FABERGÉ
Dấu Ấn Phù Hoa Của Một Triều Đại
Deluxe Vietnam 08 tháng 05,2025
Trong hơn một thế kỷ, cái tên Fabergé luôn là hiện thân cho sự thịnh vượng, xa hoa và gợi nhớ đến bộ sưu tập trứng Phục sinh lộng lẫy bậc nhất thế giới. Trải qua nhiều biến động của một vương triều nước Nga từ đỉnh cao cho đến sụp đổ, bộ sưu tập trứng Fabergé dẫu lưu lạc khắp thế gian vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn lạ kỳ với giới sưu tầm, khuấy động rất nhiều phiên đấu giá với những cú gõ búa triệu đô và hiện thân cho sự xa hoa không tưởng của một thời đại đã bị vùi lấp trong dòng sông lịch sử.
CÂU CHUYÊN CỦA NHỮNG QUẢ TRỨNG LỘNG LẪY
N
hững quả trứng Hoàng gia lần đầu tiên được thiết kế làm quà tặng vào giữa những năm 1880. Chúng được làm thủ công bằng vàng, kim cương và đá bán quý như ngọc lục bảo và ngọc trai. Mỗi thiết kế độc đáo đều có lớp men thủy tinh, lá vàng và kim loại ren với sắc tố phong phú. Những tạo vật xinh đẹp này thường có kích thước từ ba đến năm inch và mất một đến hai năm để hoàn thành. Thông thường, chúng có sẽ được thiết kế sao cho có thể mở ra, để lộ điều bất ngờ bên trong: một bức chân dung thu nhỏ, một chiếc đồng hồ hoặc một người máy bé xíu. Sự phổ biến khủng khiếp của chúng đã lan rộng ra ngoài phạm vi hoàng tộc và chẳng mấy chốc, các gia đình giàu có khác cũng bắt đầu đặt làm những quả trứng cho riêng mình, đồng thời xem đây như là biểu tượng của địa vị cao quý. Và với yêu cầu trình độ kỹ năng cũng như thời gian cần thiết để chế tác chỉ một quả trứng Fabergé – lên đến một năm cho mỗi quả – không có gì ngạc nhiên khi chúng có giá trị cao như vậy.
Chuyên gia trang sức người Anh Geoffrey Munn cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Chúng là những vật thể kỳ diệu – điều này giải thích tại sao chúng tôi vẫn còn say mê chúng cho đến tận ngày nay. Mọi người luôn khao khát những thứ được làm đẹp mắt, và những quả trứng Fabergé đã thỏa mãn cơn khát đó một cách hoàn hảo. Chúng thực sự rực rỡ về mặt thị giác”.
Nhưng sự say mê tưởng chừng như bất tận của nhân loại với Nhà Fabergé cũng có thể bắt nguồn từ bối cảnh lịch sử quá đỗi đặc sắc. Khi gia đình Sa hoàng chạy trốn khỏi St. Petersburg, 50 quả trứng Hoàng gia do Fabergé làm trong suốt ba thập kỷ đã bị bỏ lại. Một số đã bị mất tích, và ngày nay người ta tin rằng chỉ còn 43 quả còn được giữ lại an toàn.
Dẫu vậy, những báu vật thuộc về Nhà Fabergé đã lỗi thời vào những năm 1920 và 1930, khi các phong cách mang hơi hướm hình học hơn và ít hoa mỹ hơn như Art Deco trở nên phổ biến. Thế nhưng những quả trứng, cùng với nhiều sáng tạo nghệ thuật khác của Fabergé, đã quay trở lại quyến rũ giới sưu tập và những người đam mê nghệ thuật trang trí vào thời điểm năm 1949, khi tác giả người Anh Henry Bainbridge xuất bản chuyên khảo đầu tiên về thợ kim hoàn. Tiếp sau đó, đã có nhiều bài viết về Fabergé và một trong những cuốn sách mới nhất về chủ đề này, “Fabergé: His Masters and Artisans”, có cách tiếp cận khác biệt khi tập trung vào những cộng sự mà Fabergé đã hợp tác, từ các nhà thiết kế đến những thợ kim hoàn bậc thầy từng đóng vai trò quan trọng giúp hiện thực hóa tầm nhìn của thương hiệu. Qua đó, công chúng được biết rằng có tới 500 nghệ nhân thuộc mọi ngành nghề thủ công được nhà kim hoàn này tuyển dụng. Doanh nghiệp này tọa lạc tại một tòa nhà năm tầng ở St. Petersburg, (với) bốn chi nhánh ở Nga và một chi nhánh ở London.
“Mặc dù hầu hết mọi người đều liên tưởng đến Fabergé với những quả trứng, nhưng chúng chỉ chiếm một nửa gia tài sáng tạo đồ sộ của hãng. Những ‘thợ cả’ đã tạo ra mọi thứ, từ hộp đựng thuốc lá đến đồng hồ để trên bệ lò sưởi.
