LẤP LÁNH PHA LÊ

Minh Quân 24 tháng 06,2021

Nói đến pha lê, chúng ta luôn liên tưởng đến sự sang trọng của những chiếc đèn chùm, sự xa hoa của bàn tiệc hay các vật trang trí đẹp tuyệt mỹ. Nhưng hiếm ai biết rằng lịch sử cùng các biến cố thăng trầm đã đúc kết nên giá trị trường tồn của các thương hiệu.

BACCARAT

Được thành lập vào năm 1765 bởi Đức giám mục Metz, với mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp thổi thủy tinh tại một khu làng nhỏ có tên Baccarat, cách thủ đô Paris 250 dặm về phía Đông. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, xưởng thổi thủy tinh Saint Anne ở Baccarat đã cho ra đời những vật dụng tiện ích hằng ngày bằng thủy tinh, như kính cửa sổ, chai thủy tinh, mặt bàn kính.

Năm 1815, các xưởng thủy tinh lớn tại Voneche miền Bắc nước Pháp đồng loạt chuyển sang Bỉ, một đất nước bên ngoài biên giới Pháp để tiếp tục phát triển. Lúc bấy giờ, chủ nhân của vùng đất này là một người Pháp có tên Aimé-Gabriel d’Artigues đã mua lại những cơ sở sản xuất thủy tinh ở Baccarat, nhằm tái thiết lại hoạt động kinh doanh của ông ở Pháp và cung cấp các mặt hàng thủy tinh cho khách hàng ở quốc gia này, mà không phải trả thêm một khoản thuế suất nào. Người ta nói rằng giữa ông và Vua Louis đã có một thỏa thuận, theo đó d’Artigues sẽ được giảm thuế nhập khẩu từ vùng Voneche để đổi lại việc ông phải thiết lập lại ngành công nghiệp thủy tinh ở Pháp.

Công ty mới được thành lập với tên gọi Voneche – Baccarat, chuyên tập trung vào việc sản xuất thủy tinh chất lượng cao, mà vốn dĩ vùng Baccarat đã phát triển nhiều kỹ thuật mới trong việc sản xuất pha lê trong hơn 180 năm trước. Tuy nhiên, d’Artigues lại bán đi các cơ sở sản xuất thủy tinh này vào năm 1822. Vị chủ mới đã thành lập thương hiệu chuyên sản xuất, chế tác pha lê cao cấp mang tên Baccarat và dòng chữ Voneche vẫn được giữ lại cho đến năm 1843 như một lời tri ân về nguồn cội của mình. Thương hiệu này nhanh chóng phát triển và tồn tại đến ngày nay với vai trò là một công ty thổi thủy tinh và chế tác pha lê hàng đầu của Pháp, Baccarat giành được nhiều huy chương tại những triển lãm ở Paris kể từ năm 1823.

Nổi tiếng với những tạo phẩm pha lê tuyệt đẹp, những bộ vật dụng phục vụ bàn ăn cho vua chúa và hoàng tộc là một điều không thể thiếu khi nhắc đến thương hiệu Baccarat. Ngoài bàn ăn, Baccarat còn cho ra mắt những tạo phẩm xuất sắc có các màu sắc bắt mắt, ấn tượng dẫn đầu thế kỷ 19 mang tên “opaline”. Đặc biệt, thương hiệu này còn nổi tiếng với những chiếc bình, chiếc lọ xinh xắn, và một số tác phẩm điêu khắc thủy tinh tuyệt vời với hình ảnh loài vật và chim muông. Các thợ chế tác tài ba của Baccarat đã học được kỹ thuật thổi thủy tinh kiểu Bohemian và Venetian vào thập niên 40 của thế kỷ 19, để cho ra đời những tạo tác thủy tinh với thiết kế độc đáo, vượt qua bất kỳ các tuyệt phẩm nào được sản xuất trong thời kỳ hoàng kim của Bohemia hay Venice.

Kỹ thuật nhúng lưu huỳnh, chạm nổi trong những mẻ thủy tinh mỏng như giấy đã được Baccarat đưa đến đỉnh cao vào thế kỷ 19 và vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Giới chuyên môn và những người yêu thích nét đẹp đến từ pha lê còn nhận định rằng, bất kỳ những tạo phẩm nào do Baccarat chế tác đều vô cùng quyến rũ. Vậy bí quyết gì đã cho phép các nghệ nhân Baccarat tạo nên những tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy đến như vậy?

