hạn. Theo từng cú gõ búa của đấu giá viên, vật phẩm thời trang tìm được vị chủ nhân xứng tầm với một mức giá đôi khi là không tưởng.

C

hristie’s đã nhạy bén đầu tư vào lĩnh vực thời trang xa xỉ từ đầu những năm 2010; nhưng cho đến đầu năm 2022 thì hãng mới mở một bộ phận riêng phụ trách về các bộ sưu tập thời trang dạo phố, giày thể thao, … Về phần mình, Sotheby’s đã tuyên bố đanh thép rằng từ năm 2019 sẽ chuyển hẳn hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực mỹ thuật và hàng xa xỉ; vào năm 2021, công ty báo cáo doanh thu hơn một tỷ đô la từ bộ phận hàng xa xỉ, chiếm khoảng 1/8 tổng doanh thu của công ty.

Sự giao thoa giữa nghệ thuật và thời trang không có gì mới – chúng ta đã thấy rất nhiều nghệ sỹ và nhóm nhạc hợp tác với các hãng thời trang trong những năm qua – nhưng gần đây giới mộ điệu lại chứng kiến một hiện tượng tương đối lạ khi mà các nhà đấu giá bắt tay cùng thương hiệu. Cho dù đó là Sotheby’s hợp tác với Loewe sản xuất máy rang hạt dẻ hay Christie’s hợp tác với Stadium Goods để bán giày thể thao của Michael Jordan, các tổ chức đấu giá trước đây vốn là “thánh đường” dành riêng cho giới thượng lưu nghệ thuật đang triển khai chiến lược mở rộng danh mục đầu tư của họ sang thời trang. Bằng cách đó, họ đang áp dụng phương thức đấu thầu độc đáo của mình cho nhiều loại sản phẩm xa xỉ hơn.

Rachel Koffsky, trưởng bộ phận quốc tế về túi xách và phụ kiện tại Christie’s, cho biết: “Sự sang trọng luôn là một phần trong danh sách sản phẩm của chúng tôi, nhưng nó ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với khách hàng và nhà sưu tập trên toàn thế giới. Và giờ đây, thị trường nghệ thuật, thị trường thời trang, thị trường xa xỉ và văn hóa đại chúng đã thực sự hội tụ ở cùng một giao điểm”. Chiếc túi xách đầu tiên mà nhà đấu giá này bán ra là một món đồ trong bộ sưu tập của Coco Chanel năm 1978.

Mô hình đấu giá đưa ra một góc nhìn mới để đánh giá thời trang, nâng nó lên tầm nghệ thuật (một chủ đề mà mọi người thích tranh luận). Trong các nhà đấu giá này, mỗi mặt hàng trong kho đều được đánh giá tỉ mỉ, dựa trên thương hiệu, mẫu mã, chất liệu, quá trình sản xuất, xuất xứ, v.v., tất cả đều làm tăng thêm giá trị của chúng sau mỗi cú gõ búa.

Đối với Julien’s Auctions, một nhà đấu giá chuyên về các kỷ vật của người nổi tiếng, mức giá còn phụ thuộc vào lịch sử của món đồ. Martin Nolan, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc tài chính của công ty cho biết: “Mọi người coi đàn guitar, thời trang hoặc ví hàng hiệu như những tác phẩm nghệ thuật. Chúng cũng được các nhà sưu tập sành sỏi trân quý chẳng khác gì các tín đồ nghệ thuật yêu thích tranh của Warhol, Picasso hay Monet”.

Trong thị trường bán lại rộng lớn hơn, một bộ tiêu chí tương tự sẽ giúp xác định giá của món hàng. Tại nhà đấu giá, một món đồ thời trang sẽ có giá cao hơn nhiều so với ở cửa hàng ký gửi; một số món đồ có thể đạt đến một triệu đô la (tương tự trường hợp một chiếc nhẫn kim cương màu hồng lộng lẫy được bán với giá hơn 58 triệu đô la tại Sotheby’s). Tuy nhiên, có một điểm khác biệt mà bạn nên hiểu: Trong không gian đấu giá, thời trang không chỉ được ca ngợi vì mục đích thực dụng – nó được xem như một món đồ sưu tầm và thậm chí có thể là một khoản đầu tư.

Theo Josh Pullan, người đứng đầu bộ phận hàng xa xỉ toàn cầu của Sotheby’s, cho biết có một số động cơ khác nhau thúc đẩy việc mua hàng: Có những người coi các món đồ thời trang là hạng mục đầu tư tiềm năng, số khác mua để thực sự sử dụng hoặc làm quà tặng, và cuối cùng là nhóm khách hàng đang tìm kiếm một vật phẩm đặc biệt để đưa vào trưng bày trong bộ sưu tập cá nhân. Đôi khi, người mua có kết nối đặc biệt nào đó với vật phẩm liên quan đến quá khứ hoặc tuổi thơ của họ. Điều này thường xuất hiện khi vật phẩm đó có liên quan đến văn hóa đại chúng hoặc kỷ vật thể thao.

