BESPOKE ĐÍCH THỰC
Phong Cách Với Hàng Thiết Kế Riêng
Hằng Nho 12 tháng 07,2021
Thuật ngữ “Bespoke” (hàng thiết kế riêng) đang được sử dụng nhan nhản trong ngành may mặc, và ngày càng mất dần ý nghĩa mỗi lần một hãng Made-To-Measure (hàng may đo, viết tắt là MTM) sử dụng nó không chính xác. Đối thủ của hàng “Bespoke” là hàng “Haute Couture” (hàng thiết kế cao cấp). Để hiểu rõ sự khác biệt giữa Made-To-Measure và Bespoke chúng ta hãy cùng tìm hiểu lại định nghĩa của thuật ngữ hai cụm từ chuyên ngành này nhé. Dưới đây là 5 tiêu chí để bạn tham khảo.
1. LÊN MẪU
MTM: Cửa hàng MTM sẽ xem xét các mẫu sẵn có cho chiếc jacket cỡ 42, rồi điều chỉnh chúng nếu số đo của bạn lệch so với số đo tiêu chuẩn. Thợ may sẽ điều chỉnh mẫu tiêu chuẩn theo sự chênh lệch đó, như độ dài và độ rộng vai của áo. Hãy lưu ý rằng không phải tất cả các cửa hàng MTM đều điều chỉnh mẫu giống nhau.
Một số cửa hàng có giới hạn khác nhau khi điều chỉnh mẫu gốc, số khác bỏ qua những thứ quan trọng như miếng đệm vai hay kích cỡ lỗ xỏ tay áo. Bạn có thể dựa vào những số đo mà họ lấy để đánh giá. Một số cửa hàng chỉ lấy 5 – 7 số đo cho một lần đo… đó không phải là dấu hiệu tốt để chọn cửa hiệu này. Lưu ý rằng chương trình thiết kế có vi tính hỗ trợ, hay CAD, giúp các cửa hàng MTM dễ thu hẹp khoảng cách giữa hàng MTM và hàng bespoke ở điểm này.
Bespoke: Thợ may sẽ lên mẫu mới cho từng khách. Họ không điều chỉnh hay dùng mẫu gốc vì điều đó có thể khiến họ bỏ sót một số đặc điểm nhỏ trên cơ thể của người mặc. Cũng vì thế, họ không chỉ cần các số đo mà còn phải lưu ý nhiều chi tiết khác (độ dốc của vai, vòm lưng).
2. THỬ ĐỒ NHIỀU LẦN
MTM: Thông thường, khách không được thử đồ trong quá trình may. Lần gặp đầu tiên là để lấy số đo và lên thiết kế, còn lần gặp thứ hai là khi bộ đồ đã hoàn thành. Tùy vào tính chính xác khi lấy số đo hoặc sở thích của khách, thành phẩm sẽ được điều chỉnh thêm một lần nữa.
Bespoke: Để có một bộ vest bespoke ưng ý, khách sẽ cần đến thử đồ vài lần trong quá trình may. Đây là điểm phân biệt giữa hàng bespoke và hàng MTM, và cũng là lý do khiến một số người cho rằng hàng bespoke mới là thượng phẩm. Tất cả những lần thử đồ sẽ diễn ra ở các bước khác nhau của quá trình may. Thông thường một số hãng bespoke cho khách thử đồ đến 5 lần hoặc hơn. Các thợ may tài năng sẽ dựa vào các số đo đã được cập nhật để khiến bộ đồ ngày càng vừa vặn với khách hơn khi sản phẩm được hoàn thành.
3. CHỌN VẢI
MTM: Các cửa hiệu MTM thường lấy vải từ một hoặc hai nhà máy. Nhưng có cửa hiệu đưa ra nhiều, có cửa hiệu đưa ra ít sự lựa chọn. Tuy nhiên ta không nên nói đến số mẫu vải mà nói đến số nhà máy sản xuất cung cấp vải. Điều này rất quan trọng, không chỉ về sự lựa chọn và còn về cả giá/chất lượng của từng loại vải. Nhưng để xác định tiêu chuẩn, các loại vải của Ý thường được các cửa hiệu sử dụng.
Bespoke: Hầu hết các cửa hàng bespoke đều có trên 10 nhà máy cung cấp vải, nên thuật ngữ “thư viện” (Library) sẽ phù hợp hơn thuật ngữ “tuyển tập” (Collection/Selection) vải. Ta có thể đặt một lô vải có màu nhuộm độc đáo nhưng sẽ phải chấp nhận mức giá cắt cổ mà chỉ những minh tinh Hollywood hay các chính trị gia mới dám đồng ý.