Quay trở về năm 1764, khi Vua Louis thứ XV cho phép Louis de Montmorency-Laval, linh mục Metz thành lập các xưởng thủy tinh ở Baccarat. Dây chuyền sản xuất thủy tinh ở đây bao gồm gương, ly uống rượu và các ô kính cửa sổ. Mãi cho đến năm 1816, lò pha lê đầu tiên được đưa vào hoạt động. Tính đến thời điểm đó, số lượng nhân công ở đây đã vượt quá 3.000 người.
Vào năm 1814, khi dòng sản phẩm Harcourt được ra mắt, những tác phẩm mang hình dáng cổ điển, nhưng không nhuốm màu thời gian chính là những mặt hàng bán chạy nhất trên thế giới. Sáng tạo mới này đã góp phần làm thuyên giảm sức hút của những tác phẩm thủy tinh vốn được ưa chuộng trước đó.

Năm 1823, Baccarat nhận được sự ưu ái đặc biệt từ phía hoàng gia bởi vua Louis XVIII dùng để trang trí cung điện của mình bằng những chiếc đèn chùm lấp lánh không hề phai mờ theo thời gian. Ngay sau đó, Baccarat đã nhanh chóng được các giáo đường, thánh điện khắp nơi trên toàn thế giới đặt hàng. Năm 1827, Baccarat trở thành nhà sản xuất thủy tinh và pha lê đầu tiên của Pháp sản xuất đèn chùm, và nhận được huy chương vàng trong triển lãm quốc gia về sản phẩm công nghiệp khi là nhà chế tác thủy tinh đầu tiên ở Pháp sản xuất được pha lê màu vào năm 1839. Cho đến ngày nay, họ vẫn luôn là người dẫn đầu trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt nổi tiếng với những tác phẩm Ohaarm có màu vàng, màu thạch bích, màu đỏ, và trắng đục.

Baccarat cũng đã nhận được các đơn đặt hàng từ Điện Dolmabahce ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án này được hoàn thành trong những năm 1843 đến năm 1856. Đây là cung điện có quy mô lớn nhất thế giới được trang trí những chiếc đèn chùm làm từ pha lê của Baccarat và còn gọi là Tầng nhà thủy tinh. Nơi đây kiến tạo các cầu thang có hình móng ngựa và tất cả thành lan can đều được làm từ thủy tinh và pha lê Baccarat. Hiện nay, cung điện được xem như một viện bảo tàng và mở cửa cho du khách tham quan.

Khi kỷ nguyên của Đế chế kết thúc vào năm 1867, Baccarat mở rộng thị trường ra các nước châu Á và tỏ ra chiếm ưu thế trong lĩnh vực sản xuất những lọ nước hoa. Tính đến năm 1907, công ty đã đạt sản lượng hơn 4.000 lọ nước hoa mỗi ngày. Trước năm 1906, Baccarat ra mắt một bộ ly thủy tinh dành cho Sa hoàng Nicolas II của Nga được điêu khắc hoàn toàn thủ công. Vào năm 1964, bảo tàng nghệ thuật Louvre, Paris đã tổ chức một cuộc triển lãm mang tính hồi tưởng sâu rộng để vinh danh các thành tựu hơn 200 năm qua của Baccarat.

Bên cạnh đó, bộ sưu tập trang sức mới của Baccarat đã khuấy động thị trường nữ trang khi công bố vào năm 1992. Đây là thành quả của sự sáng tạo tổng hợp giữa những nhà thiết kế đương thời xuất sắc nhất như Catherine Noll, Peggy Huynh Kinh, Philippe Airaud, Stefano Poletti hay Elie Top.

Năm 2018 cũng là kỷ niệm 254 năm ngày thành lập thương hiệu Baccarat. Hơn hai thế kỷ qua, họ đã nỗ lực để hoàn thiện những tuyệt phẩm của mình và để đạt được những thành tích kể trên. Họ sẽ tiếp tục mang đến cho chúng ta những tạo tác tao nhã và khiến chúng ta kinh ngạc với kỹ thuật chế tác tuyệt vời của họ trong tương lai.

LALIQUE

Thành lập bởi René Lalique, sinh tại Aÿ-en-Champagne thuộc vùng Marne của nước Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã có một tình yêu mãnh liệt với vùng đất nơi mình sinh ra. Từ tình yêu đó, khi chỉ mới là chàng trai 27 tuổi, ông đã bắt đầu công việc kinh doanh cho riêng mình trên phố Rue du Quatre-Septembre. Chỉ một năm sau, năm 1888, ông đã thiết kế bộ sưu tập trang sức đầu tiên của mình bằng vàng được chế tác tinh xảo lấy cảm hứng từ hình dáng cổ xưa và chủ nghĩa Nhật Bản, sáng tạo này đã phá vỡ truyền thống chế tác trang sức bằng việc đưa vào những vật liệu mang tính đổi mới như vàng, đá quý cùng với các loại đá bán quý, ốc xà cừ, ngà voi và sừng bên cạnh men và thủy tinh.

