GEN Z & KHÁI NIỆM MUA SẮM BỀN VỮNG

Hằng Nho 10 tháng 02,2022

Trong cuốn sách Marketing 5.0, tác giả Philip Kotler đã chỉ ra rằng, một đặc điểm nổi bật trong hành vi mua sắm của Gen Z là quan tâm nhiều hơn tới tính bền vững của sản phẩm. Điều này chứng minh thế hệ trẻ ngày nay mặc dù có điều kiện chi tiêu tốt hơn nhiều so với những thế hệ trước nhưng cũng sở hữu tầm nhìn xa hơn, cũng như có trách nhiệm hơn với những món đồ mà mình “mở hầu bao” mua về. Trào lưu mua sắm bền vững không chỉ thôi thúc các thương hiệu chú tâm hơn đến vấn đề trách nhiệm xã hội mà còn truyền cảm hứng cho các thế hệ đi trước như Gen Y và Boomer quan tâm hơn đến tác động của mua sắm đến môi trường, xã hội và kinh tế.

VÌ MỘT HÀNH TINH HẠNH PHÚC

Hiện nay, mọi ngành công nghiệp từ thời trang đến mỹ phẩm, xe hơi, du lịch,… đều đang bước vào cuộc đua sản xuất bền vững để “lấy lòng” Gen Z – đối tượng khách hàng chủ yếu thống trị thị trường tiêu dùng trong tương lai. Có thể nói, một trong những hạng mục được nhiều thương hiệu quan tâm nhất vẫn là việc sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên và nói không với thí nghiệm trên động vật. Nhiều nhãn hàng thậm chí gây ấn tượng mạnh mẽ hơn với khách hàng khi sử dụng một phần lợi nhuận của mình cho các dự án bảo vệ môi trường. Điển hình là chiến dịch TX2 của KENZO hợp tác với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WFF. Bên cạnh việc tung ra bộ sưu tập bao gồm các sản phẩm may mặc thiết yếu làm từ 100% bông hữu cơ và được chứng nhận bởi Tiêu chuẩn Dệt may Hữu cơ Toàn cầu (GOTS), với mỗi sản phẩm được bán ra, KENZO tuyên bố quyên góp 10 đô la Mỹ cho WFF để thực hiện một mục tiêu đầy tham vọng: tăng gấp đôi số hổ trong tự nhiên vào năm 2022 so với năm 2010.

Chiến dịch TX2 của KENZO hợp tác với WFF
(Ảnh: KENZO)

Tuy nhiên, câu chuyện mua sắm bền vững không chỉ dừng lại ở vấn đề bảo vệ môi trường, mà còn là về những giá trị được lan tỏa tới cộng đồng thông qua mỗi sản phẩm một thương hiệu bán ra. Trong chiến dịch “Beauty As Legacy”, nhà mốt Dior đã tài trợ một trung tâm chăm sóc sức khỏe và đảm bảo vấn đề dinh dưỡng cho trường học ở Madagascar – nơi cung cấp hạt longoza để sản xuất Dior Parfums. Để góp phần thúc đẩy nền kinh tế cho ngôi làng Haiti nghèo đói, thương hiệu Clean Reserve lựa chọn nơi đây là nguồn cung cấp loài cỏ thơm vetiver cho sản phẩm nước hoa bền vững của mình. Đối tác của thương hiệu cũng đã xây dựng một trường tiểu học và hỗ trợ cung cấp nguồn nước sạch an toàn cho người dân địa phương tại ngôi làng.

Suy cho cùng, câu chuyện mua sắm bền vững chính là cách chúng ta giúp hành tinh trở nên xanh hơn, tốt đẹp hơn, nơi không chỉ con người mà cả sinh vật muôn loài đều được sống trong hạnh phúc.

GEN Z: THẾ HỆ TIÊU DÙNG VỚI CÁI ĐẦU LẠNH VÀ TRÁI TIM NÓNG

Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi First Insight và Trung tâm Bán lẻ Baker tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, 3/4 người tiêu dùng Gen Z đặt tính bền vững của sản phẩm lên trước tên tuổi thương hiệu khi mua hàng. Lớn lên trong một nền giáo dục hiện đại và văn minh, hơn bất cứ thế hệ nào, Gen Z nhận thức rõ về các vấn đề môi trường mà hành tinh của chúng ta đang đối mặt. Vì vậy, những chiêu trò quảng cáo hay mức giá hấp dẫn của các thương hiệu thiếu trách nhiệm với môi trường thường không thể làm lung lay quyết định mua sắm của thế hệ Gen Z.

