KHI HAUTE COUTURE XUỐNG PHỐ
Minh Quân 13 tháng 08,2021Nhiều thập kỷ trước, thế giới thời trang xa xỉ vốn chỉ ngập tràn những bộ trang phục lễ hội lộng lẫy xa hoa giờ đây đã sớm bị làn sóng mạnh mẽ của thời trang thể thao xâm chiếm. Nếu như những tỉ phú năm 80-90’ là những quý ông có tuổi, trưng diện nhữn g bộ veston chuẩn đo lịch lãm trong những buổi họp trang trọng, thì giờ đây những tỉ phú start-up thuộc Gen Z chỉ chuộng giày sneaker của Louis Vuitton, Balenciaga hay và áo thun in Mickey Mouse của Gucci hay Comme des Garcons vẽ hoạt hình ngộ nghĩnh. Các thương hiệu thời trang xa xỉ giờ đâ y đang cách mạng hóa những bộ sưu tập của mình, định hình rõ rệt phân khúc “Haute Couture” và “Casual Sportwear” và ngày nay lịch sử của những thương hiệu đồ thể thao gần như được viết lại trong một bối cảnh huy hoàng hơn, từng bước “tiến công” đến những sàn diễn danh giá tại các “thánh đường thời trang” như Paris, Milan hay New York.
K
hi mạn đàm về chủ đề thú vị này, chúng ta hãy cùng nhìn lại cách mà những nhà thiết kế thời trang đã “cách mạng hóa” tủ đồ để đưa trang phục thời trang vào một vị trí trang trọng, đồng thời khiến cho những tín đồ thời trang có thể trông vô cùng rực rỡ và thanh lịch ngay cả khi đang vận động thể chất. Trước hết, đó là nhờ công lao của những nhà thiết kế nữ trong địa hạt trang phục thể thao. Và tiếp đến chính là việc những ngôi sao vốn luôn xuất hiện với hình ảnh hào nhoáng như Stella McCartney, Beyoncé hay Rihanna cũng tích cực lăng xê những bộ đồ thể thao vừa sành điệu vừa quyến rũ, và đặc biệt là hoàn toàn phù hợp với cá tính mạnh mẽ của mình. Từ đó, những “con chiên” của thời trang cao cấp đã bắt đầu đắm chìm trong sự mê hoặc vô tận của loại trang phục quá đỗi thời thượng này.Năm 1957, Dior đã mô tả Haute Couture là ‘kho tàng cuối cùng của những điều đẹp đẽ”. Hào quang đã từng rực rỡ ấy nay dần ảm đạm bắt nguồn từ những năm 60 khi xu hướng sản xuất quần áo hàng loạt của Mỹ trở nên phổ biến. Thời trang từ đó trở nên cởi mở với tất cả mọi người và không chỉ dành cho “một số ít người sung túc” có đủ khả năng chi trả cho một người thợ may. Haute Couture và ready-to wear đều phổ biến như nhau và có những tín đồ riêng nhưng vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến nhau. Trước tình thế đó, Haute Couture loay hoay tự đổi mới bằng cách kết hợp trang phục may sẵn, trang phục dạo phố và trang phục thể thao. Thành công của trang phục thể thao đã sớm đến từ những năm 1960 và có bước đột phá thập niên 80 với sự ra mắt của video thể dục huyền thoại của Jane Fonda. Các nhãn hiệu Ý như Kappa, Fila và Gucci đã mở đường cho sự thành công của trang phục thể thao hiện đại, trong khi Adidas, O’Neill, Champion, K-Way và Le Coq Sportif được coi là những người tiên phong táo bạo. Loại trang phục này cũng trở nên cực kỳ phổ biến đối với thế hệ X & Y lớn lên trong những năm 80 và 90, cũng như trở thành một phần vô cùng quan trọng trong văn hóa Hip hop và Rap.
