HOW CAN LUXURY INTEGRATE ARTIFICIAL INTELLIGENCE
Khi Thời Trang Lướt Trên Cơn Sóng AI
Deluxe Vietnam 07 tháng 11,2023
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn và ngân sách bị thắt chặt, cuộc chơi AI đang làm náo loạn giới công nghệ cũng khiến những người đứng đầu các tập đoàn thời trang không khỏi động lòng. Một mặt, AI mang đến những lợi thế vượt trội không thể chối từ về chi phí, nhưng mặt khác bản chất độc quyền của thời trang xa xỉ lại không có cách nào được tái tạo hoàn toàn chỉ dựa bằng trí tuệ nhân tạo. Một số thương hiệu tiên phong đã mạnh dạn bước một chân vào thế giới mới mẻ này, nhưng đa phần số còn lại vẫn đang ngần ngại chưa muốn để công nghệ cướp đi sự hào nhoáng truyền thống của thời trang.
NHỮNG THƯƠNG HIỆU TIÊN PHONG ĐẦU TIÊN TRONG LĨNH VỰC AI
K
hi các hãng thời trang xa xỉ như Moncler, Zegna và Valentino bắt tay cùng AI thực hiện các chiến dịch đặc biệt, cả ngành công nghiệp thời trang tỷ đô dường như cùng nín thở để chờ đợi kết quả. Theo CFO và COO Jane Nielsen, Ralph Lauren cũng đang tham khảo cách thức sử dụng AI để chỉnh sửa nội dung và đồ họa. Chẳng hạn, chiến dịch Genius của Moncler ra mắt tại Tuần lễ thời trang London 2023 đã kết hợp cả hai yếu tố AI và con người để tạo nên một phong cách pha trộn quyến rũ chưa từng có. Maison Meta cũng đã hợp tác với công ty sáng tạo WeSayHi để tạo ra một chiến dịch tập trung quảng bá kế hoạch hợp tác của Moncler với nhiều nhà thiết kế và thương hiệu thời trang khác nhau, bao gồm Adidas Original, Pharrell Williams và Alicia Keys.Dòng sản phẩm Essential của Valentino được quảng bá bằng cách sử dụng AI để hỗ trợ cho công đoạn chụp ảnh, từ đó mở ra con đường giao thoa thú vị giữa AI và thời trang. Sự xuất hiện của các thiết kế mới trên phông nền trắng với máy móc hiện đại vây quanh chính là tuyên ngôn đanh thép nhất về sự kết hợp hoàn toàn khả thi giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo. Nhà mốt nước Pháp Casablanca cũng tiên phong trong việc thực hiện chiến dịch quảng cáo cho bộ sưu tập Xuân/Hè 2023 dựa trên nền tảng AI và nhận được phản hồi tích cực từ công chúng.
Theo McKinsey, công nghệ AI dự kiến sẽ giúp thúc đẩy 150 tỷ đô la đến 275 tỷ đô la cho lợi nhuận hoạt động của lĩnh vực may mặc, thời trang và hàng xa xỉ trong 3 đến 5 năm tới.
THÁCH THỨC CHƯA BAO GIỜ DỪNG LẠI
Vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu rằng AI sẽ mở ra một thiên đường mới hay sẽ là ngõ cụt cho các thương hiệu đã trót dấn thân. Một trong các thách thức về công nghệ được đặt ra chính là AI không phải là một công cụ toàn diện, và vẫn còn một lượng lớn công việc thủ công cần được con người thực hiện để xử lý những hình ảnh hoặc tác phẩm do chúng tạo ra. Chính giai đoạn thực hiện thủ công này mới có thể biến các kết quả đậm chất kỹ thuật số của AI trở nên gần gũi với tính chất sang trọng của thời trang cao cấp mà chúng ta vẫn luôn quen thuộc. Nhà sáng lập Charaf Tajer của Casablanca khẳng định rằng đội ngũ thương hiệu vẫn cần phải chỉnh sửa đáng kể hình ảnh do AI tạo ra, vì công nghệ AI không biết chính xác bộ sưu tập mới nhất trông như thế nào. Ông cho biết thêm rằng sự tự do mà AI mang lại là con dao hai lưỡi, vì những sáng tạo mà nó thực hiện về cơ bản là không có giới hạn.
