AIR-CLEANING ARCHITECTURE
Sự Trỗi Dậy Của Những “Pháo Đài Xanh”
Deluxe Vietnam 19 tháng 05,2025
Ngày nay, các đô thị hiện đại đang là những “thủ phạm” chính gây ra biến đổi môi trường với lượng khí CO2 khổng lồ thải ra mỗi ngày. Trong bối cảnh xã hội đang chung tay tìm kiếm nhiều phương pháp hạn chế hiệu ứng nhà kính, kiến trúc đang dẫn đầu trong cuộc chiến đầy cam go này, đồng thời việc chuyển đổi không gian đô thị trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với sự tiên phong của lối kiến trúc làm sạch không khí (Air-Cleaning Architecture).
TĂNG TRƯỞNG ĐÔ THỊ VÀ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ
N
hờ vào các hoạt động của con người, tình trạng biến đổi khí hậu đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Cùng với nhiều yếu tố khác nhau, các thành phố đang chịu trách nhiệm cho hơn 70% lượng khí CO2 phát thải toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các hoạt động công nghiệp và hệ thống giao thông phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và vật liệu có hàm lượng carbon cao. Vì các thành phố đóng vai trò lớn trong ô nhiễm, toàn thể xã hội cần tập trung xem xét lại cách tiếp cận về đô thị hóa và quy hoạch thành phố. Các cộng đồng lớn cũng cần chung tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.Việc áp dụng lối kiến trúc làm sạch không khí (Air-Cleaning Architecture) trong xây dựng là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này. Các công trình này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho những cộng đồng đang phát triển. Trong vài năm gần đây, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc tạo ra các giải pháp kiến trúc và tích hợp những tòa nhà này vào trong các thành phố đông dân cư, trong khi các nhà quy hoạch đô thị, kiến trúc sư và các nhà môi trường không ngừng tìm cách tạo ra những công trình làm sạch không khí xung quanh.
LÀM THẾ NÀO CÁC TÒA NHÀ CÓ THỂ LÀM SẠCH KHÔNG KHÍ?
Có nhiều cách để các tòa nhà thực hiện điều này. Mái nhà xanh và những bức tường sống là sự lựa chọn tuyệt vời, không chỉ cải thiện chất lượng không khí mà còn làm đẹp cho không gian xung quanh. Mái nhà xanh giúp hấp thụ ô nhiễm, giảm mức CO2 và làm mát nhiệt độ đô thị. Tường sống là những khu vườn dọc được tích hợp vào mặt tiền của tòa nhà, giúp lọc bỏ các chất ô nhiễm trong không khí, sản xuất oxy và cải thiện chất lượng không khí. Cả hai giải pháp này không chỉ có lợi cho môi trường mà còn tạo nên vẻ đẹp thị giác cho các công trình.
Ngoài ra, còn có những cách làm sạch không khí mang tính kỹ thuật hơn. Một số tòa nhà đã áp dụng các vật liệu quang xúc tác, có khả năng phân hủy các chất ô nhiễm có hại khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Một số tòa nhà khác lại trang bị hệ thống lọc không khí tiên tiến, có khả năng thu hút không khí ô nhiễm, lọc sạch và thải ra không khí sạch hơn, hoạt động giống như những máy lọc không khí khổng lồ giữa lòng đô thị.
NHỮNG CÔNG TRÌNH TIÊN PHONG TRONG KIẾN TRÚC LÀM SẠCH KHÔNG KHÍ
Tháp Làm Sạch Khói, Rotterdam
Tháp Làm Sạch Khói ở Rotterdam được xem là máy hút khói đầu tiên trên thế giới. Là tác phẩm thiết kế bởi Studio Roosegaarde, tòa tháp này sử dụng công nghệ ion hóa để bắt giữ và loại bỏ các hạt khói khỏi không khí. Tháp có khả năng làm sạch lên tới 30.000 mét khối không khí mỗi giờ, từ đó giảm thiểu ô nhiễm trong khu vực xung quanh.