HAUTE COUTURE VÀ ĐỒ THỂ THAO – MỐI LIÊN KẾT BỀN CHẶT
Bắt đầu từ khi người thợ may thành Paris Charles Frederick Worth (1826-1895) tiến hành một cuộc cách mạng trong thế giới thời trang thì khái niệm Haute Couture đã ra đời và khởi nguồn cho những năm tháng hoàng kim của làng thời trang cao cấp. Thời điểm đó, chỉ có 11 thợ may tại kinh đô ánh sáng là thành viên của Chambre Syndicale de la Haute Couture và mỗi nhà mốt phải thuê ít nhất 20 người để tạo ra ít nhất 75 mẫu thiết kế mới. Khi nói đến Haute Couture, chúng ta nghĩ ngay đến những tác phẩm tuyệt đẹp được tạo nên từ những kỹ thuật thủ công đỉnh cao như thêu, may, đan, thiết kế hoặc in ấn bằng tay; trên nền tất cả các loại chất liệu từ da cho đến lông vũ. Nhà may mặc hàng đầu của Pháp Maxime Simoens tiết lộ rằng sự khác biệt giữa thời trang cao cấp và đồ may sẵn là về cách phân phối. Trang phục may sẵn được tạo ra cho nhiều phụ nữ, trong khi Haute Couture chỉ dành riêng cho một người mà thôi. Sự khác biệt này cũng được phản ánh trên giá cả cao hơn cho các sản phẩm thời trang cao cấp hoặc đặt làm riêng.
TỪ NHỮNG CUỘC CHIẾN THỜI TRANG “BẤT PHÂN THẮNG BẠI”…
Chúng ta có nhất thiết phải ăn mặc thời trang khi tập thể thao không? Stella McCartney khẳng định là “có” khi chia sẻ với công chúng về sự hợp tác của cô và thương hiệu lẫy lừng Adidas. Đã qua rồi cái thời mà trang phục thể thao bị xem nhẹ trên các sàn catwalk mà giờ đây chúng là “mỏ vàng” xứng đáng để các thương hiệu dốc hết tiềm lực khai thác. Những đôi giày thể thao thiết kế từ Hogan Rebels luôn luôn cháy hàng, trong khi Adidas ’Stan Smiths là cái tên được giới mộ điệu thời trang săn lùng ráo riết. Các nhà thiết kế không ngừng khiến báo chí choáng váng vì những món đồ thể thao hoành tráng đắt đỏ hay những xu hướng màu sắc mới mẻ đi ngược lại truyền thống cũ kỹ, chẳng hạn như các cách mà các nhà mốt như Chloé, Lacoste và Moncler ưu ái để màu trắng lên ngôi để đưa chúng ta trở về thời đại của môn quần vợt, cricket hoặc bóng bầu dục. Trên đà ấy, những cái tên sừng sỏ như Chanel, Vivienne Westwood, Dirk Bikkembergs, Prada và Rick Owens mạnh dạn thêm thắt các yếu tố từ trang phục thể thao vào bộ sưu tập của họ.
Dần dần, ranh giới giữa trang phục thể thao, trang phục dạo phố và thời trang cao cấp dường như bị xóa nhòa. Chúng xuất hiện thường xuyên và đều đặn trên những cuốn tạp chí được mệnh danh là “kinh tháng của làng thời trang” và mạnh mẽ truyền đi lời hứa hẹn sẽ mang đến một phong cách hoàn hảo và sành điệu cho người mặc. Cùng với sự phát triển như vũ bão của truyền hình và internet, phong trào luyện tập thể thao để có được cơ thể khỏe mạnh và trí óc minh mẫn ngày càng lan rộng và được truyền cảm hứng từ những nữ vận động viên kiệt xuất trong làng thể thao quốc tế. Không bỏ qua thời cơ “vàng” này, những chiến dịch quảng bá thời trang thể thao của các hãng cao cấp liên tiếp “đổ bộ” và “đánh gục” hoàn toàn trái tim của giới mộ điệu.
Bắt đầu từ năm 2010, hình ảnh những người phụ nữ công sở thanh lịch rảo bước đến văn phòng trong bộ vest phối với giày thể thao trắng đã không còn quá xa lạ ngay tại New York, hay những đôi Zinedine Zidane huyền thoại xuất hiện nhan nhản trên Đại lộ Sunset ở Los Angeles. Tại những cửa hàng Chanel, khách hàng dần dần tìm đến để mua một bộ trang phục trượt tuyết giữa mùa hè thay vì những chiếc váy Haute Couture. Đặc biệt hơn, quý ngài Karl Lagerfeld còn tuyên bố rằng thứ tuyệt vời nhất để phối cùng một chiếc váy cao cấp của Chanel chính là một đôi giày thể thao.
