LOCK & CO. HATTERS
Nghe Mũ Kể Chuyện Thời Gian
Thảo Nguyên 02 tháng 08,2022
Toạ lạc tại số 6 đường St. James là một ngôi nhà nhỏ, nằm khiêm tốn giữa lòng London và dễ dàng bị bỏ quên nếu vội vã lướt qua. Dẫu vậy, bên trong địa chỉ ấy là cửa hàng bán mũ lâu đời nhất thế giới đồng thời ẩn chứa cả một lịch sử huy hoàng. Đó là nơi bạn có thể tìm thấy những giá trị xưa cũ nhất vẫn được giữ nguyên của thương hiệu Lock & Co. Hatters.
Được thành lập từ năm 1676, Lock & Co. Hatters có quyền tự hào về danh xưng cửa hàng bán mũ lâu đời nhất thế giới. Roger Stephenson, Phó Chủ tịch đương nhiệm đang cố gắng duy trì những giá trị cốt lõi mà ông cha đã gầy dựng, hiểu rõ vai trò quan trọng của mình trong cam kết giữ vững thương hiệu và đảm bảo di sản ADN này được kế tục bởi các thế hệ tiếp theo trong gia đình.
Quay ngược thời gian trở về thời kỳ đầu của Lock & Co. Hatters. Khi đó, Robert Davis, với tầm nhìn đúng đắn về vị trí đắc địa của cung đường St. James, nơi không quá xa so với Cung điện Buckingham và nhiều dinh thự quý tộc, đã chọn nơi đây để lập nên một cửa hàng bán mũ nhằm phục vụ hoàng tộc, các chính trị gia, quân đội và gia đình của họ.
Thế kỷ 18 chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong nhu cầu đội mũ nhờ sự suy tàn của những bộ tóc giả cầu kỳ, còn đàn ông bắt đầu đội mũ phớt làm từ lông hải ly. Tuy vậy, phải đến nửa sau của thế kỷ này, chiếc mũ lụa đội đầu, thường được biết đến với cái tên hatters plush, mới trở nên phổ biến và đưa tên tuổi Lock & Co. Hatters bay cao trên bản đồ thương hiệu thời trang. Kể từ đó, hàng nghìn chiếc mũ đã được Lock & Co. chế tác và trao tận tay khách hàng mỗi năm.
Vào năm 1759, James Lock quyết định chuyển cửa hàng sang bên kia đường, nơi nắng ấm ghé thăm nhiều hơn, qua đó đặt nền móng để địa chỉ số 6 đường St. James trở thành cửa hàng bán mũ lâu đời nhất thế giới.
Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của thương hiệu này liên quan đến Phó Đô đốc Horatio Nelson. Vào năm 1800, vị tướng vĩ đại lần đầu ghé thăm cửa hàng số 6 đường St. Jamses để đặt mua một chiếc mũ ba góc không vành. Đầu tháng 8 năm 1805, ông ghé qua cửa hàng của Lock & Co. để đặt một chiếc mũ mới, trước khi tử trận vào những ngày cuối tháng đó. Dẫu vậy, hậu duệ của Horatio Nelson tiếp tục niềm yêu thích mà cha ông dành tặng cho thương hiệu mũ này, khi các thế hệ nhà Nelson tiếp theo vẫn là những khách hàng trung thành nhất của hãng thiết kế nước Anh.
Nhiều thập kỷ sau đó, Edward Coke ghé qua Lock & Co. để đặt hàng một kiểu mũ mới dành riêng cho những người quản trò của mình tại điền trang Holkham ở Norfolk. Chiếc mũ do Lock & Co. ủy quyền sản xuất bởi anh em nhà Bowler đã nhanh chóng trở thành một trong những mẫu thiết kế mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại. Mũ bowler (mũ quả dưa) vẫn còn được ưa chuộng mãi đến ngày hôm nay bất chấp hình dáng đặc biệt không có nhiều thay đổi qua năm tháng.
Đến đầu những năm 1900, những chiếc flat cap bằng vải tweed bắt đầu được sản xuất và phân phối bởi Lock & Co. Trong suốt hai cuộc đại thế chiến, những chiếc flat cap vẫn được Lock & Co. đều đặn sản xuất và bán ra.
Thương hiệu này sau đó bắt đầu nhận về sự chú ý từ các chính trị gia nổi tiếng. Điển hình như chiếc mũ Cambridge bằng vải lụa, phiên bản nặng hơn của các mẫu bowler thông thường, đã được cố Thủ tướng Winston Churchill ưu ái chọn để diện trong đám cưới của mình.
Năm 1953, Lock & Co. vinh dự nhận được đề nghị điều chỉnh lại chiếc vương miện sẽ được trao cho Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị. Bằng thiết bị đo vòng đầu nổi tiếng mang tên conformateur, Lock & Co. đã để điều chỉnh kích cỡ chiếc vương miện, trước khi trang trí xung quanh bằng lông chồn, biểu tượng quyền lực của Hoàng gia.
Năm 1926, nghệ sĩ Charlie Chaplin đã ghé thăm Lock & Co. lần đầu tiên và ngay lập tức bị cuốn hút bởi những chiếc mũ bowler của thương hiệu này. Mũ quả dưa nổi tiếng của Lock & Co. từ đó gắn liền với hình ảnh của danh hài Chaplin trong suốt hành trình nghệ thuật sau này của ông.
Lock & Co. là thương hiệu đầu tiên cho ra mắt mẫu mũ phớt St. James, với chất liệu là sự pha trộn của 90% lông hải ly và 10% nỉ lông chồn. Họ cũng bắt tay với Harris Tweed Authority để cho ra mắt mẫu Dover, hay hợp tác cùng Johnstons of Elgin để tạo nên chiếc mũ len Watchman đã chiếm trọn trái tim của Guy Ritchie và Richard Biedul.
Những năm gần đây, Lock & Co. duy trì được chỗ đứng trong làng thời trang hiện đại thông qua việc hợp tác với các thương hiệu như A Bathing Ape, Nicole Fahri, Turnbull & Asser, Mackintosh, Vivienne Westwood và Todd Snyder. Thương hiệu cũng sẽ sớm tung ra các bản mash-up cùng Orlebar Brown cũng như The Rake x Vitale Barberis Canonico để chinh phục thị trường. Mặc dù đa phần hình dạng các thiết kế mũ vẫn tuân theo khuôn mẫu truyền thống, vào mỗi mùa, Lock & Co. sẽ thử nghiệm các chất liệu và bố cục mới cho sản phẩm của mình.
Hannah Rigby, Giám đốc Marketing của Lock & Co. Hatters chia sẻ: “Một trong những điều tuyệt vời nhất tại đây là không có khách hàng nào giống nhau. Mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới và đa dạng nhiều lứa tuổi. Tổ tiên của vài người đã từng mua hàng ở đây, số khác thì bị thu hút ngay lập tức bởi vẻ đẹp từ các mẫu mũ cổ điển trưng bày sau cánh cửa xanh”.
Phương châm kinh doanh của Lock & Co. là tôn trọng tối đa sự riêng tư. Do đó, dù không sử dụng bất kỳ hình ảnh nào của khách hàng để quảng bá, vài người nổi tiếng vẫn thường được bắt gặp đội mũ của Lock & Co. khiến cho danh tiếng của thương hiệu này ngày một vang xa. “Chúng tôi là thợ làm mũ phục vụ tất cả mọi người, và chúng tôi rất tự hào về điều đó”, Hannah Rigby chia sẻ.