4. THIẾT KẾ/ĐIỀU CHỈNH
MTM: Cửa hiệu sẽ đưa cho bạn một danh sách lựa chọn, trong đó có số nút bấm, kiểu dáng túi, các lựa chọn về đường xẻ tà, nếp gấp ở quần, khuy măng séc, đôi khi có cả lớp lót bên trong, bề rộng của ve áo, dáng cúc áo. Tuy nhiên, trong danh sách không bao giờ có những thứ như những hàng hiếm cần nhiều sự tư vấn.
Bespoke: Bạn được lựa chọn thoải mái, không bị giới hạn gì, bất kể phức tạp ra sao. Một bức ảnh đáng giá bằng cả ngàn lời nói.
5. BUỔI GẶP GỠ 1-1
MTM: Bạn gặp nhân viên cửa hiệu hoặc nhân viên kinh doanh được đào tạo để lấy số đo rồi họ sẽ cung cấp số liệu cho thợ may/quản lý sản xuất/thợ cắt may. Trình độ của những người này rất khác nhau.
Bespoke: Bạn nên gặp trực tiếp thợ may. Hãy cẩn thận bởi có một số hãng may bespoke cắt bước. Suy cho cùng, thợ may luôn có nhiều chuyên môn hơn để đáp ứng nhu cầu riêng và tạng người khác nhau của người mặc.
KẾT LUẬN
Xét những yêu cầu riêng tư kể trên, cửa hàng bespoke thường là những cửa hàng nhỏ nằm trong góc phố chứ không bao giờ là một công ty quy mô. Nhưng cũng chính vì lý do đó, mức giá thường dao động trong khoảng trên 1.000 đôla. Trong khi đó, MTM là sự kết hợp thú vị giữa hàng off-the-rack (hàng may sẵn, viết tắt là OTR) và hàng bespoke. Nhưng cần lưu ý rằng không phải tất cả các hàng MTM đều giống nhau. Hàng MTM có độ chêch lệch về chất lượng lớn hơn hàng OTR hay hàng bespoke. Đây chính là lý do khiến có nhiều tranh cãi giữa các thuật ngữ này.
Chúng ta không đề cao chất lượng hay cách may. Các cửa hiệu, shop cung cấp dịch vụ hay sản phẩm OTR, MTM và Bespoke đang sử dụng rất nhiều cách may. Chúng ta đôi khi cũng thất vọng khi trông thấy một số sản phẩm bespoke khi chúng không đạt chuẩn. Chúng ta cũng không nói đến độ vừa vặn của thành phẩm, sản phẩm của một thợ may bespoke tồi làm sao bằng sản phẩm của một hãng MTM tài năng, cho dù bạn được thử đồ bao nhiêu lần. Và kết cục buồn này xảy ra nhiều hơn bạn tưởng.
Tóm lại: Theo tôi thấy, những hạn chế của hàng OTR khiến ta phải cân nhắc thật kỹ số tiền mà mình sẽ bỏ ra sau khi xem xét ưu điểm của hàng MTM và hàng bestpoke. Tôi không tin ta nên chi quá 500-600 đôla cho một bộ đồ OTR và 800-1000 đôla cho một bộ đồ MTM. Với số tiền đó, bạn có thể đặt may hàng bespoke. Có những ngoại lệ ở quy tắc này nhưng không nhiều.
Dù sao, tôi hy vọng bài viết này sẽ là một hướng dẫn hữu ích để bạn đánh giá xem món hàng đặt may mà mình nhận được có xứng đáng hay không, và để bạn không bị mất tiền oan do chiêu trò quảng cáo của các giám đốc tiếp thị.
ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ BESPOKE!
Sự khác biệt giữa bộ vest Made-To-Measure và Bespoke
Nói đến thời trang công sở cao cấp dành cho nam giới, không gì đọ được với một bộ vest đặt may. Dù chẳng có gì sai khi bạn chọn sản phẩm may sẵn chất lượng nhưng đơn giản là nó không thể so sánh với một bộ đồ được cắt may theo nhu cầu và số đo của riêng bạn.
Giới thợ may thường dùng thuật ngữ “bespoke” để nói đến các trang phục đặt may, vì ngay từ ngày xưa, nó đã được coi là cách tốt nhất để tạo ra một bộ vest vừa vặn và phù hợp với người mặc. Tuy nhiên, hàng bespoke có định nghĩa rất rõ ràng, và có thể bạn sẽ mất cả đống tiền cho bộ vest mà họ nói là hàng thiết kế trong khi, không may, không phải lúc nào nó cũng là như thế.
Sự khác biệt nằm ở đâu?