Cũng có thể nói, thế hệ trẻ hiện nay là những người tiêu dùng luôn giữ một “cái đầu lạnh” để nhắc nhở bản thân về trách nhiệm của con người với môi trường và một “trái tim nóng” không ngừng trăn trở về mưu cầu hạnh phúc của muôn loài. Điều tuyệt vời nhất là thái độ tích cực này đã truyền cảm hứng cho cả những thế hệ đi trước là bố mẹ, ông bà của Gen Z trong việc tiêu dùng bền vững. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ trong 2 năm (2019 – 2021), 24% người dùng thuộc Gen Y đã có xu hướng chuyển sang mua sắm ở các thương hiệu bền vững và đến 42% chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ảnh: KENZO

MỖI THẾ HỆ – MỖI GÓC NHÌN

Ngày nay, đa số người tiêu dùng thuộc mọi thế hệ đều sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững. Trong cuộc khảo sát, khoảng 90% Gen X trả lời rằng họ sẽ trả nhiều hơn ít nhất 10% cho bất kỳ loại sản phẩm bền vững nào, trong khi chỉ hai năm trước, thậm chí chưa đến 35% sẵn sàng làm điều này. Tuy nhiên, một khía cạnh thú vị là với mỗi thế hệ, khái niệm “bền vững” lại được hiểu theo một nghĩa riêng. Đối với 44% Boomers, 46% Gen Y và 48% Gen X, tính bền vững có nghĩa là các sản phẩm được làm từ sợi và vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường và được thu hoạch tự nhiên, trong khi 48% Gen Z lại định nghĩa khái niệm này là một quy trình sản xuất bền vững từ chuỗi cung ứng, vận chuyển đến đóng gói.

Trên thực tế, tất cả những điều này đều nằm trong tiêu chí để xét tính “bền vững” của một thương hiệu hay một sản phẩm. Thậm chí, với mỗi ngành công nghiệp khác nhau, người ta có thể đưa ra những khía cạnh tiêu chuẩn riêng, ví dụ như thời trang bền vững thường được đánh giá dựa trên các tiêu chí: nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ thiên nhiên, quy trình sản xuất xanh không sử dụng chất độc hại, người lao động được đối xử văn minh và hưởng các phúc lợi xã hội, doanh nghiệp không làm hại các loài động vật nhằm phục vụ mục đích may mặc, sản phẩm bền, có thể tái chế lại được và có khả năng phân hủy sinh học cao.

Ảnh: KENZO

MUA SẮM BỀN VỮNG HIỆN DIỆN TRONG NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT NHẤT

Khi nhắc đến những khái niệm như lựa chọn sản phẩm xanh, ủng hộ các doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội hay chuỗi cung ứng vì cộng đồng, những người mới bước chân vào hành trình tiêu dùng bền vững sẽ cảm thấy bị “choáng ngợp”. Tuy nhiên, thực chất chúng ta có thể bảo vệ hành tinh nhỏ bé của mình bằng những hành động đơn giản đến bất ngờ. Livia Firth – nhà sáng lập Eco Age (một công ty chứng nhận sự bền vững của các thương hiệu) đã khởi động chiến dịch #30Wears để khuyến khích mọi người chỉ mua một món đồ khi thật sự cần thiết.

Livia Firth – Nhà sáng lập Eco Age

“Thông điệp lớn nhất là mỗi khi bạn mua một thứ gì đó, hãy luôn nghĩ: ‘Mình sẽ mặc nó tối thiểu 30 lần chứ?’ Nếu câu trả lời là có, thì hãy mua nó. Nhưng tôi cá là bạn sẽ phải bất ngờ với số lần mình nói không đó”. – Livia chia sẻ. Thói quen tặng lại, bán lại những món đồ không dùng đến, đồng thời sẵn sàng mua đồ cũ cũng là một trong những cách tuyệt vời để kéo dài vòng đời cho đồ dùng, từ đó không chỉ tiết kiệm số nhiên liệu cần sử dụng khi tạo ra một sản phẩm mà còn truyền cảm hứng mua sắm bền vững cho cộng đồng. Cuối cùng, hãy chú tâm đến việc bảo quản, chăm sóc các vật dụng từ nội thất, quần áo đến trang sức để tăng độ bền cho sản phẩm, tránh phải mua lại một món đồ nhiều lần nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Tin Tức

AUCTION HOUSES HAVE BECOME A HOT SPOT FOR LUXURY FASHION
Cách Mạng Thời Trang Trong Ngành Đấu Giá

Deluxe Vietnam
Tin Tức

RESHAPING THE FUTURE OF PHILANTHROPY
Kiên Định Sứ Mệnh Kết Nối Yêu Thương

Deluxe Vietnam
Tin Tức

DO YOUR EMOTIONS CONTROL YOUR FINANCES?
Những Cung Bậc Cảm Xúc Khi Đầu Tư

Deluxe Vietnam
Tin Tức

HOW LEGACY PLANNING WORKS
Gìn Giữ Những Di Sản Vàng

Deluxe Vietnam
Tin Tức

ESG INVESTMENT AND IMPACT INVESTMENT
Giải Mã Hai Xu Hướng Đầu Tư Bền Vững

Deluxe Vietnam

Xu hướng

Nhà cửa

XU HƯỚNG SÂN VƯỜN 2021
Hòa Mình Cùng Thiên Nhiên

Thảo Nguyên
Nhà cửa

XU HƯỚNG THIẾT KẾ 2021
Trọn Vẹn Một Mùa Yêu Thương

Hằng Nho
Văn Phòng

XU HƯỚNG VĂN PHÒNG 2021
Thi Vị Hóa Không Gian Làm Việc

Thảo Nguyên
Điểm đến

AMANSARA
Một Nét Hoài Niệm Về Đông Dương

Minh Quân
Điểm đến

BANYAN TREE
Vấn Vương Lòng Viễn Khách

Minh Quân
error: Content is protected !!