ROLEX
Tìm Về Nơi Khởi Nguồn Của Sông Cassai
Deluxe Vietnam 07 tháng 01,2025
Song song thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, khan hiếm nước sạch trở thành mối lưu tâm hàng đầu ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Phi. Thực hiện hành trình “Great Spine of Africa Expeditions: Cassai River” đến châu lục nằm trong vành đai nhiệt đới, đoàn thám hiểm dẫn đầu bởi Steve Boyes, thành viên National Geographic Society kiêm đối tác Perpetual Planet Initiative của Rolex, đã thu về nguồn kiến thức địa lý hữu ích, giúp cách mạng hóa sự hiểu biết của chúng ta cũng như bảo vệ thành công một khu vực mang lại an ninh nguồn nước cho gần 500 triệu người.
T
rong gần một thế kỷ, Rolex đã hỗ trợ nhiều nhà thám hiểm tiên phong đẩy lùi ranh giới nỗ lực của con người. Chuyển từ ủng hộ hoạt động thăm dò vì mục đích khám phá sang bảo vệ hành tinh, doanh nghiệp đưa ra cam kết lâu dài hỗ trợ các cá nhân cùng tổ chức sử dụng khoa học để tìm hiểu tường tận, thiết lập cơ sở đưa ra giải pháp hiệu quả cho những thách thức môi trường ngày nay. Nỗ lực này càng được củng cố bằng động thái ra mắt Perpetual Planet Initiative vào năm 2019, ban đầu tập trung vào Rolex Awards for Enterprise, cũng như mối quan hệ đối tác lâu dài với Mission Blue và National Geographic Society – Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ.Theo Liên Hợp Quốc, một nửa dân số thế giới có thể sống ở những khu vực đối mặt tình trạng khan hiếm nước cao vào năm 2030. Không có nước thì không có sự sống! Ở châu Phi, an ninh nguồn nước đã trở thành mối quan tâm lớn, nhưng Great Spine of Africa Expeditions: Cassai River, do đối tác Perpetual Planet Initiative của Rolex kiêm Nhà thám hiểm Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ – Steve Boyes – dẫn đầu, đang cách mạng hóa kiến thức về nguồn cung cấp nước của lục địa này. Bằng cách chỉ ra nhiều con sông lớn ở châu Phi bắt nguồn từ những tháp nước khổng lồ nhưng ít được biết đến như Cao nguyên Angola, Boyes khẳng định rằng cuối cùng chúng ta có thể hiểu tường tận, để đi đến bảo vệ thành công một khu vực mang lại an ninh nguồn nước cho gần 500 triệu người.
Than bùn ở đây hoạt động giống như miếng bọt biển khổng lồ, giữ nước gấp 25 lần trọng lượng khô của nó, đảm bảo nguồn cung cấp liên tục cho các dòng sông. Điều này khiến những vùng đất than bùn trở thành tháp nước vô cùng hiệu quả, dự trữ đồng thời cung cấp nước ngọt duy trì sự sống ở hạ lưu trong mùa khô. Chuỗi cấu trúc này thường ở dạng sông băng ở độ cao lớn. Boyes ước tính rằng, mặc dù không có tuyết phủ, 423 km khối nước, tương đương gấp 10 lần lượng nước sử dụng của toàn bang California, vẫn chảy ra từ Tháp nước Cao nguyên Angola, nơi bắt nguồn của sông Cassai, hàng năm. Trong ‘sứ mệnh’ mới nhất, nhà thám hiểm dẫn đầu nhóm 12 người thực hiện cuộc phiêu lưu hoành tráng kéo dài 5 tuần, dài 627 km dọc theo Cassai, một nhánh chính của sông Congo rộng lớn. Và, rất nhiều phát hiện phi thường được tiết lộ.
Phát hiện đầu tiên và đáng ngạc nhiên là nguồn gốc Cassai có thể đã bị xác định sai. Nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng sông Munhango, bắt nguồn từ Cao nguyên Angola, cung cấp lượng nước gần gấp đôi so với nguồn ghi nhận hiện nay. Điều này có nghĩa là nguồn Cassai chỉ cách nguồn thực sự của Zambezi 20 km, cũng nằm trong Tháp nước Cao nguyên Angola.
Mặc dù những khám phá như vậy rất quan trọng nhưng phần lớn cuộc thám hiểm lưu tâm đến các chi tiết phức tạp hơn nhiều. Boyes cùng tất cả thành viên đoàn ghi lại mọi thứ, sử dụng ảnh chụp từ trên không, đo lưu lượng, chất lượng nước cũng như các mẫu DNA môi trường để thiết lập hệ thống đường cơ sở sinh thái, thủy văn tỉ mỉ cho dòng sông. Boyes nói: “Chúng tôi ghi lại mọi thứ đã nhìn thấy: chim, động vật, con người, khu định cư. Đây là những đường cơ sở chi tiết nhất về sông từng được thực hiện. Vì vậy, trong 50 năm nữa, các nhà khoa học sẽ có đủ cơ sở so sánh”.
