ALTERNATIVE LEATHER
Tương Lai Của Ngành Thời Trang (Phần 1)
Thảo Nguyên 11 tháng 07,2022
Những lựa chọn da thay thế thân thiện với môi trường đang gia tăng – đồng nghĩa với việc các nhà đổi mới dệt may, các công ty công nghệ và các chuyên gia thời trang bền vững ngày càng khẳng định rõ tương lai của họ trên thị trường.
T
heo Chương trình United Nations Environmental – Môi trường Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp thời trang chiếm tới 10% lượng khí thải carbon toàn cầu. Con số này thậm chí nhiều hơn cả tổng lượng carbon từ các chuyến bay và vận chuyển quốc tế cộng lại. Để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, tại COP26 – hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mới nhất của Liên hợp quốc, các bên ký kết Hiến chương ngành công nghiệp thời trang về hành động vì khí hậu — bao gồm Burberry, H&M Group, Inditex, VF Corporation và Kering – đã cam kết cắt giảm 50% lượng khí thải trong mười năm tới. “Chúng ta phải làm điều này”, Tiến sĩ Gloria Lei Yao – giám đốc phát triển dự án tại Viện Nghiên cứu Dệt may Hồng Kông (HKRITA) kiêm giám đốc Hiệp hội Tin học Kỹ thuật Sinh học Dệt may khẳng định. “Đã đến lúc cần nhìn nhận vào thực tế hiện tại: sự tồn tại của hành tinh sẽ gặp phải nhiều thách thức nếu chúng ta không chịu thay đổi.”Trong cuộc cách mạng giảm thiểu cacbon, một thay đổi quan trọng đối với chuỗi cung ứng là tìm ra nguồn cung ứng nguyên liệu bền vững. Trong thị trường thời trang cao cấp, có rất nhiều sản phẩm da – phần lớn là túi xách và giày. Dấu chân carbon của chiếu liệu này tương đối lớn do lượng khí thải liên quan đến chăn nuôi và các hóa chất độc hại được sử dụng trong quá trình thuộc da. Sự thật là mặc dù các thương hiệu đang cố gắng chuyển sang sử dụng bông hữu cơ, thuốc nhuộm tự nhiên và bù đắp lượng khí thải từ các buổi trình diễn thời trang, việc loại bỏ da thuộc khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Đối với các thương hiệu cao cấp như Hermès, Prada và những thương hiệu thuộc tập đoàn Kering, các sản phẩm bằng da chiếm khoảng một nửa doanh số bán hàng. Tuy nhiên, nếu ngành công nghiệp thời trang thực sự muốn đạt được các mục tiêu về tác động môi trường, thì đây chính là vấn đề đầu tiên cần được giải quyết.
THUẦN CHAY VÀ THỜI TRANG
Hiện tại, có một điểm trung gian giữa nhựa và da động vật: các lựa chọn thay thế da thuộc dạng vật liệu sinh học được trồng trong phòng thí nghiệm và da có nguồn gốc thực vật không được làm từ polyurethane – một loại nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, có các vấn đề môi trường riêng. Các thương hiệu bao gồm Stella McCartney, Nike và Adidas là những cái tên tiên phong trong việc áp dụng các lựa chọn thay thế này.
Tháng 3 năm ngoái, Hermès đã hợp tác với MycoWorks – một công ty công nghệ sinh học của California để sản xuất chiếc túi du lịch Victoria – kết hợp vải canvas, da bê và Sylvania màu hổ phách. Đây là chất liệu được làm bằng Fine Mycelium – một công nghệ đã được cấp bằng sáng chế, được phát triển để tạo ra sợi nấm với cấu trúc giống như rễ của một loại nấm nhưng sở hữu các thuộc tính của da. Vào tháng 1, công ty khởi nghiệp do Hermès hậu thuẫn đã huy động được 125 triệu đô la Mỹ tài trợ để mở rộng quy mô sản xuất hàng dệt Reishi – một thành quả khác của công nghệ Fine Mycelium, mang lại cho công ty khả năng sản xuất hàng triệu feet vuông mỗi năm.
Một lựa chọn phổ biến khác dựa trên sợi nấm, được trồng trong phòng thí nghiệm đã sẵn sàng cho sản xuất thương mại là da nấm Mylo, được tạo ra bởi Bolt Threads. Vật liệu nhanh chóng giành được sự ủng hộ của nhiều tập đoàn và thương hiệu, bao gồm cả công ty mẹ của Gucci – Kering. Gã khổng lồ thể thao Adidas sẽ tung ra phiên bản da sợi nấm của đôi giày thể thao Stan Smith cổ điển của mình; trong khi đó, Lululemon, l sử dụng da nấm trong thảm tập yoga và túi tập thể dục; và Stella McCartney đã cho ra mắt chiếc túi và hàng may mặc đầu tiên trên thế giới được làm từ Mylo vào năm 2021. “Mylo là nguyên liệu thuần chay có nguồn gốc sinh học, có thể tái tạo và đã được chứng nhận.” – Dan Widmaier, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Bolt Threads chia sẻ.
