THE FUTURE OF LUXURY & SUSTAINABILITY
Tương Lai Của Thời Trang Bền Vững

Deluxe Vietnam 10 tháng 04,2023

Tính bền vững phụ thuộc vào khả năng thỏa nhu cầu cuộc sống hiện tại mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của các thế hệ tương lai. Lấy chất lượng, sự khéo léo cùng độ bền làm nền tảng, ngành hàng xa xỉ, cụ thể là thời trang, mỹ phẩm, trang sức và đồng hồ, trở thành không gian lý tưởng để áp dụng chuỗi biện pháp phát triển cũng như tồn tại dựa trên cơ sở tôn trọng môi trường. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, họ phải đối mặt khó khăn, thách thức nào?

T

rách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR) hiện trở thành yếu tố chính trong thúc đẩy mua hàng. Với khả năng tiếp cận thông tin tăng lên nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số, người tiêu dùng nhanh chóng đưa ra quyết định mua hàng phản ánh chuẩn mực đạo đức và giá trị mà mình tâm đắc. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng 87% người Mỹ có nhiều khả năng mua sản phẩm hơn khi công ty sản xuất ủng hộ vấn đề họ quan tâm. Khi sợi dây liên kết các giá trị giữa thương hiệu – người tiêu dùng ngày càng trở thành động lực quan trọng trong quyết định mua hàng cũng như gầy dựng sự tin yêu dài lâu, doanh nghiệp muốn duy trì vị thế trên thương trường phải thích ứng với mối quan tâm về thực hành đạo đức, bền vững và có trách nhiệm.

Một nghiên cứu khác được thực hiện hồi năm 2015 cho biết gần 75% người thuộc thế hệ Y sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm đến từ thương hiệu bền vững hoặc có ý thức trách nhiệm về môi trường, xã hội. Ở nhóm thế hệ Z, tỷ lệ này tuy thấp hơn so với nhóm người tiêu dùng lớn tuổi, nhưng đã tăng từ 55% lên 72% trong giai đoạn 2014-2015. Thực tế đó khẳng định việc thiết lập một thương hiệu bền vững không chỉ tác động đến phân khúc chính hiện tại của thị trường mà còn củng cố lòng trung thành từ các thế hệ mai sau khi họ phát triển thành sức mua tiềm năng.

Đội ngũ nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 81% gen Y mong đợi các thương hiệu mà họ yêu thích có các chiến dịch tiếp thị minh bạch về tác động. Thực hành bền vững là quan trọng, nhưng tính xác thực thậm chí còn nhiều hơn thế. Bởi lẽ, tẩy xanh – greenwashing (khi một công ty tạo ấn tượng thân thiện môi trường hơn thực tế) tràn lan, có thể gây tổn hại lớn đến lòng tin của người tiêu dùng, vốn được coi là động lực mua hàng chính. Từ trong gốc rễ sâu xa, niềm tin/uy tín thương hiệu đứng đầu danh sách các yếu tố thúc đẩy mua hàng bền vững, đóng vai trò quan trọng đối với 62% người tiêu dùng trên toàn cầu.

Giải pháp thích hợp nhất để tiếp cận người tiêu dùng đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường, xã hội là tận dụng các yếu tố chung giữa sang trọng và bền vững. Nhưng, làm thế nào để các thương hiệu có thể thực hiện điều đó mà không làm tổn hại đến hình ảnh của mình cũng như giữ vẹn tính xác thực?

THỜI TRANG & VẬT PHẨM BẰNG DA

Được định giá 1,5 nghìn tỷ đô Mỹ vào năm 2021, thời trang trở thành một trong những ngành có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Song song đó, ngành công nghiệp cũng rơi vào danh sách dẫn đầu mức độ gây ô nhiễm, do lượng khí thải carbon, ô nhiễm vi nhựa và sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong quy trình sản xuất. Có một giả định chung rằng gánh nặng của thiệt hại này là do ‘thời trang mì ăn liền’ – fast fashion gây ra, nhưng giá cả và lợi nhuận cao hơn không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận cùng hoạt động bền vững. Vào năm 2019, một xưởng sử dụng công nhân không có giấy tờ với lượng lớn người nhập cư đã bị phát hiện tại Naples. Xưởng này sản xuất túi xách, giày dép cho các thương hiệu bao gồm vài cái tên quyền lực như Armani, Saint LaurentFendi.

