ĐẦU TƯ TRANG SỨC
Nữ Trang & Giá Trị Vượt Thời Gian
Hằng Nho 19 tháng 07,2021
Là người sở hữu trang sức, luôn trân quý chúng như một kho báu, nhưng có bao giờ bạn nghĩ đến việc đầu tư vào trang sức chưa? Nếu bạn có một đôi mắt tinh tường và khả năng tính toán lợi nhuận của chúng thì bạn nên thử sức để thu lợi từ những tuyệt phẩm trang sức ấy và nhìn thấy giá trị của chúng tăng theo thời gian.
T
a đều biết kim cương và phụ nữ luôn là bộ đôi song hành đầy ăn ý. Nhưng liệu việc đầu tư vào kim cương, trang sức có khả thi không? Trang sức có lợi thế hơn nhiều khoản đầu tư khác ở chỗ ta có thể sử dụng chúng trong hầu như mọi dịp, và cũng là một món hàng đầu tư rất quyến rũ. Tuy nhiên, mua trang sức lại là một việc đầy rủi ro. Các chuyên gia thường trực trong chương trình The Antiques Roadshow, từng nói: “Vấn đề ở đây chính là, cụm từ ‘trang sức’ và ‘đầu tư’ rất khó có thể đi đôi cùng nhau” nếu chúng ta không biết lựa chọn thương hiệu.Vậy là trang sức không đảm bảo giúp bạn thu lại tiền. Nhưng trong thời kỳ khó khăn này, điều gì được xem là khả thi đây? Niềm vui khi sở hữu trang sức và xem chúng như tài sản riêng chính là bạn có thể lựa chọn một món trang sức đẹp mà bạn yêu thích, đeo nó và nhìn ngắm mình trong gương, tận hưởng cảm giác tự hào khi mọi người trầm trồ khen ngợi bạn, và kể cả những lúc cần kíp (trừ trường hợp người yêu cũ của bạn đã chuồn mất, mang theo toàn bộ tiền tiết kiệm của bạn), bạn cũng không bao giờ muốn bán nó đi.
Nhưng nếu bạn phải bán nó đi, có cách nào để bạn thu được lợi nhuận không? Như chúng ta đã biết, kim cương và các mẫu trang sức theo kiểu Art Deco thường giữ giá, thị trường của các mặt hàng này cũng tương đối ổn định nhờ nhu cầu mua và trao đổi thường xuyên.
Bên cạnh đó, những món trang sức nằm trong các bộ sưu tập thuộc về những tên tuổi nổi tiếng “luôn thu hút sự chú ý khi chúng được đưa ra thị trường” cũng nhận được sự chú ý rất cao. Với các chuyên gia, các bộ sưu tập của Elizabeth Taylor, Nữ công tước xứ Windsor, Công chúa Margaret và bà Jayne Wrightsman hay những người có địa vị xã hội luôn là thứ xuất hiện đầu tiên trong đầu. Nếu đó là thứ bạn muốn có thì hãy để mắt tới các hãng đấu giá lớn, họ thường được tin cậy giao cho việc mua bán các bộ sưu tập của các thương hiệu lớn hay những người nổi tiếng.
Đồ cổ thường an toàn hơn đồ mới. Nhưng bạn vẫn cần cân nhắc thật kỹ, vì đồ cổ không hẳn là luôn có giá trị như những mẫu trang sức được sản xuất hàng loạt lần đầu tiên vào thời Victoria. Từ đó, dễ thấy rằng nhiều món trang sức cổ được rao bán không có giá trị vì chúng không phải là hàng hiếm.
Một khi đã quyết định đầu tư vào trang sức, bạn cần biết những gì? Trước tiên, các hãng đấu giá lớn như Christie’s, Sotheby’s và Bonhams tổ chức đấu giá trang sức rất đều đặn. Nhiều buổi đấu giá của Sotheby’s – ít nhất là những lần rao bán những món trang sức quý (và giá khá cao) – được tổ chức ở Geneva, Paris hay Hongkong và mặc dù bạn luôn có thể nhờ người đấu giá hộ, nhưng làm thế không thể thú vị bằng việc bạn trực tiếp ra giá với các nhà đấu giá và thấy giá trị của chúng được tăng lên từng giây.
Nhiều nhà buôn danh tiếng luôn có những lời khuyên hữu ích mà bạn nên tham khảo. Ở London, Lucas Rarities chuyên về trang sức hiếm và tập trung vào phong cách Art Deco, những món trang sức này sẽ mang lại cơ hội đầu tư tuyệt vời cho bạn. Công ty mua bán đồ cổ Wartski, chuyên gia về trang sức cao cấp, và Fabergé sẽ mang lại cho ta cảm giác lâu đời hơn: không phải ngẫu nhiên mà họ nhận được sự ưu ái của Nữ hoàng, Hoàng tử xứ Wales và cả sự yêu mến của bà Jackie Onassis.