Trong mấy năm qua, thuật ngữ “bespoke” bị giới tiếp thị và quảng cáo lạm dụng khá nhiều. Tuy nhiên, lời quảng cáo về một bộ vest bespoke không còn đảm bảo chất lượng về dịch vụ và sản phẩm như xưa. Hàng bespoke được định nghĩa là mặt hàng được cắt may thủ công từ đầu đến cuối với kiểu mẫu được phát triển mới hoàn toàn. Theo đó, trong lần thử đồ đầu tiên, thợ may sẽ điều chỉnh bộ suite đã được may thô một nửa. Kết quả là bạn sẽ có vô vàn lựa chọn về thiết kế vì không phải dựa vào hay điều chỉnh thứ gì. Ngày nay, nhiều hãng may quảng cáo là may hàng bespoke nhưng thực ra chỉ cung cấp cho khách hàng “made to measure” (MTM). Họ vẫn lấy số đo, vẫn đưa cho khách một số lựa chọn, nhưng bộ vest được cắt may dựa trên mẫu sẵn có. Điều này vốn không có gì sai, nhưng bạn phải hiểu rằng quy trình thiết kế không giống với hàng bespoke đích thực.
Ta trông đợi gì ở hàng bespoke đích thực?
Trong những điểm khác biệt quan trọng nhất có một số thứ chỉ ra chất lượng “bespoke đích thực”:
- Bạn phải được tùy ý lựa chọn lớp lót và chất liệu vải. Bất cứ chi tiết kiểu dáng nào cũng không thành vấn đề. Nếu bạn muốn ba đường xẻ tà ở áo hay túi hình trái tim ở ống tay áo thì câu trả lời của thợ may hàng bespoke đích thực luôn là “không thành vấn đề”.
- Bộ vest của bạn phải được may theo mẫu lên riêng cho bạn. Họ phải ghi chính xác mọi số đo và điều chỉnh nếu cần sau lần thử đồ đầu tiên.
- Nếu là hàng bespoke đích thực, bạn sẽ được thử đồ ít nhất hai lần, lần đầu tiên là thử áo may thô (thường không có túi), lần thứ hai là thử bộ đồ hoàn chỉnh hơn. Đến khi bộ vest thực sự hoàn thành, bạn sẽ được thử lần cuối.
- Nếu lý tưởng, thợ cắt vải cũng chính là người đo và cho bạn thử đồ, thậm chí may luôn đồ cho bạn. Bộ đồ bespoke thành công luôn là sự kết hợp giữa chuyên môn cắt và may.
Làm sao để chắc chắn đó là hàng bespoke?
Câu hỏi quan trọng là “Làm sao tôi có thể chắc chắn mình sẽ nhận được bộ vest bespoke đích thực từ thợ may?”. Nếu đặt ra câu hỏi này, bạn cần có hiểu biết để xác định bộ đồ mà bạn sẽ trả tiền là hàng bespoke đích thực hay chỉ là hàng made-to-measure.
- Hỏi thẳng – Một trong những cách hay nhất là hỏi thẳng, “Anh/chị là thợ may bespoke đích thực hay chỉ là thợ may made-to-measure?”.
- Hỏi ý kiến – Như đã đề cập ở trên, hàng bespoke có nhiều lựa chọn hơn vì nó được may đo mới hoàn toàn. Nếu bạn thấy chỉ có một danh sách lựa chọn hữu hạn thì có thể đó là hàng MTM.
- Hỏi loại vải và chất lượng vải – Hàng bespoke đắt hơn hàng MTM nhiều. Nếu thợ may cam kết là hàng bespoke nhưng gợi ý sử dụng loại vải tầm trung thay vì vải chất lượng cao thì bạn nên cân nhắc kỹ khi làm việc với họ.
- Hỏi nơi sản xuất – Hãy hỏi họ bộ vest được sản xuất ở đâu. Đúng là họ lấy số đo ở đây nhưng vấn đề là họ may đo ở đâu?
- Hỏi thời gian hoàn thành – Hãy nhớ rằng bộ đồ bespoke đích thực mất từ hai đến sáu tháng mới hoàn thành. Nếu thợ may hứa trả hàng sau vài tuần thì có khả năng đó không phải là hàng bespoke đích thực.
Suy cho cùng, bạn cần xác định rõ nhu cầu của mình là gì. Nếu bạn sẵn sàng đầu tư tiền của và đủ kiên nhẫn để chờ đợi thì không có gì tuyệt hơn một bộ vest bespoke. Còn nếu bạn chọn bộ vest MTM thì đó cũng là sự lựa chọn tốt. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn sẽ có ít sự lựa chọn thiết kế hơn, những thiết kế này thường được tạo ra ở nước ngoài rồi chuyển về Mỹ. Dù lựa chọn bộ vest MTM không bao giờ là sai, nhưng bạn nên đảm bảo rằng mình sẽ không phải trả mức giá của một bộ đồ bespoke, cũng chớ kỳ vọng chất lượng của một bộ đồ bespoke.