TRENCH COAT
Từ Di Sản Lịch Sử Đến Biểu Tượng Thời Trang
Thảo Nguyên 27 tháng 05,2022
Có lẽ hiếm có thiết kế thời trang nào mang đậm dấu ấn phương Tây những vẫn được đón nhận nồng nhiệt ở khắp mọi châu lục như Trench Coat. Khởi nguồn là một chiếc áo đi mưa, cho đến những tháng năm “làm mưa làm gió” trong địa hạt nghệ thuật để rồi trở thành một biểu tượng của sự thanh lịch, câu chuyên của Trench Coat mang đậm dấu ấn thời đại và xứng đáng được ghi nhớ trang trọng trong lịch sử ngành thời trang thế giới.
X
ứ sở Bắc Âu lắm mưa nhiều gió lại là nơi ra đời của những chiếc Trench Coat đầu tiên, trở thành vật bất ly thân của các quý ông vốn còn đang ưa chuộng kiểu thời trang áo tay phồng và quần ống túm. Những đối tượng ưa thích kiểu áo này thời đó chính là tầng lớp sỹ quan ở Flanders, sau đó chính thức được đặt tên vào năm 1832 bởi John Emary. Đây cũng chính là chuyên gia phục trang nam đã được cấp bằng sáng chế cho một loại vải cao cấp, và do đó, đổi tên công ty của ông thành ‘Aquascutum’ – bắt nguồn từ tiếng Latinh có nghĩa là “nước” và “khiên”.Sau 6 thập niên còn rụt rè phát triển, những chiếc Trench Coat tiếp theo được truyền cảm hứng một cách ngẫu nhiên bởi mẫu áo khoác không thấm nước tráng lanolin được mặc bởi những người chăn cừu Hampshire. Tiếp đến, một thanh niên 21 tuổi tên Thomas Burberry đã xuất sắc sáng tạo nên loại vải đan chéo gabardine thoáng khí và chống lạnh; từ đó tạo nên tiền đề để những chiếc Trench Coat nhà Burberry trở nên bất hủ trong làng thời trang thế giới. Mẫu áo này gắn chặt với những biến chuyển của thời cuộc hơn khi cuộc Đại chiến bùng nổ và nhu cầu ăn mặc tương tự các cảnh binh – với khả năng cơ động nhanh chóng – càng tăng cao.
Mẫu áo thời chiến này có hai bên ngực, được thiết kế riêng cho đến eo và loe ra đường viền dưới đầu gối. Thắt lưng được trang bị các vòng chữ D để treo phụ kiện. Túi áo được may sâu, cổ tay áo có thể rút lại và hàng cúc ở cổ giúp bảo vệ người mặc tránh khỏi những cuộc tấn công bằng khí độc. Một số còn đi kèm với một lớp lót ấm có thể tháo rời. Cầu vai biểu thị cấp bậc của người mặc. Vải kaki là chất liệu được ưa chuộng trong giai đoạn này vì có khả năng ngụy trang tốt nhất. Những sản phẩm của Burberry và Aquascutum tương đối đắt tiền và chỉ dành cho giới khá giả, nhưng các phiên bản rẻ hơn cũng có thể được tìm thấy ở nhiều nhà may kém tiếng hơn.
CHIẾC ÁO KHOÁC CHIẾM TRỌN TRÁI TIM NHIỀU TẦNG LỚP
Vậy câu hỏi được đặt ra là: vì sao một mẫu áo khoác với mục đích đi mưa đầy thực dụng và gắn liền với hình ảnh đau thương của chiến tranh lại có thể đạt đến địa vị cao vời vợi trong thế giới thời trang, nhất là trong thời kỳ mà marketing và quảng cáo còn chưa xuất hiện dày đặc như hiện tại?
Câu trả lời ngắn gọn mà đanh thép chính là: Hollywood.
Hollywood yêu Trench Coat – đó là sự thật không thể phủ nhận.
Không có chiếc áo khoác nào được ưa chuộng như thế trong tủ đồ của các minh tinh thời kỳ điện ảnh hoàng kim.
Humphrey Bogart ban đầu dựng nên hình ảnh một người đàn ông hào hoa mặc Trench Coat trong The Maltese Falcon và Casablanca, sau này kết hợp thêm chiếc mũ phớt cổ điển thú vị.
Harrison Ford trong Blade Runner cùng với Keanu Reeves trong loạt phim The Matrix đã minh chứng rằng loại trang phục cổ điển này hoàn toàn có thể tỏa sáng trong một bộ phim viễn tưởng siêu nhiên.
Và Audrey Hepburn – bà hoàng của những cảnh phim thời trang kinh điển – đã mặc một chiếc Trench Coat ngắn ở đoạn kết của bộ phim Breakfast at Tiffany – khi mà nàng Holly Golightly phù phiếm ham vật chất đã nhận ra rằng tình yêu có sức mạnh vượt trên hết mọi cám dỗ.
Trench Coat có quyền năng làm đẹp cho mọi kiểu nhân vật xuất hiện trên màn bạc, từ thám tử cho đến tội phạm, từ quý cô thanh lịch cho đến người phụ nữ lả lơi – và đương nhiên, ai khoác lên mình chiếc áo ấy cũng đẹp đẽ và thời thượng. Thời trang làm gì có biên giới, đây chính là một minh chứng cực kỳ hùng hồn.
Ảnh: Burberry, Shutterstock