Trong suốt những thập kỷ tiếp theo, René Lalique đã gầy dựng được danh tiếng của mình. Ông đã giành nhiều thắng lợi trong các cuộc thi, trưng bày tác phẩm và tạo ra các mẫu trang sức ấn tượng cho các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Đồng thời, ông đã cách mạng hóa các phong cách trang sức của thời đại, trở thành một nhân vật được ưa thích nhất thời bấy giờ. Khi René Lalique tham gia vào cuộc triển lãm lớn tại Paris vào năm 1900, đó chính là lúc sự nghiệp của René Lalique với tư cách là một thợ kim hoàn đang ở đỉnh cao nhất.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, René Lalique tiếp tục mở cửa hiệu tại 24, Place Vendôme, ngay tại nơi đây, thương hiệu nước hoa François Coty đã ấn tượng bởi các thiết kế của nhà chế tác thủy tinh đến từ Pháp, đã mời René Lalique thiết kế mẫu chai thủy tinh cho mẫu nước hoa của mình.

Mười năm trở lại đây, Lalique phát triển một cách nhanh chóng và liên tục cho mắt vô số bộ sưu tập đặc biệt thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau có thể kể đến như bộ sưu tập về đồ nội thất, phụ kiện trong nhà và đồ dùng gia đình.

Nhận thấy lượng nhu cầu tăng cao, René Lalique đã thành lập Nhà máy sản xuất thủy tinh và pha lê Verrerie d’Alsace tại Wingen-sur-Moder thuộc vùng Alsace vào năm 1921. Hiện nay, đây là nhà máy Lalique duy nhất trên thế giới. Sau khi thành lập công xưởng quy mô lớn, René Lalique đã nghiên cứu để tạo nên một phong cách riêng của mình bằng sự tương phản giữa thủy tinh trong và mờ. Đôi khi ông cũng bổ sung thêm một nước bóng hoặc lớp men hoặc sử dụng thủy tinh màu. Tên tuổi của René Lalique vào thời gian đó gắn liền với thiết kế toa tàu tốc hành mang tên Côte d’Azur Pullman, một số mẫu trang sức Haute Couture cho các nhân vật nổi tiếng thế giới.

Năm 1945, René Lalique đã về cõi vĩnh hằng và Marc, con trai của René Lalique đã tiếp quản với vai trò là người dẫn đầu doanh nghiệp. Chính Marc là người đưa Lalique bước vào thời đại của pha lê. Sau đó, con gái của Marc là Marie- Claude Lalique trở thành Tổng Giám đốc và khôi phục lại truyền thống thiết kế đồ nữ trang và đã phát triển công việc kinh doanh nước hoa.

Năm 2008, Tập đoàn Thụy Sĩ Art & Fragrance dưới sự quản lý của Silvio Denz đã mua lại Lalique nhằm mục đích phát triển thương hiệu trên phạm vi toàn cầu và gia tăng sản xuất và ba năm sau đó, nhà bảo tàng Lalique khánh thành ở Wingen-sur-Moder sau hai năm xây dựng. Trong viện bảo tàng này được trưng bày trên 650 tác phẩm của René Lalique và những người kế nhiệm của ông. Khu nhà được thiết kế bởi Jean-Michel Wilmotte là nơi lưu giữ bộ sưu tập đồ nữ trang, thủy tinh và pha lê hiện đại được trưng bày trong một môi trường ngập tràn ánh sáng.

Mười năm trở lại đây, Lalique phát triển một cách nhanh chóng và liên tục cho mắt vô số bộ sưu tập đặc biệt thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau có thể kể đến như bộ sưu tập về đồ nội thất, phụ kiện trong nhà và đồ dùng gia đình.

Vào năm 2012, bộ sưu tập l’Odysée du Feu Sacré đã đánh dấu sự hiện thân mới của các mẫu nữ trang tinh xảo Lalique, đánh dấu sự quay trở lại của bậc thầy về kim hoàn mang tên René Lalique. Năm 2014, lần đầu tiên, Lalique trình diễn bộ sưu tập độc quyền bao gồm 5 loại nước hoa, được làm từ các thành phần có một không hai. Với sự ra mắt mang tính chiến lược, bộ sưu tập “Noir Premier”, Lalique viết lên một chương mới trong lịch sử của mình.

Ngoài ra Lalique còn hợp tác với Elton John, Bentley, Parmigiani và các thương hiệu hàng đầu trên thế giới cho ra mắt những bộ sưu tập Bespoke hay những vật trang trí không phai nhòa cùng thời gian.