Ngoài ra còn có một lợi thế cạnh tranh thương mại rõ ràng đối với vật liệu sinh học: hiệu suất. “Việc chăn nuôi để lấy da truyền thống có thể mất nhiều năm.” – Widmaier nói thêm – “Sợi nấm sử dụng để sản xuất Mylo được trồng bởi những người nông dân trồng nấm chuyên nghiệp tại các cơ sở nuôi trồng trong nhà với 100% năng lượng tái tạo trong vòng chưa đầy hai tuần, ”Widmaier nói. “Quá trình tạo ra các loại da làm từ thực vật khác, chẳng hạn như da nho, trong nhiều trường hợp, có thể mất từ bốn đến năm tuần từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành.”
Các thí nghiệm về các lựa chọn thay thế da chắc chắn đang gia tăng, như thử nghiệm giới hạn chất thải nông nghiệp từ thực vật bao gồm dứa, táo và xương rồng. Một trường hợp tiêu biểu là Piñatex – được tạo ra bởi Ananas Anam có trụ sở tại London – biến lá dứa phế thải từ các trang trại ở Philippines thành một loại vải dệt phân hủy sinh học với hiệu suất tương đương với da, sử dụng các quy trình cơ học giảm thiểu tác động đến môi trường.
Mọi chuyện bắt đầu khi Tiến sĩ Carmen Hijosa, người sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo và đổi mới của công ty, tìm hiểu về loại vải may mặc barong tagalog – một loại sợi truyền thống của Philippines được làm từ lá dứa. Hơn một thập kỷ nghiên cứu, cô đã phát triển sợi này thành một vật liệu giống như da. Kể từ khi ra mắt thương mại vào năm 2015, Piñatex đã được sử dụng bởi các thương hiệu thời trang như Hugo Boss, H&M, Nike, haute couturier Guo Pei của Trung Quốc, và hơn 500 nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, Piñatex còn có một tác động lớn về mặt đạo đức và xã hội. So với các lựa chọn thay thế được trồng trong phòng thí nghiệm, “sự khác biệt lớn là nguyên liệu từ thực vật cho phép tạo việc làm và thu nhập bổ sung cho các cộng đồng nông dân,” Hijosa chia sẻ. “Hiện tại, chúng tôi đang làm việc với tám hợp tác xã, mang lại lợi ích cho hơn 500 gia đình chỉ ở riêng Philippines.” Cô cho biết thêm, công ty cũng có kế hoạch sản xuất sản phẩm này trong nước như một ví dụ về nền kinh tế vòng tròn.
Trong khi đó, một số sáng kiến lại xuất phát từ chính mong muốn cải thiện thế giới. “Điều gì sẽ xảy ra nếu quần áo của chúng tôi được làm từ một vật liệu tự nhiên không tạo ra vi nhựa mà thay vào đó, phân hủy như một chiếc lá cây? Điều gì sẽ xảy ra nếu thời trang có thể trở thành một động lực?” Mark Herrema – Giám đốc điều hành của Newlight Technologies – công ty đứng sau vật liệu âm carbon AirCarbon đặt ra câu hỏi. Công ty có trụ sở tại California này đã dành hơn một thập kỷ để phát triển vật liệu sinh học làm từ PHB (polyhydroxybutyrate) – một chất tồn tại tự nhiên ở hầu hết các dạng sống.
AirCarbon có thể được sử dụng như một chất thay thế cho nhựa và da, và được chứng nhận âm tính carbon bởi SCS Global Services ở California và Carbon Trust ở London – những cơ quan sử dụng các tiêu chuẩn kế toán carbon quốc tế để thực hiện các tính toán. Herrema giải thích: “Khi AirCarbon được tạo ra trong tự nhiên, đó là một quá trình âm tính với carbon, dẫn đến giảm lượng carbon trong không khí. “Chúng tôi đã mất nhiều năm để tái tạo quá trình này, nhưng ngày nay chúng tôi sử dụng năng lượng tái tạo, không khí, nước mặn và các vi sinh vật tự nhiên, và bằng cách đó, chúng tôi có thể tạo ra một tác động tương tự để mang đến một vật liệu âm carbon.”
Nói cách khác, quá trình sản xuất thu giữ nhiều khí thải nhà kính hơn lượng khí thải ra, dẫn đến giảm lượng carbon trong không khí vào cuối vòng đời của nó.
Công ty đã tung ra thương hiệu thời trang riêng của mình – Covalent, để kiểm tra thời trang âm tính với carbon, bắt đầu với các phụ kiện kính mắt và da, đi kèm là hệ thống theo dõi blockchain do IBM hỗ trợ để đếm lượng khí thải carbon trên từng sản phẩm cụ thể. Năm ngoái là cột mốc đánh dấu tròn một năm Newlight liên tục giao hàng qua Mỹ, Canada và Châu Âu các sản phẩm AirCarbon từ Eagle 3 – nhà máy AirCarbon quy mô thương mại đầu tiên. Công ty cũng đã thu hút được các công ty chủ chốt trong ngành may mặc. Nike dự kiến sẽ phát hành giày thể thao phủ carbon sử dụng AirCarbon trong những tháng tới.