Việc theo đuổi hiệu quả chi phí thông qua AI phải được cân nhắc cẩn thận bởi nó có nguy cơ làm giảm uy tín thương hiệu. Giá trị nội tại của hàng xa xỉ nằm ở tính độc quyền và tay nghề khéo léo khi chế tác, đồng nghĩa với việc phụ thuộc quá nhiều vào tự động hóa có thể khiến hình ảnh thương hiệu trở nên xuống cấp. Bất chấp những rào cản này, AI vẫn hứa hẹn sẽ cải thiện trải nghiệm của khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ yêu thích ứng dụng công nghệ – những người đang đặt ra các tiêu chuẩn rất cao về sự độc đáo cho các chiến dịch thời trang hiện nay.
Một rủi ro không thể không nhắc đến là nguy cơ về bảo mật. Hình ảnh được tải lên trình tạo hình ảnh AI thường cũng được thêm vào cơ sở dữ liệu của nền tảng, do đó hoàn toàn có thể bị rò rỉ. Salma Aboukar, người sáng lập công ty AI Qreates cho biết cô luôn khuyên các thương hiệu chỉ nên sử dụng AI khi thiết kế của họ đã được tung ra thị trường. Ngược lại, khi sản phẩm ấy vẫn còn trong vòng bí mật thì AI chắc chắn không phải là một gợi ý lý tưởng.
Sự bùng nổ của AI không thể phủ nhận là rất thú vị đối với mọi lĩnh vực, nhưng đặc biệt ngành thời trang cao cấp đòi hỏi một cách tiếp cận thận trọng và kỹ càng hơn. Tất cả là nhằm đảm bảo rằng các thương hiệu vừa có thể điều chỉnh phương pháp tiếp cận khách hàng nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc đã tạo nên danh tiếng về sự sang trọng, độc đáo và bí ẩn của họ.
TRỢ LÝ ẢO TOÀN NĂNG?
Một trong những cách thực mà nhiều thương hiệu xa xỉ yêu thích là sử dụng AI như một trợ lý thiết kế ảo. Trong Tuần lễ thời trang Metaverse năm nay, Tommy Hilfiger đã đứng ra tổ chức một cuộc thi thiết kế AI với mục tiêu là tạo ra các thiết kế thời trang kỹ thuật số theo phong cách Hilfiger cổ điển. Bộ sưu tập chiến thắng hiện đã được lập trình trên nền tảng thời trang ảo DressX và bạn hoàn toàn có thể trả tiền để sở hữu.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác là bộ sưu tập Matilde Mariano của AIFW, sở hữu các thiết kế có độ chân thực cao trên phối cảnh Tuileries ngoài trời. Chúng hoàn toàn được tạo ra bởi Midjourney, một trình tạo hình ảnh AI phổ biến.
Ngoài ra, một nền tảng khác là Stitch Fix sử dụng thuật toán đề xuất AI và khoa học dữ liệu để cá nhân hóa các mặt hàng quần áo dựa trên sở thích của người dùng. Các chương trình AI tiên tiến của họ hoàn toàn có khả năng tạo ra nội dung tinh vi như hình ảnh, hay tiến thêm bước nữa là đến cấp độ thiết kế sản phẩm. Song song với đó, nền tảng Cala lại cung cấp cho các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ sự hỗ trợ hết mình trong từng bước thực hiện quy trình chuỗi cung ứng và thiết kế thời trang, đồng thời cho phép cộng tác, thiết kế, sản xuất, v.v. Tất cả những việc bạn cần làm là nhập dòng lệnh, càng chi tiết càng tốt.
Tuy nhiên, Richard Hobbs – Giám đốc điều hành của công ty thời trang Web3 Brand New Vision khẳng định rằng có rất nhiều sáng tạo AI không có giá trị sử dụng, và chất lượng đầu ra của các thiết kế cần phải được giám tuyển chặt chẽ bởi các chuyên viên kiểm soát chất lượng cũng như ban lãnh đạo thương hiệu. Rõ ràng, AI không phải là một công cụ toàn năng có thể xoay chuyển ngành thời trang. Chúng chỉ có thể là một trong số các công cụ sáng tạo nên được tận dụng một cách thông minh, và vai trò của con người chắc chắn không bao giờ có thể xóa bỏ được trong quá trình thiết kế phức tạp này.