JEAN-MICHEL BASQUIAT
Gia Tài Của Một Biểu Tượng Văn Hóa
Hằng Nho 21 tháng 12,2021
Những người yêu thích hội họa chắc hẳn đã từng nghe đến cái tên Jean-Michel Basquiat – người họa sĩ gốc Phi đầu tiên trở thành ngôi sao nghệ thuật mang tầm quốc tế. Tuy rằng sự nghiệp của Jean-Michel Basquiat chỉ kéo dài chưa đầy một thập kỷ bởi cái chết bi thảm của ông vào năm 1988, cố họa sĩ vẫn để lại cho thế giới cả một gia tài nghệ thuật và trở thành biểu tượng văn hóa cho thế hệ của mình.
C
ó thể nói, khoảng thời gian 1980 – 1984 là thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của Jean-Michel Basquiat với dấu ấn phong cách không thể nhầm lẫn của ông trong giới nghệ thuật đương đại. Bước đột phá lớn đầu tiên của Basquiat là tháng 6 năm 1980, khi tác phẩm của ông được đưa vào The Times Square Show – triển lãm giới thiệu nghệ thuật đương đại mới do Collaborative Projects, Inc. tổ chức tại New York.Năm 1982 đánh dấu buổi trình diễn cá nhân đầu tiên của Basquiat và đến năm 1983, ông gia nhập đội của cựu giám tuyển Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan là Henry Geldzahler và gây tiếng vang với một bài phỏng vấn trên tạp chí Interview. Dù còn trẻ nhưng sức sáng tạo đáng kinh ngạc cùng sự nhạy bén với chính trị đã đưa Basquiat trở thành một trong những cái tên hàng đầu trong việc xóa bỏ ranh giới giữa nghệ thuật đường phố – bộ môn được cho là “nghệ thuật thấp” và “hội họa cao cấp”.
Năm 1988, thời điểm mà Basquiat qua đời khi chỉ mới 28 tuổi và dù chặng đường làm nghệ thuật ngắn ngủi nhưng cũng không thể làm giảm đi sức sống mãnh liệt của gia tài nghệ thuật mà ông để lại, Basquiat đã trở thành một trong những nghệ sĩ hàng đầu của New York. Trong những thập kỷ tiếp theo, Basquiat là một trong những nghệ sĩ được đánh giá cao nhất trên thị trường nghệ thuật và tác phẩm của ông thường xuyên được bán với giá hàng chục triệu USD khi đấu giá. Hãy cùng Deluxe điểm qua 5 tác phẩm đắt đỏ nhất của người họa sĩ tài ba này nhé.
UNTITLED, 1982
Untitled 1982 là tác phẩm đắt giá nhất của Basquiat được bán với giá 110,5 triệu USD trong buổi đấu giá nghệ thuật đương đại của Sotheby’s New York vào tháng 5 năm 2017, vượt xa mức ước tính cao trước khi bán là 60 triệu USD. Ra đời vào thời kỳ danh tiếng của Basquiat đang lên, tác phẩm nghệ thuật có hình dạng giống đầu lâu khổng lồ trên nền màu xanh lam lạ mắt. Sau khi bán, bức tranh được ghi nhận là một trong 10 tác phẩm đắt giá nhất mọi thời đại.
IN THIS CASE, 1983
In This Case thuộc bộ ba tác phẩm đầu lâu cùng bộ với Untitled 1982 và được bán bởi người đồng sáng lập Valentino – Giancarlo Giammetti tại triển lãm nghệ thuật New York 20th Century của vào tháng 5 năm 2021 với sự tham gia của 8 nhà thầu. Bức tranh cuối cùng đã thuộc về một người đấu giá qua điện thoại với chuyên gia nghệ thuật đương đại Ana Maria Celis, được định giá 93,1 triệu USD.
UNTITLED (DEVIL), 1982
Năm 1982, khi Basquiat đang tạo ra Untitled (Devil) , ông đã bắt đầu đến Los Angeles, gặp gỡ những nhà sưu tập – một trong những người chơi có ảnh hưởng nhất trong ngành nghệ thuật. Khi Lindemann – chủ sở hữu của Untitled (Devil) mang bức tranh ra đấu giá vào tháng 5 năm 2016, đây được cho là một quyết định khó hiểu bởi tại thời điểm đó, thị trường tranh Basquiat đang sụt giá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ sự bảo lãnh của Christie’s, ông đã thành công bán Untitled (Devil) cho nhà sưu tập Yusaku Maezawa với giá 57,3 triệu USD, vượt mức ước tính ban đầu là 40 triệu USD.
VERSUS MEDICI, 1982
Versus Medici được chào bán với giá ước tính khoảng 35 triệu USD tại sự kiện Sotheby’s Marathon Evening Sale. Tác phẩm cuối cùng đã thuộc về một người đấu giá qua điện thoại với chủ tịch Lisa Dennison của Sotheby’s Americas với giá ngả búa là 44 triệu USD hay 50,8 triệu USD bao gồm phí mua hộ. Chủ nhân của bức tranh sau đó được tiết lộ là một nhà sưu tập lớn – ông trùm sòng bạc Steve Wynn.
DUSTHEADS, 1982
Dustheads được bán với giá 48,8 triệu USD vào tháng 5 năm 2013 – thời điểm tăng giá của các tác phẩm Basquiat và kiếm được nhiều hơn 20 triệu USD so với một tác phẩm khác được bán vào tháng 11 cùng năm. Được biết, bức tranh được bán bởi nhà sưu tập Tiqui Atencio đến từ London – người đã mua tác phẩm từ Phòng trưng bày Tony Shafrazi vào năm 1996. Trong một bài đánh giá năm 1996 được đăng trên ARTnews về buổi trưng bày của Shafrazi, nhà phê bình Elizabeth Hayt đã gọi bức tranh là “biểu tượng của cơn thịnh nộ và kinh hoàng”.
Người mua tác phẩm nghệ thuật này sau đó được tiết lộ là nhà tài chính đến từ Malaysia Jho Low; tuy nhiên, sau khi bị cáo buộc biển thủ quỹ từ 1Malaysia Development Berhad – một công ty do chính phủ điều hành, để chi trả cho các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao của mình, Low đã sử dụng Dustheads làm tài sản thế chấp cho một khoản vay từ chi nhánh dịch vụ tài chính của Sotheby’s để đóng du thuyền. Bởi vì Low không trả được nợ, tác phẩm nghệ thuật được Sotheby’s bán lại cho nhà quản lý quỹ đầu cơ của D1 Capital, Daniel Sundheim với mức giá chỉ 35 triệu USD.