Tillander-Godenhielm, tác giả cuốn sách “Fabergé: His Masters and Artisans”, mô tả Fabergé là một doanh nhân đi trước thời đại. Đầu tiên, hai trong số những nhà thiết kế chính của ông là phụ nữ – Alina Holmstrom và Alma Phil. Những người được gọi là “thợ cả Fabergé” chịu trách nhiệm tuyển dụng và đào tạo cá nhân cho đội ngũ nghệ nhân của riêng họ, đồng thời được phép tự sắp xếp quá trình sản xuất. Tiếp đến, Fabergé cũng trao cho họ quyền đánh dấu sản phẩm bằng chữ cái viết tắt của riêng mình.

“Peter Carl Fabergé điều hành ngôi nhà của mình theo nguyên mẫu ban đầu của ‘nền dân chủ công nghiệp’, mặc dù sống dưới một trong những chế độ độc tài chặt chẽ nhất thế giới” – tác giả cho biết thêm – “Ông nằm trong nhóm người giàu có nhất của nước Nga, nhưng lại làm việc với người hầu hết là tầng lớp mù chữ, trao cho họ quyền tự do sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm của ông cũng vì lý do đó mà càng trở nên giàu ý nghĩa hơn: Chúng kể rất nhiều câu chuyện khác nhau (và) là bài học về lịch sử vi mô”.
BÍ MẬT BÊN TRONG NHỮNG QUẢ TRỨNG ĐẮT GIÁ
Quá trình chế tác một quả trứng Fabergé phức tạp bắt đầu bằng việc lên ý tưởng phác thảo phần vỏ trứng. Nhóm thợ kim hoàn sẽ bắt tay thực hiện từ các kim loại quý như vàng hoặc bạc, và mỗi quả trứng được trang trí bằng các hình khắc tinh xảo, hoa văn và các yếu tố trang trí đa dạng. Trong khi các đối thủ của ông sử dụng bảng màu tiêu chuẩn, Fabergé luôn muốn thử nghiệm với nhiều màu sắc hơn. Ông đã tạo ra hơn một trăm bốn mươi màu mới, từ vàng rực rỡ, màu hoa cà, cộng với tất cả các sắc thái của màu xanh lá cây tươi sáng.
Quan trọng không kém gì vẻ ngoài, phần bên trong quả trứng Fabergé cũng được chú ý đến từng chi tiết. Một nhóm thợ kim hoàn sẽ làm việc cật lực để tạo ra một bất ngờ được giấu bên trong lớp vỏ nạm đá quý. Chúng có thể là bất cứ thứ gì, từ chân dung thu nhỏ của một người, cho đến bản sao các địa danh nổi tiếng. Những nghệ sĩ đứng sau các tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ này bao gồm họa sĩ, nhà điêu khắc và thợ khắc giỏi nhất thời bấy giờ, sử dụng nhiều loại vật liệu, bao gồm men, đá quý và thậm chí cả tóc, để tạo ra tác phẩm.
Cuối cùng, khi tất cả các mảnh ghép phức tạp đã hoàn thành, chúng được lắp ráp bởi một nhóm thợ thủ công lành nghề để tạo ra thành phẩm cuối cùng. Sau đó, quả trứng được trao cho người nhận và sẽ trở thành vật gia truyền quý giá trong nhiều thập niên sau.
Giá trứng Fabergé đã tăng qua nhiều thập kỷ và hiện nay đạt mức không tưởng tại các phiên đấu giá công khai. Năm 2002, “Winter Egg” đã được bán cho một người ẩn danh qua điện thoại với số tiền 9,6 triệu đô la tại Christie’s ở New York. Năm năm sau, một quả trứng tráng men và vàng có hình con gà trống nạm kim cương đã được bán với giá kỷ lục là 9 triệu bảng Anh (khi đó tương đương 18,5 triệu đô la) tại Christie’s London.

Munn cho biết: “Sự khan hiếm của những quả trứng đã thúc đẩy doanh số bán đấu giá, cũng như thôi thúc sự quan tâm của chúng tôi trong nhiều thập kỷ”. Tuy nhiên, giờ đây, các quả trứng đặc biệt này hiếm khi xuất hiện công khai và hầu hết chúng có chỉ thể được tìm thấy trong các bảo tàng và tổ chức công cộng, từ Moscow đến Cleveland. Những bộ sưu tập lớn nhất được lưu giữ tại Bảo tàng Vũ khí Điện Kremlin và Bảo tàng Fabergé ở St. Petersburg, mỗi nơi có 10 cái.
Những quả trứng mất tích vẫn là nguồn gây tò mò liên tục. Vào năm 2015, một quả trứng Fabergé bằng vàng đã xuất hiện trở lại khi một người buôn bán phế liệu tìm thấy nó tại một khu chợ trời ở vùng Trung Tây nước Mỹ, bên trong là một chiếc đồng hồ vàng tinh xảo. Sau khi mua vật này với giá 14.000 đô la, ban đầu người đàn ông này được thông báo rằng vàng có giá trị thấp hơn số tiền anh đã trả. Phải đến khi anh tìm kiếm tên ở mặt sau của chiếc đồng hồ – Vacheron Constantin – trên Google, anh mới phát hiện ra mình đang sở hữu Quả trứng Phục sinh Hoàng gia thứ ba do Nhà Fabergé thiết kế cho Sa hoàng Alexander III vào năm 1887 và có giá trị ước tính là 33 triệu đô la.