Chủ tịch mảng thời trang thương hiệu Chanel, Bruno Pavlovsky, nhấn mạnh tầm quan trọng của xuất xứ, truy xuất nguồn gốc và điều kiện sản xuất của sản phẩm trong ngành công nghiệp đang thay đổi. Dưới đây, chúng tôi mạn phép chuyển tải vài trong số nhiều giải pháp tối ưu mà ngành hàng da và thời trang cao cấp có thể tận dụng tính bền vững trong tiến trình phát triển.

Sản xuất có trách nhiệm và phúc lợi phù hợp cho người lao động

Chanel gần đây đã mở 19M, trung tâm sản xuất thủ công quy tụ 11 công ty con dưới một mái nhà, bao gồm các thợ đóng giày Massaro, nhà sáng tạo hoa và lông vũ Maison Lemarié, các chuyên gia thêu Lesage và thậm chí cả tổ hợp công xưởng của Maison Michel. Động thái này có vai trò quan trọng không chỉ về mặt chiến lược, vì hãng giành nhiều quyền kiểm soát hơn đối với chuỗi cung ứng, mà còn giúp tôn vinh tay nghề thủ công của đội ngũ nghệ nhân tài hoa.

Vật liệu tự nhiên, chất lượng cao

Vật liệu chất lượng cao không chỉ giúp quần áo bền lâu hơn, mà việc sử dụng sợi tự nhiên cho phép hạn chế tối đa phát tán vi nhựa vào môi trường. Một ví dụ điển hình là Brunello Cucinelli, người đã không quản khó khăn khi đích thân đến Mông Cổ trong gần 30 năm để tìm nguồn cashmere trực tiếp từ những người chăn dê du mục.

Dịch vụ chăm sóc, sửa chữa sau mua

Đây chính là điểm chung khác giữa xa xỉ và bền vững mà doanh nghiệp không thể bỏ qua. Các dịch vụ được cung cấp bởi thương hiệu, tiêu biểu như thương hiệu giày dép & trang phục nam uy tín Berluti, khuyến nghị khách hàng mang giày đi bảo dưỡng tổng thể hai lần/năm, giúp sản phẩm bền lâu hơn.

Bao bì thân thiện môi trường:

Đây chính là điểm đặc biệt quan trọng trong một phần của quy trình sử dụng một lần và bỏ đi. Burberry đã tạo ra bao bì giấy tái chế từ những chiếc cốc đựng cà phê, mang chứng nhận FSC mà không làm mất đi cảm giác sang trọng.

ĐỒNG HỒ & TRANG SỨC CAO CẤP

Lĩnh vực chế tác trang sức không phải chịu mức độ giám sát tương tự như thời trang về tác động đáng kể. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến vi phạm nhân quyền, ô nhiễm nước và không khí cũng đáng phải lưu tâm. Mặc dù đã có chứng nhận cho kim cương, đá quý ‘không xung đột’, phần lớn ý kiến đồng tình rằng cách duy nhất để thực sự đảm bảo viên kim cương, đá quý không xung đột là mua sản phẩm do phòng thí nghiệm tạo ra.

Tuy nhiên, ngành này vẫn có nhiều tiềm năng. Bởi lẽ, khác giấy, nhựa và các loại sợi khác, kim loại quý không bị giảm chất lượng khi trải qua quy trình tái chế. Công ty chế tác trang sức khổng lồ Vivara của Brazil đã khởi xướng sáng kiến Golden Week – Tuần lễ Vàng, cho phép người tiêu dùng đổi trang sức bằng vàng lấy các mặt hàng mới nhằm thúc đẩy sự lưu thông cùng chủ nghĩa tiêu dùng có ý thức.

Nhiều doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm, thực hiện các cam kết quan trọng. Ví dụ, Tiffany & Co. dành nhiều không gian trên trang web của họ để trình bày về tính bền vững đồng thời không ngừng tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm, ngoài việc điều hành một quỹ dành riêng cho bảo tồn cảnh quan và biển, thông qua những chương trình khai thác cũng như bảo tồn san hô có trách nhiệm.

Ngoài ra, nhà sản xuất đồng hồ cao cấp của Ý, Panerai, đã phát hành phiên bản giới hạn Submersible eLAB-ID PAM01225, làm từ 98,6% vật liệu tái chế chất lượng cao (bao gồm chai PET và hợp kim titan phế liệu ngành hàng không vũ trụ). Thương hiệu cũng trình làng nhiều chiếc đồng hồ sử dụng hợp kim thép cùng silicon tái chế.

