THE CHINESE CUTURAL HALL
Nét Cộng Hòa Giữa Hai Nền Văn Hóa
Hằng Nho 24 tháng 11,2021
Với mong muốn mang đến một không gian đậm chất Á Đông nhưng vẫn kết nối chặt chẽ và hài hòa với lối kiến trúc Tây Âu, Aoe Architects đã xây dựng Hội trường Văn hóa Trung Quốc như một điểm nhấn nổi bật của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Trung-Ý tại Thành Đô. Tôn vinh cảnh quan cổ kính xung quanh với rừng tre và ao nước thanh bình, dự án đã tối ưu các không gian mở và sử dụng nhiều chi tiết lấy cảm hứng từ thiên nhiên trong thiết kế.
H
ội trường Văn hóa Trung Quốc được kết nối với toàn bộ Trung tâm Giao lưu Văn hóa Trung-Ý qua con đường bằng đá nổi trên mặt nước; bao gồm hội trường đa chức năng, phòng họp, nhà hàng, phòng piano và phòng trà. Du khách có thể vừa dạo chơi giữa các địa điểm khác nhau của Trung tâm, vừa thả hồn vào không gian thiên nhiên thanh bình, yên ả để cảm nhận làn không khí trong lành nơi đây.Ý tưởng cho bố cục tổng thể của dự án được lấy từ “ruyi” – vật trang trí mà Trung Quốc thường tặng các sứ thần nước ngoài từ thời cổ đại để biểu thị sự thiết lập quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đồng thời, Hội trường Văn hóa Trung Quốc và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Trung-Ý đều sử dụng các hình vuông mô phỏng chữ Ý trong tiếng Trung làm nguyên mẫu. Đồng thời, để giữ vững tinh thần ban đầu của dự án: bảo tồn rừng tre, Aoe Architects đã đặt các cơ sở chức năng nằm rải rác giữa không gian xanh rộng lớn với phần trung tâm là một khu vườn mang phong cách kiến trúc Trung hiện đại để tạo ra một cảnh quan nội thất độc đáo.
Mỗi điểm tham quan trong Trung tâm Giao lưu Văn hóa Trung-Ý đều gợi ra một không gian thơ mộng, bay bổng. Phòng piano khéo léo ẩn mình dưới rừng trúc, vẽ nên khung cảnh đầy mê hoặc nơi những nốt nhạc du dương hòa cùng tiếng gió trong vắt và âm thanh xào xạc của lá tre, tựa một bản hòa ca mê say của thiên nhiên và con người. Phòng trà lại được đặt nổi giữa ao súng thơm ngát, ngập tràn ánh nắng, nhìn về hướng Tây và bao quát toàn bộ khuôn viên dự án. Lặng lẽ in bóng trên mặt nước, tòa nhà phụ mang đậm hơi thở kiến trúc Trung cổ khi sử dụng chất liệu gỗ truyền thống, đồng thời phảng phất nét hiện đại với lối thiết kế sử dụng hình khối tròn ấn tượng.
Lấy cảm hứng từ thư pháp Trung Quốc, thiết kế mái vòm hình chữ thập bằng gỗ được sử dụng xuyên suốt từ trong ra ngoài, nối đuôi nhau tạo cảm giác như đang hòa mình vào rừng tre; kết hợp cùng việc sử dụng tường kính đã hoàn toàn xóa nhòa ranh giới giữa không gian trong và ngoài nhà, giữa thiên nhiên, kiến trúc và con người. Đặc biệt, cả công trình chỉ sử dụng một lối đi liền mạch được trải dài từ hành lang, xuyên qua rừng tre và nối giữa các tòa nhà, nhìn từ trên cao tựa như nét vẽ tay tự do, phóng khoáng trong thư pháp Trung Quốc.
Dưới sức sáng tạo đáng kinh ngạc của Aoe Architects, Hội trường văn hóa Trung Quốc mang đến một trải nghiệm ánh sáng đậm chất nghệ thuật với khu hành lang hình tròn – nơi các khoảng sáng tối luân chuyển liên tục theo hướng mặt trời, khi đa dạng, linh hoạt khi lại yên tĩnh, trầm mặc. Một điểm đón nắng cũng gây ấn tượng không kém là những ô cửa sổ có thiết kế lấy cảm hứng từ giọt nước, mang đậm dấu ấn thiên nhiên. Thông qua thái độ trân trọng và tôn vinh vẻ đẹp của tự nhiên, công trình kiến trúc không chỉ mang đến một không gian ngập tràn ánh sáng, hương thơm và thanh âm mà còn thể hiện trí tuệ phương Đông của Đạo Giáo cũng như quan niệm về sự thống nhất giữa con người và thiên nhiên.
THÔNG TIN DỰ ÁN
Tên: Sino-Italian Cultural Exchange City Reception Hall – The Chinese Cultural Hall
Địa điểm: Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc
Thiết kế kiến trúc: Aoe Architects
Khách hàng: Tianfu Investment Group Co., Ltd
Kỹ sư kết cấu: CSCEC AECOM Consultants Co., Ltd