DAUM

Khởi đầu là một công xưởng sản xuất thủy tinh ở vùng Nancy, Pháp, vào năm 1878, người sáng lập thương hiệu, Jean Daum, đã từng bước phát triển để biến nơi đây thành một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thương hiệu Daum.

Năm 1891, sau khi tiếp quản công việc kinh doanh, Antonin, con trai của Jean, đã nghiên cứu và phát triển kỹ thuật chế tác đặc trưng của thương hiệu. Ông là người cho ra đời những mẫu thiết kế lọ thủy tinh đầu tiên Daum, các tạo tác này được trang trí các cánh hoa cắt tỉa tinh xảo.

Đến năm 1930, khi được đặt hàng làm vật dụng pha lê cho con tàu Normandie, ông Michel, con trai của Antonin đã phát hiện một chất liệu mới làm từ hỗn hợp thủy tinh và chì, chính chất liệu này đã mở ra một chương mới cho thương hiệu bằng những sắc màu độc đáo bền bỉ cùng thời gian.

Được tạo thành từ tinh thể pha lê kết hợp 30% chì, tuy nhiên để hoàn thiện song song với chất liệu này, Daum phát triển một kỹ thuật tạo khối và viền không thể thực hiện với thủy tinh hay pha lê thông thường. Nhờ đó, hình dạng điêu khắc cũng như màu sắc của các tạo tác từ Daum luôn giữ được nét sắc sảo và tươi mới.

Để cho ra đời những tuyệt phẩm trang trí tinh xảo, người nghệ nhân của công xưởng sẽ phát họa ý tưởng trên giấy, sau đó tạo một mô hình bằng đất sét. Tất cả mọi chi tiết, khối lượng vật thể đều được tạo hình hoàn hảo, mô hình này sẽ được phủ một lớp khung cao su đàn hồi sau khi hoàn thành. Sau đó, một lớp sáp nóng sẽ được đổ trên khuôn cao su và cuối cùng là một lớp thạch cao chịu nhiệt.

Khối mô hình phức tạp này sẽ được đưa vào lò nung, trong quá trình nung, sáp bên trong thạch cao sẽ tan chảy qua các lỗ thoát đặc biệt trên bề mặt thạch cao, khuôn rỗng bên trong sẽ ngay lập tức đổ đầy bởi tinh thể pha lê lỏng. Mỗi tuyệt phẩm sẽ được kiểm tra chất lượng một cách khắt khe trước khi xuất xưởng và bước cuối cùng là khắc chữ Daum để đánh dấu sự hoàn thiện về chất lượng.

Những tác phẩm của Daum trong những năm gần đây có sự góp mặt của nhà thiết kế thủy tinh & pha lê người Pháp gốc Ý, Emilio Robba, ông đã thổi vào Daum một làn gió mới đầy màu sắc với những chiếc bình cắm hoa nghệ thuật hay những chiếc lá của vùng nhiệt đới phảng phất hơi thở của đương đại và thiên nhiên.

Để cho ra đời những tuyệt phẩm trang trí tinh xảo, người nghệ nhân của công xưởng sẽ phát họa ý tưởng trên giấy, sau đó tạo một mô hình bằng đất sét.

BẠN SẼ THÍCH

Nội thất

CESAR
Đỉnh Cao Của Tinh Tế Trong Thiết Kế Bếp

Deluxe Vietnam
Nội thất

DESIGN WEEK 2024
Khi Thời Trang Ẩn Mình Trong Nội Thất

Deluxe Vietnam
Nội thất

FURNITURE TRENDS IN 2024
Sống Giữa Những Không Gian Tươi Đẹp

Deluxe Vietnam
Nội thất

MILAN DESIGN WEEK 2024
Dạo Quanh Một Vòng “Vương Quốc Sáng Tạo” Milan

Deluxe Vietnam
Nội thất

BENTLEY HOME 2024 COLLECTION
Dấu Ấn Buổi Đầu Trong Thế Giới Home Office

Deluxe Vietnam

Xu hướng

Nhà cửa

XU HƯỚNG SÂN VƯỜN 2021
Hòa Mình Cùng Thiên Nhiên

Thảo Nguyên
Nhà cửa

XU HƯỚNG THIẾT KẾ 2021
Trọn Vẹn Một Mùa Yêu Thương

Hằng Nho
Văn Phòng

XU HƯỚNG VĂN PHÒNG 2021
Thi Vị Hóa Không Gian Làm Việc

Thảo Nguyên
Điểm đến

AMANSARA
Một Nét Hoài Niệm Về Đông Dương

Minh Quân
Điểm đến

BANYAN TREE
Vấn Vương Lòng Viễn Khách

Minh Quân
error: Content is protected !!