MỸ PHẨM & NƯỚC HOA

Phấn đấu trở thành ‘công ty mỹ phẩm đáng tin cậy nhất trên thế giới’, Shiseido cung cấp một số sáng kiến dựa trên ba trụ cột của tính bền vững: con người, lợi nhuận và hành tinh. Đây là một trong những thương hiệu mỹ phẩm cao cấp đầu tiên cung cấp sản phẩm có thể nạp lại, bắt đầu với dạng phấn nén vào năm 1926 và hiện nay bao gồm loạt sản phẩm chăm sóc da, trang điểm và dưỡng tóc. Song song đó, cam kết 100% bao bì bền vững luôn được thúc đẩy hướng đến mục tiêu năm 2025, tất cả bao bì sẽ có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy sinh học. Ngoài bao bì, Shiseido cũng tập trung vào các nguyên tắc đạo đức, tính minh bạch và quan tâm đến môi trường. Ngay cả La Prairie, được xếp hạng cao trong số các thương hiệu chăm sóc da đắt đỏ nhất trên thế giới, cũng ra mắt công chúng đa dạng sản phẩm tái nạp lại.

Gần đây, Chanel đã trình làng dòng sản phẩm làm đẹp bền vững đầu tiên, No.1 de Chanel. Thương hiệu tuyên bố toàn bộ quy trình sản xuất dòng sản phẩm này là thân thiện môi trường, với 97% thành phần tự nhiên và 80% chai thủy tinh có thể nạp lại. Mặc dù không định vị mình là thương hiệu bền vững, La Mer vẫn hào hứng tham gia vào các sáng kiến nâng cao nhận thức cũng như bảo tồn biển thông qua quỹ La Mer Blue Heart. Bên cạnh đó, thành phần chính cấu thành các sản phẩm của họ là Miracle Broth™, loại ‘thần dược’ làm từ tảo bẹ biển thu hoạch thủ công.

Từ vài ví dụ cụ thể vừa đề cập, doanh nghiệp cần phải kiên trì thực hiện cách tiếp cận tổng thể để thúc đẩy sự thay đổi tích cực đối với ba trụ cột của tính bền vững. Sự phát triển của thói quen người tiêu dùng đã minh chứng rằng tính bền vững không còn là sự lựa chọn hay chỉ đơn thuần là một quyết định định vị, mà đóng vai trò động lực chính cho hoạt động kinh doanh trong tương lai. Các thương hiệu tiên phong trong ngành hàng xa xỉ có thể linh động triển khai nguồn vốn cùng tầm ảnh hưởng đáng kể để mở đường cho cách tiếp cận mua sắm theo vòng tròn và bền vững hơn.

BẠN SẼ THÍCH

Trang phục

CHEMISE TRẮNG
Nét Thanh Lịch Huyền Thoại

Deluxe Vietnam
Phụ kiện

ETHICAL BLING
Hoàng Kim Rực Rỡ Trong Thế Giới Bền Vững

Deluxe Vietnam
Phụ kiện

THE CRAFTSMANSHIP OF A CHANEL PERFUME
Đi Tìm Cội Nguồn Hương Thơm Của Chanel

Deluxe Vietnam
Trang phục

CASHMERE: A STORY OF LUXURY
Sự Sang Trọng Trên Từng Sớ Vải

Deluxe Vietnam
Đồng hồ

TISSOT
Bộ Sưu Tập T- Race – Kỉ Niệm 75 Năm Thành Lập Giải Đua Xe MotoGP

Deluxe Vietnam

Xu hướng

Nhà cửa

XU HƯỚNG SÂN VƯỜN 2021
Hòa Mình Cùng Thiên Nhiên

Thảo Nguyên
Nhà cửa

XU HƯỚNG THIẾT KẾ 2021
Trọn Vẹn Một Mùa Yêu Thương

Hằng Nho
Văn Phòng

XU HƯỚNG VĂN PHÒNG 2021
Thi Vị Hóa Không Gian Làm Việc

Thảo Nguyên
Điểm đến

AMANSARA
Một Nét Hoài Niệm Về Đông Dương

Minh Quân
Điểm đến

BANYAN TREE
Vấn Vương Lòng Viễn Khách

Minh Quân
error: Content is protected !!