Bosco Verticale, Milan
Bosco Verticale là một cặp tháp dân cư ở Milan, được thiết kế bởi Stefano Boeri Architetti. Khoảng 20.000 cây, bụi rậm và thực vật bao phủ các tòa nhà này, biến chúng thành một vật thể khổng lồ đầy sống động nổi bật lên trên cảnh quan thành phố. Chúng đóng vai trì hấp thụ CO2, sản xuất oxy và lọc bỏ các hạt nhỏ trong không khí. Sự đa dạng sinh học cũng được tạo ra từ các loại cây, biến các tháp thành nơi cư trú cho nhiều loài sinh vật, từ đó góp phần tạo ra một môi trường đô thị lành mạnh hơn.
Palazzo Italia, Milan
Palazzo Italia ở Milan là một tác phẩm tiên phong của kiến trúc Smog-eating (ăn khói). Tòa nhà này mô phỏng chức năng và hình dáng của cây cối, chuyển đổi các chất ô nhiễm trong không khí thành muối vô hại có thể bị rửa trôi trong nước mưa. Ngoài ra, mái nhà được phủ bằng các tấm năng lượng mặt trời để tạo ra năng lượng. Tòa nhà này đã được giới thiệu tại triển lãm Expo của Milan, thể hiện cam kết của đất nước hình chiếc ủng đối với sự bền vững và đổi mới.
Tháp Al Bahr, Abu Dhabi
Tại trung tâm Abu Dhabi, Tháp Al Bahr là biểu tượng của sự đổi mới. Hai tháp này có bề ngoài bao gồm 2.000 tấm hình học gọi là “mashrabiya” – lấy cảm hứng từ thiết bị che nắng truyền thống của Hồi giáo, điều chỉnh tự động trong suốt cả ngày để tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên và giảm thiểu năng lượng mặt trời lên đến hơn 50%. Trong điều kiện nóng bức, việc hấp thụ năng lượng mặt trời quá mức có thể dẫn đến tình trạng quá nhiệt, gia tăng nhu cầu sử dụng điều hòa không khí và tiêu thụ năng lượng. Bằng cách giảm thiểu tình trạng này, các tòa tháp này giúp cắt giảm lượng khí CO2 lên đến 1.750 tấn hàng năm. Mặc dù không trực tiếp làm sạch không khí xung quanh, nhưng công nghệ tiên tiến giúp các tòa tháp trở thành người tiên phong trong việc kiến trúc có thể giảm thiểu phát thải carbon và hướng tới một hành tinh tốt đẹp hơn.
Khách Sạn Oasia, Singapore
Oasia Downtown là một tòa tháp xanh 27 tầng sừng sững ngay trung tâm đảo quốc sư tử biển. Khách sạn này tích hợp các không gian xanh vào trong kiến trúc nhằm cải thiện chất lượng không khí đô thị. Tương tự như Bosco Verticale, công trình này là một khu vườn dọc với hơn 21 loài cây leo, giúp hấp thụ CO2, sản xuất oxy và tăng cường chất lượng không khí xung quanh. Bên trong tòa nhà, thông gió tự nhiên và không gian xanh được ưu tiên, nâng cao hiệu quả năng lượng. Toàn bộ công trình chính là một ví dụ về cách thiết kế sinh học có thể biến đổi không gian đô thị thành những môi trường lành mạnh, bền vững hơn.
Torre de Especialidades, Mexico City
Torre de Especialidades là một tòa nhà bệnh viện ở Mexico City, nổi bật với công nghệ làm sạch không khí tiên tiến được tích hợp vào mặt tiền. Tòa nhà được bao phủ bằng một loại gạch photocatalytic đặc biệt có khả năng phân hủy các chất ô nhiễm khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Điều này giúp giảm thiểu mức độ ô nhiễm tại một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Việc ứng dụng quy mô lớn công nghệ này trên Torre de Especialidades cho thấy tiềm năng rộng rãi của các vật liệu như vậy trong môi trường đô thị để chống lại ô nhiễm không khí một cách hiệu quả.
Nhìn chung, kiến trúc làm sạch không khí là một giải pháp sáng tạo và thiết thực trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Những công trình như Tháp Làm Sạch Khói, Bosco Verticale hay Palazzo Italia đang mở ra một tương lai xanh hơn cho các đô thị. Không chỉ đơn thuần là một xu hướng, những tòa nhà này đang củng cố vai trò của kiến trúc trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.