Có thể nói, Chanel là một thương hiệu cao cấp mang nhiều duyên nợ với thế giới thể thao. Bà hoàng Coco Chanel là nhà thiết kế đầu tiên áp dụng phong cách thể thao vào các thiết kế đẳng cấp dành cho nữ và trong suốt sự nghiệp của mình, các bộ sưu tập của bà đều chịu ảnh hưởng từ những môn thể thao như đua ngựa, câu cá và quần vợt. Là nhà thiết kế đi tiên phong trong lĩnh vực này, quan niệm “đơn giản chính là chìa khóa của sự thanh lịch thực sự” chính là thứ vũ khí bất bại để con thuyền Chanel giong buồm thẳng tiến trong suốt nhiều thập kỷ tiếp đó. Dòng nước hoa ‘Allure Sport’dành cho nam giới chính là một ví dụ thành công không thể chối cãi bên cạnh rất nhiều chiến dịch quảng bá nổi tiếng mang chủ đề thể thao mà hãng đã và đang triển khai.
… ĐẾN NHỮNG CÁI BẮT TAY HOÀNH TRÁNG
Thị trường thời trang thể thao được dự đoán sẽ đạt 231,7 tỷ đô la vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,42% ( theo Global Inc, Research and Markets). Không một tháng nào trôi qua mà không có sự hợp tác mới giữa các nhà mốt sang trọng và các đại gia trong ngành thể thao. Trào lưu này bắt nguồn từ năm 1998 khi Jil Sander đi tiên phong mời một hãng thời trang thể thao lớn là Adidas hợp tác trong một dự án đồng sáng tạo. Kể từ đó, các thương hiệu xa xỉ đã không ngừng lấy cảm hứng từ hình dáng và văn hóa của trang phục thể thao.
Một điều khiến cho sự hợp tác giữa thời trang cao cấp và thời trang dạo phố trở nên dễ dàng là cả hai đều có khả năng tạo ra một “khu vườn bí mật” để người mặc thỏa sức khám phá. Thời trang cao cấp thu hút khách hàng nhờ mức giá cao và sự tỉ mỉ trong chế tác, còn thời trang dạo phố lại mang đến mối quan hệ gần gũi mật thiết với người tiêu dùng thông qua các chiến lược truyền thông và bộ sưu tập được cá nhân hóa cao. Điều này được chứng minh qua thành công của Supreme khi hãng thu hút khách hàng của mình bằng các phiên bản collab cùng những thương hiệu streetwear và đồ xa xỉ khác. Ngoài ra, giày thể thao là mặt hàng được các hãng ưu thích tận dụng để hợp tác cùng nhau nhằm mang đến những thiết kế biểu tượng, chẳng hạn như Cortez, Air Max, Air Jordan hoặc Vapormax.
Xu hướng thời trang năng động này trở nên bùng nổ hơn bao giờ hết nhờ vào thế hệ Millennial và giới thời trang được chứng kiến những cú bắt tay thành công ngoài sức tưởng tượng như Supreme x Nike Air Force 1 Low, WTAPs x New Balance 992s hoặc Travis Scott x Nike SB Dunk Lows. Đối với thương hiệu cao cấp truyền thống, điều này đã mang đến cho họ cơ hội trẻ hóa hình ảnh cũng như tiếp cận được giới trẻ trong khi mang lại cho các nhà sản xuất thời trang thể thao những cải tiến cần thiết trong khả năng sản xuất của họ. Nike – thương hiệu thời trang giá trị nhất thế giới được định giá trị giá 34,8 tỷ đô la – đã thu hút được sự chú ý của Louis Vuitton, Balmain, Off-White, Supreme hoặc Comme des garçons; trong khi đối thủ một mất một còn của họ là Adidas lại có cơ hội hợp tác cùng Yohji Yamamoto, Raf Simons, đến Alexander Wang. Năm 2017, Louis Vuitton là thương hiệu xa xỉ đầu tiên đón nhận phong trào thời trang đường phố một cách công khai và rầm rộ với bộ sưu tập con nhộng ủng hộ biểu tượng văn hóa trượt băng nghệ thuật: New York’s Supreme và tất cả sản phẩm đều cháy hàng chỉ trong ngày đầu tiên ra mắt. Việc hợp tác này mang đến lợi ích chung cho cả các thương hiệu thời trang cao cấp và thể thao, bởi lẽ những sản phẩm từ các bộ sưu tập này thường sẽ được bán lại với giá gấp 10 lần giá trị ban đầu của chúng trên thị trường.
Có thể nói, thời trang chính là một cuộc chơi biến chuyển không ngừng mà ở đó những nhà mốt chậm thích nghi sẽ phải đối mặt với nguy cơ đào thải. Với tiềm năng phát triển cực kỳ lớn đi kèm với hậu thuẫn là thế hệ Milennial đầy cá tính, tiềm năng của mảng trang phục thể thao cao cấp là cực kỳ lớn và xứng đáng được những nhà mốt xa xỉ tập trung vào đầu tư theo một chiến lược lâu dài.