KAREN ARUBA
Câu Chuyện Của Những Quân Mạt Chược
Deluxe Vietnam 17 tháng 12,2024
Bất kỳ ai chơi mạt chược đều biết, “cảm giác” khi cầm các quân mạt chược trên tay có thể ảnh hưởng lớn đến toàn bộ quá trình tận hưởng ván bài. Hiện nay, hầu như tất cả các bộ mạt chuộc đều được sản xuất hàng loạt bằng máy móc. Tuy nhiên, tại Hồng Kông, nghệ nhân Karen Aruba đang nỗ lực phục hồi nghề làm quân bài mạt chược bằng tay, một nghề gần như đã bị thất truyền.
M
ạt chược thực sự là một sản phẩm văn hóa của Hồng Kông, tuy nhiên rất ít người ở đây vẫn còn theo nghề. Nếu tôi không nỗ lực kể lại câu chuyện của họ, nghề này chắc chắn sẽ bị lãng quên – Karen Aruba, thành viên thế hệ thứ ba trong gia đình làm bài mạt chược cho biết.“Khi còn nhỏ, tôi thấy các thành viên trong gia đình chăm chỉ làm nghề. Nhưng sau đó, mọi người nhận ra rằng những thứ này có thể được làm bằng máy. Gia đình tôi rất yêu thích việc khắc quân mạt chược nên khi ngành này dần suy yếu, tôi cảm thấy thật sự tiếc nuối” – cô chia sẻ.
Cô đã thành lập Karen Aruba Art vào năm 2016 để thiết kế và tạo ra các bộ bài với hy vọng khôi phục sự quan tâm của mọi người đối với khía cạnh văn hóa rất Hồng Kông này. Năm 2014, nghề thủ công này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thành phố, nhưng hiện nay chỉ còn rất ít nghệ nhân còn duy trì.
Với một số ít nghệ nhân còn lại ở Hồng Kông, Karen đã phải thuyết phục cha mình, Ricky Cheung, tạm ngừng việc nghỉ hưu để quay lại với công việc mà ông yêu thích.
“Tôi thật sự muốn quay lại với cội nguồn nên đã tập trung vào việc giúp mọi người biết đến những câu chuyện và ý nghĩa đứng sau những quân bài của chúng tôi, bởi vì một nghệ nhân bậc thầy đã cống hiến cả cuộc đời để điêu khắc hoặc tô màu cho những quân bài đẹp đẽ này,” cô chia sẻ.
Trong quá trình nghiên cứu về lịch sử bài mạt chược địa phương, Aruba nhận ra rằng gia đình cô không để lại bất kỳ bức ảnh hoặc tài liệu nào cho cô làm việc, và bà của cô đã vô tình vứt đi các công cụ cần thiết.
“Tôi đã gặp khó khăn khi tìm đến những bậc thầy. Tôi đã hỏi họ liệu họ có thể cho tôi mượn công cụ không. Sau khi nghe tên ông nội tôi, họ đã tặng tôi công cụ vì họ nghĩ rằng tôi có thể tiếp nối những kỷ niệm và nghề nghiệp của họ. Khoảnh khắc đó thật xúc động” – cô cho biết.
Đó là lúc cô nhận ra rằng việc phục hồi nghề truyền thống này còn mang mục tiêu cao cả hơn. “Tôi cảm thấy rằng mỗi tác phẩm đều có một câu chuyện đứng sau. Chúng âm thầm truyền tải cách mọi người hợp tác cùng nhau để tạo ra một thứ gì đó, từ đó làm nổi bật giá trị bên trong của nghệ thuật và nghề thủ công” – cô cho biết.
Ngay cả một nét khắc đơn giản cũng mất nhiều thời gian để thành thạo. Cheung, một nghệ nhân bậc thầy đã chia sẻ: “Bài mạt chược làm bằng tay là một kỹ năng gần như đã bị lãng quên ở Hồng Kông, và việc học hỏi tiêu tốn rất nhiều thời gian. Bạn cần vài năm để nắm vững cách khắc một quân bài bằng tay” – ông khẳng định.
Ngay cả khi đã có sẵn nhiều năm kinh nghiệm, ông cũng không tự tin trở lại với nghề. “Nhưng tôi đã bị cuốn hút bởi những thiết kế đẹp của Karen khi cô ấy mời tôi thử khắc một số ký tự đơn giản. Tôi đã không sử dụng kỹ năng của mình trong hơn 10 năm, nhưng tôi vẫn thử. Chúng tôi nhận lại phản hồi rất tốt và thậm chí đã giành được một giải thưởng. Điều đó đã giúp tôi cảm thấy tự tin hơn để quay lại với nghề truyền thống này.”
Nghề làm quân bài mạt chược hiếm đến mức ngay cả các công cụ như khoan, dụng cụ nạo và đèn cũng rất khó kiếm, không thể mua mà phải tự làm bằng tay. “Các thanh thép cần được mài phẳng và mài sắc (trước khi dùng để khắc). Một mũi khoan thủ công tạo hình riêng sẽ được sử dụng để làm các ký tự Hình tròn, sau đó chúng tôi dùng dụng cụ nạo để làm các ký tự Tre trước khi hoàn thiện,” ông giải thích.
Đây là một quá trình tỉ mỉ và có thể mất từ một đến hai tuần để Cheung hoàn thành một bộ 144 quân bài. Trước đây, ông có thể khắc vài bộ trong một ngày, nhưng giờ chỉ làm một bộ mỗi lần do thị lực giảm sút.
Vài năm trước, Aruba bắt đầu thử nghiệm với việc tạo ra những thiết kế quân bài độc đáo thể hiện các địa điểm khác nhau ở Hồng Kông. Cô nhận thấy được nhu cầu từ những người yêu thích bài mạt chược ở nước ngoài đối với những bài thủ công của họ. Một giáo sư đại học thậm chí đã yêu cầu bộ bài theo chủ đề Greenland, từ đó khơi gợi cảm hứng cho cô thiết kế thêm nhiều bộ khác như Canada hoặc Hồng Kông.
“Tôi rất thích vẽ thành phố Hồng Kông và các khung cảnh ven cảng, vì tôi cảm thấy trong sự nhộn nhịp ấy có nhiều câu chuyện ấm áp và kỷ niệm về quá khứ của thành phố. Bài mạt chược có một lịch sử dài ở Hồng Kông nên tôi cảm thấy mình nên đưa vào đây những hình ảnh gần gũi với người dân địa phương, cũng như các thiết kế làm họ vui vẻ như món dim sum, các quầy hàng rong hay các cảnh phố phường.”
Cô và cha mình cũng tổ chức các triển lãm và hội thảo nhằm lan tỏa đến mọi người về nghề làm mạt chược và tạo ra các sản phẩm lưu niệm và đồ trang trí để thu hút nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Tất cả những nỗ lực này nhằm lưu giữ kỹ năng nghề nghiệp và truyền lại cho thế hệ mai sau.