Bất kể động cơ đến tham gia đấu giá của mọi người là gì, có một điều chắc chắn rằng mọi món hàng đều tìm được chủ nhân sau phiên đấu giá – một dấu hiệu lành mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của thị trường vào giá trị lâu dài của những tài sản đặc biệt này. Không chỉ vậy, “Chúng tôi thấy giá trị tăng theo thời gian” – Pullan cho biết thêm.

Đới với quần áo, những người tham gia đấu giá thường sẽ thoải mái mở hầu bao nếu chúng từng được treo trong tủ của người nổi tiếng. Ví dụ, chiếc áo đấu mà Michael Jordan mặc trong phim “The Last Dance” được bán tại Sotheby’s với giá 10,1 triệu USD. Sau đó, chiếc váy nổi tiếng được nữ minh tinh Marilyn Monroe mặc khi hát bài “Chúc mừng sinh nhật” cho Tổng thống Kennedy đã được bán cho một nhà đầu tư vào năm 1999 với giá kỷ lục thế giới lúc bấy giờ là 1,2 triệu USD, trước khi tiếp tục được bán qua nền tảng Julien’s Auction vào năm 2016 với cái giá không tưởng là 4,81 triệu USD. Một phiên bản tương tự gần đây đã được Kim Kardashian mặc tới Met Gala 2022 – và vì những hiệu ứng truyền thông khổng lồ mang lại, Nolan tin rằng nó hoàn toàn có thể đạt đến mức giá 10 triệu USD nếu được đấu giá một lần nữa.

Nhìn từ góc độ khác, việc thời trang cao cấp len lỏi vào các sàn đấu giá là chuyện hiển nhiên khi Christie’s thuộc sở hữu của François-Henri Pinault – ông chủ của Kering, công ty mẹ các thương hiệu như Balenciaga, Bottega Veneta và Gucci. Trong khi đó, chủ tịch LVMH, Bernard Arnault, từng sở hữu một thời gian ngắn nhà đấu giá Phillips vào những năm 2000.

Bất chấp tất cả những điều này, doanh số bán hàng xa xỉ vẫn chỉ chiếm một phần doanh thu của nhà đấu giá. Xét cho cùng, túi xách, đồ trang sức và đồng hồ có những giá khởi điểm tương đối dễ tiếp cận hơn so với một bức tranh. Tuy nhiên, mức giá thấp ấy lại chính xác là điều thu hút sự quan tâm của những khách hàng trẻ tuổi – những người có thể còn đang có phần sợ hãi trước một thế giới đấu giá khôn lường.

Không có gì quá ngạc nhiên khi nhận định rằng thời trang xa xỉ một ngày nào đó có thể phát triển đủ để trở thành trụ cột duy trì hoạt động kinh doanh đấu giá trong tương lai, đặc biệt là khi một nhóm nhà sưu tập mới nổi tiếp tục bỏ qua các danh mục truyền thống để tìm kiếm những vật phẩm mới mẻ.

BẠN SẼ THÍCH

Sự Kiện

VIETNAM MOTOR SHOW 2024
Triển Lãm Ô Tô Phù Hợp Thực Tế Thị Trường

Deluxe Vietnam
Sự Kiện

HONG KONG WATCH & CLOCK FAIR VÀ SALON DE TIME
Tinh Hoa Đồng Hồ Đông – Tây Hội Tụ

Deluxe Vietnam
Tin Tức

LAB-DIAMOND
Tương Lai Nào Cho Kim Cương Nhân Tạo?

Deluxe Vietnam
Sự Kiện

VIFA ASEAN 2024
Thu Hút Doanh Nghiệp Từ Việt Nam Và 14 Quốc Gia

Deluxe Vietnam
Tin Tức

FIRMENICH
Thống Trị Thế Giới Mùi Hương

Deluxe Vietnam

Xu hướng

Nhà cửa

XU HƯỚNG SÂN VƯỜN 2021
Hòa Mình Cùng Thiên Nhiên

Thảo Nguyên
Nhà cửa

XU HƯỚNG THIẾT KẾ 2021
Trọn Vẹn Một Mùa Yêu Thương

Hằng Nho
Văn Phòng

XU HƯỚNG VĂN PHÒNG 2021
Thi Vị Hóa Không Gian Làm Việc

Thảo Nguyên
Điểm đến

AMANSARA
Một Nét Hoài Niệm Về Đông Dương

Minh Quân
Điểm đến

BANYAN TREE
Vấn Vương Lòng Viễn Khách

Minh Quân
error: Content is protected !!