Vậy đồ cổ là cách duy nhất để xây dựng một bộ sưu tập trang sức giá trị? Câu trả lời ngắn gọn là không. Các chuyên gia cho rằng bạn nên đưa vào sản phẩm của các nhà thiết kế mới để mở rộng danh mục đầu tư. Nhưng bạn có đoán được sản phẩm nào sẽ có giá trị sưu tập trong tương lai không? Không hẳn, tốt nhất là bạn hãy nhìn vào các nhà thiết kế trẻ triển vọng, và chọn thứ mà bạn thích. Nếu gặp may, chỉ sau vài năm, bạn sẽ thấy vật đó có giá cao hơn nhiều so với số tiền mà bạn đã bỏ ra.
Jessica McCormack là một nhà thiết kế trẻ rất hâm mộ các diễn viên nổi tiếng. Sản phẩm đầu tay của cô là dành cho ngôi sao nhạc pop Rihanna, và kể từ đó các thiết kế của cô đã song hành cùng Madonna và Carine Roitfeld, cựu biên tập viên của tờ Vogue phiên bản Pháp. Gần như chắc chắn rằng các sản phẩm của cô sẽ giữ được giá. Buổi triển lãm trang sức thường niên ở Goldsmiths’ Hall là chỗ tốt để bạn phát hiện các tài năng mới có các ý tưởng thú vị.
Sản phẩm của những nghệ sĩ thành danh, dù là hiện tại hay trước đây, cũng là sự bổ sung hứa hẹn cho mọi danh mục đầu tư vào trang sức. Những nhân vật nổi tiếng như Picasso, Salvador Dali và Anish Kapoor đều từng tạo ra những mẫu trang sức riêng, và nhiều sản phẩm của họ có giá trị rất cao.
Một trong những thách thức khi đầu tư vào mọi hạng mục trang sức là bạn phải phân biệt được những khoản đầu tư tiềm năng và những thứ mà bạn muốn dùng. Nếu bạn gặp may thì hai thứ đó là một. Nhưng theo ý kiến của nhiều người, “hãy mua thứ mà bạn thực sự thích, có thể sử dụng và tận hưởng. Sau này, nếu nó tăng giá thì bạn sẽ có cả hai. Vấn đề là thị hiếu thay đổi rất nhanh”.
Sự nhất thời của thời trang luôn là một vấn đề nếu bạn muốn trang sức mang lại lợi nhuận. Nhưng nếu bạn nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên những lời khuyên tin cậy thì đó sẽ là một thương vụ mua bán có lợi, bất kể là bạn quyết định bán hay truyền lại cho con cháu đời sau.
CẦN XEM XÉT CẢ SỞ THÍCH CÁ NHÂN VÀ GIÁ TRỊ TIỀN BẠC KHI MUA TRANG SỨC ĐỂ ĐẦU TƯ
Điều đầu tiên mà bạn cần cân nhắc khi đầu tư vào trang sức là bạn thích nó đến mức nào so với tiềm năng sinh lợi mà nó mang lại khi bạn bán nó đi sau này. Hầu hết mọi người mua trang sức để đánh dấu một cột mốc quan trọng, làm phụ kiện để hoàn thiện một set đồ hoặc để đưa ra một tuyên ngôn cá nhân. Nếu bạn quyết định mua trang sức để đầu tư thì có ba điều quan trọng mà bạn cần xem xét.
1. CHẤT LIỆU CỦA TRANG SỨC
Một trong những điều đầu tiên cần cân nhắc khi đánh giá giá trị của một món trang sức là xác định chất liệu của nó. Với trang sức nạm kim cương, những viên đá hơn 1 carat thường giữ giá tốt hơn loại dưới 1 carat. Ngoài ra, ta phải chú ý đến bốn chữ C – cut (cách cắt), clarity (độ trong suốt), color (màu sắc) và carat (trọng lượng của đá quý tính theo carat). Tóm lại, nên chọn những viên đá nhỏ có chất lượng cao hơn là những viên đá lớn, có lỗi và mờ đục.
2. TAY NGHỀ CHẾ TÁC
Dù bạn thường nghĩ đến kim cương hoặc các loại đá quý khác trước tiên khi mua trang sức cao cấp, nhưng chất liệu kim loại được sử dụng và chất lượng của cách chế tác cũng rất quan trọng. Như chúng tôi đã viết trong bài, platinum có giá thấp hơn vàng trong giao dịch nếu tính theo trọng lượng. Tuy nhiên, khi bán lẻ, trang sức platinum lại có giá cao hơn vàng vì nó là kim loại khó xử lý hơn vàng. Ngoài thành phần cấu tạo của kim loại, chất lượng chế tác thể hiện tay nghề của thợ kim hoàn cũng rất quan trọng.
3. MỨC ĐỘ UY TÍN CỦA THƯƠNG HIỆU
Những thương hiệu trang sức và đồng hồ tiêu chuẩn, như Cartier, Tiffany & Co., Rolex và Patek Philippe, thường giữ giá tốt hơn. Trong khi những thương hiệu gắn liền với trang sức theo y phục, như Chanel và Judith Leiber, lại có giá trị thị trường cao, ngay cả khi chúng không được làm bằng kim loại quý hay kim cương. Suy cho cùng, tốt nhất là bạn nên mua trang sức vì nó ý nghĩa với bạn – một chiếc đồng hồ statement để đánh dấu một cột mốc trong sự nghiệp, một chiếc nhẫn xếp chồng để kỷ niệm một sự kiện của gia đình, hoặc một đôi hoa tai kim cương cho một dịp đặc biệt nào đó.