CHANEL
Quy Tắc Khẳng Định Đẳng Cấp
Hằng Nho 18 tháng 10,2021
Từ lâu, hãng thời trang Chanel gây được tiếng vang lớn trong giới mộ điệu bởi những thiết kế túi kinh điển vượt thời gian. Bất chấp ‘cơn sốt’ doanh thu từ những mẫu túi ngày một tăng vọt, Chanel bắt đầu hạn chế số lượng túi mỗi khách hàng có thể mua ở Hàn Quốc. Đối với một số chiếc túi phổ biến, một người hiện chỉ có thể mua một mẫu mỗi năm.
T
heo báo Hankook Ilbo, chi nhánh Chanel ở Hàn Quốc đã áp dụng chính sách mới, trong đó mỗi khách hàng có thể mua một mẫu túi nắp gập Timeless Classic và một chiếc túi xách Coco Handle mỗi năm. Đối với khách hàng muốn mua số lượng nhiều các mặt hàng được phân loại là “đồ da nhỏ” như ví và túi, vẫn phải áp dụng quy tắc “một túi cho mỗi người mỗi năm”.Giải thích cho quy tắc ‘mỗi người một túi’, đại diện của Chanel xứ Hàn cho biết việc giới hạn lượng mua sản phẩm giúp ngăn chặn tình trạng mua đi bán lại đang được phổ biến rộng rãi. Cụ thể tại các cửa hàng lớn ở Seoul, từ 5h sáng đã có một hàng dài người xếp hàng để chuẩn bị cho “cuộc đua kỳ thú” sắp diễn ra, thậm chí họ còn chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng lao vào cửa hàng ngay khi mở cửa. Cuộc đua bất thường này chính là cơ hội để các “tay đua” thoải mái lục tung cửa hàng Chanel và vét sạch những chiếc túi hàng hiệu trong khi cả thành phố còn đang say giấc.
Trong số những người đợi hàng giờ đồng hồ để được vào cửa hàng sớm nhất có thể, có người chỉ mong nhanh tay giành lấy những chiếc túi yêu thích cho bản thân, số còn lại dường như chỉ muốn săn túi và hưởng lợi sau khi bán với mức giá cao hơn ở những nơi khác. Bởi do các nhãn hàng xa xỉ sở hữu giá trị thương hiệu không chỉ cao mà còn tăng dần theo thời gian, giá bán lại của dòng túi đang “hot” như Classic Caviar Medium của Chanel sẽ giúp các “thợ săn” thu được từ 1 tới 2 triệu won (khoảng tầm 20 tới 40 triệu đồng), nếu săn được mẫu túi đúng ý khách thì còn kiếm được gấp 3 lần. Một người dùng đã đăng dòng trạng thái trên Chicment, chia sẻ rằng cô ấy sẵn sàng trả cho những tay săn từ 250 đến 340 đô la Mỹ, tùy theo độ khó của “cuộc đua” ngày hôm đó.
Được biết trong thời gian gần đây, hãng thời trang Pháp – Chanel đã thường xuyên tăng giá ở Hàn Quốc, nhưng người tiêu dùng hầu như không quan tâm. Dưới góc nhìn tâm lý, hành động của một số người người mua hàng thể hiện nhu cầu tâm lý mang tên “mua sắm trả đũa” hay còn được gọi là “revenge shopping”. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania đã phân tích rằng con người có xu hướng muốn “chiều” bản thân nhiều hơn sau khi trải qua những cuộc khủng hoảng hay đại dịch. Qua khảo sát cho thấy, việc chi tiêu cho hàng hiệu chính là một phương pháp để họ xoa dịu tâm hồn.
Theo tạp chí Forbes, việc giới hạn lượng mua sản phẩm khiến nhiều khách hàng sẵn sàng chi số tiền đắt đỏ cho sự khan hiếm và giá trị thương hiệu mang lại. Bên cạnh đó, Chanel không phải thương hiệu duy nhất tăng giá và hạn chế mua sắm bình quân đầu người. Những “ông lớn” trong giới thời trang như Dior và Hermès thu hút sự quan tâm của giới truyền thông khi đưa ra quyết định thay đổi mức giá với một số sản phẩm nhất định. Hermès cho phép mỗi khách hàng chỉ mua tối đa hai chiếc túi cùng kiểu dáng mỗi năm. Tương tự, Rolex cũng hạn chế mỗi người chỉ được mua một hoặc hai chiếc đồng hồ mỗi năm.
Thị trường thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc đứng thứ bảy thế giới tính đến năm 2020, dự kiến sẽ vượt qua 123 tỷ đô la Mỹ trong năm nay. Khi được hỏi liệu biện pháp “mỗi người một túi mỗi năm” sẽ mở rộng phạm vi áp dụng đến các cửa hàng ở nước ngoài hay không, nhãn hàng Chanel Hàn Quốc từ chối xác nhận.