Rất ít thành tựu đáng giá đến một cách dễ dàng. Bởi lẽ, chuyến thám hiểm của Boyes gặp muôn vàn khó khăn. Do phải đi qua vùng đất còn rải rác bom mìn – tàn tích cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ ở Angola, nhóm phải sử dụng một chiếc xe tải bọc thép chuyên dụng trong đầu hành trình. Boyes nói: “Bạn gần như cảm thấy nhẹ nhõm khi xuống sông. Nhưng trên mặt nước, mỗi ngày đều liên quan đến việc đi vào vô số điều chưa biết. Không ai định được hướng những con sông này hay biết trong đó có gì”.
Ở đoạn sông đầu tiên, tiến độ rất chậm do dòng chảy hẹp bị chặn bởi thảm thực vật rậm rạp và trong 12 ngày đầu của chuyến thám hiểm, nhóm chỉ đi được 42 km. Sau đó, khi dòng sông mở rộng đồng thời sâu hơn, sự tẻ nhạt nhường chỗ cho nguy cơ chạm trán cá sấu, hà mã – “những thác ghềnh kinh hoàng” thật sự, đúng như lời nhận định của Boyes.
Tuy nhiên, khó khăn khi khám phá một con sông xa xôi và khắc nghiệt như vậy cũng mang lại những phần thưởng không thể diễn tả hết bằng lời. Vì các loài động vật chưa sợ hãi con người, nên nhóm đã có được cái nhìn sâu sắc, độc đáo về động vật hoang dã địa phương. Cho đến nay, họ phát hiện thêm 143 loài mới cho khoa học ở Cao nguyên Angola. Trưởng đoàn thám hiểm cho biết: “Hà mã, khỉ chưa từng nhìn thấy người và chim muông không hề tỏ ra e dè, giống như ở Madagascar hay New Zealand, nơi động vật không được lập trình để sợ hãi con người. Điều đó thật lạ thường!”.
Đất than bùn không chỉ quan trọng như tháp nước mà còn là bể chứa carbon, lưu trữ một lượng lớn carbon nén chặt trong hàng ngàn năm. Theo Boyes, vùng đất than bùn Angola rất đa dạng sinh học đồng thời có khả năng lưu trữ carbon và nước hiệu quả nên việc bảo vệ chúng có tầm quan trọng toàn cầu. Thấu hiểu điều này, The Great Spine of Africa Expeditions: Cassai River, cho thấy 3/3 nguồn chính của sông Congo và sông Zambezi giữ vai trò yếu tố cốt lõi. “Công việc của chúng tôi rất quan trọng trong nỗ lực hỗ trợ các chính phủ đưa ra quyết định sáng suốt về việc sử dụng nước, phát triển đô thị bên cạnh nhiều dự án cơ sở hạ tầng tương lai”.
Theo Boyes, đây là lúc mối quan hệ hợp tác với Rolex phát huy hiệu quả tuyệt vời – trong sứ mệnh lan tỏa thông điệp đến những người ra quyết định quan trọng. Anh khẳng định rằng doanh nghiệp Thụy Sĩ đã không ngừng mang đến cho mình cơ hội tiếp cận toàn cầu để chuyển tải những khám phá tạo tác động đến cuộc sống con người cùng hành tinh. “Thương hiệu thực sự truyền cảm hứng khi tương tác với một tổ chức mà bạn dự kiến khởi xướng những ý tưởng lớn đồng thời thôi thúc bạn đưa mọi thứ tiến xa hơn nữa. Thật không quá lời khi nói rằng sự hỗ trợ từ Rolex đã thay đổi cuộc đời tôi”, Boyes bộc bạch.
Trong thập kỷ qua, Boyes miệt mài khám phá 12.000 km dòng sông hoang dã chảy qua châu Phi. Những chuyến đi đã khiến anh lạc quan một cách thận trọng về tương lai của lục địa này. “Thế giới hướng mắt về chúng tôi khi thực trạng biến đổi khí hậu diễn ra và cho rằng ‘châu Phi sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất’. Khi thiết lập mô hình, chúng tôi không biết rằng nơi đây có nhiều tháp nước cùng khả năng phục hồi tích hợp vẫn có thể duy trì. Dẫu vậy, chúng tôi nhận thấy cần phải bảo vệ chúng ngay từ bây giờ”.