ONE WALL STREET
Hưởng Thụ Tinh Hoa Giữa Thủ Đô Tài Chính
Deluxe Vietnam 18 tháng 01,2023
Cuộc cải tạo chuyển đổi văn phòng thành tòa nhà ở lớn nhất trong lịch sử đã diễn ra ở One Wall Street, ngay tại trái tim của thành phố New York hoa lệ. Sau bốn năm người dân phải di chuyển dưới những dàn giáo khổng lổ của đại công trình thì nay dự án đã bước vào giai đoạn hoàn tất, sẵn sàng chào đón một lượng lớn cư dân thượng lưu bước vào tận hưởng những dịch vụ đẳng cấp thế giới bên trong.
T
òa nhà One Wall Street được bao quanh bởi những địa danh “vàng son” không chỉ của New York mà còn của cả thế giới: sàn giao dịch chứng khoán New York nằm về phía đông nam, sân khấu Broadway ở phía đối diện và khuôn viên của Nhà thờ Trinity nằm ở góc phía bắc. Đây còn là một địa điểm thu hút với giới đam mê lịch sử bởi họ có thể tham quan khu mộ của Alexander Hamilton. Hơn 30 tỷ đô la Mỹ đã được đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản ở trung tâm thành phố trong thập kỷ qua, dẫn đến sự hồi sinh của thị trường bất động sản ở trung tâm thành phố và các ý tưởng kinh doanh cho giới khởi nghiệp.ONE WALL STREET, MỘT BIỂU TƯỢNG KIẾN TRÚC HUY HOÀNG
Từng được gọi bằng cái tên Tòa nhà Irving Trust, kiến trúc khổng lồ này được hoàn thành vào năm 1931 cho khách hàng là Công ty Irving Trust. Cùng với những tòa nhà nổi tiếng cùng thời như Empire State, Chrysler và Trung tâm Rockefeller — chúng đã góp phần mở rộng đường chân trời cao chót vót của Thành phố New York ngay giữa tâm điểm của cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Vào thời điểm đó, phong cách Art Deco đã thống trị kiến trúc tòa nhà, bằng chứng là sự xuất hiện của các đường viền góc cạnh, các tòa tháp thẳng đứng với tổ hợp trụ bậc thang và một loạt các khoảng lùi tạo ra không gian và sự cân bằng về phía trên cùng – tất cả góp phần hoàn thiện hình dáng thon gọn của tòa nhà. Irving Trust đã đổi chủ vào năm 1988 sau khi chính thức trở thành trụ sở của Ngân hàng New York Mellon, sau đó đến năm 2014 thuộc quyền sở hữu của ông trùm bất động sản Harry Macklowe và được đặt tên là One Wall Street.
Sau quá trình gần một thế kỷ sử dụng cũng như trở thành công trình biểu tượng không thể thiếu của New York, phần lớn One Wall Street đã trải qua quá trình trùng tu và bảo tồn. Bước ra khỏi những bậc thang lát đá cuội thong dong bước vào sảnh chính, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một chiếc kính vạn hoa khảm gam màu đỏ, cam và vàng; mở ra một không gian rộng gần 500m2 . One Wall Street gọi đây là “Căn phòng màu đỏ” được kiến tạo bởi họa sĩ vẽ tranh tường Hildreth Meire vào năm 1929. Theo tài liệu lưu trữ, Irving Trust Co. khi đó muốn tạo ra một khu vực tiếp tân “hấp dẫn và thân thiện” cho khách hàng nói riêng và công chúng nói chung. Tiền sảnh cũng đóng vai trò là nơi trưng bày các mô hình tòa nhà của One Wall Street, nơi những chiếc khăn xếp bằng lá vàng ánh lên độ bóng mượt mà khi ánh sáng ấm áp chiếu vào các mảng màu sắc.
HÀNH TRÌNH BIẾN ĐỔI TỪ VĂN PHÒNG CHO ĐẾN CĂN HỘ
Với chiều cao 56 tầng, tòa nhà thương mại một thời hiện đang được phân bổ thành 566 căn hộ (từ căn hộ dạng studio đến 4 phòng ngủ), tám nhà bán lẻ bao gồm Siêu thị Whole Foods mới (chi nhánh lớn nhất trong thành phố), và các không gian chức năng tiện nghi của The One Club. Điều này cho phép cư dân tòa nhà có thể tham gia vào các câu lạc bộ thể thao (nơi họ có quyền thành viên ưu tiên), spa, không gian làm việc chung (co-working) và dịch vụ trợ giúp đặc biệt. Trong khi đó, từ tầng 38 trở lên, cư dân còn được thưởng thức tầm nhìn không bị cản trở ra ra Sông Hudson, hồ bơi, sân trong và không gian xanh trên sân thượng.
Đỉnh cao không thể không nhắc tới của cả tòa nhà chính là căn hộ áp mái duy nhất trải rộng suốt ba tầng, kiêu hãnh mang đến cho chủ sở hữu tầm nhìn không giới hạn bao quát xuyên suốt từ trần nhà đến sàn. Giám đốc Kiến trúc tại Macklowe Properties, Lilla Smith, cho biết căn hộ áp mái này vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Còn gì thú vị hơn khi chính tầng lầu đã từng là phòng họp danh giá dành cho giới thượng lưu ngân hàng tài chính trong thời kỳ sơ khai giờ đây lại trở thành một phòng khách tuyệt đẹp? Dấu ấn cổ điển vẫn còn được các kiến trúc sư khéo léo giữ gìn qua chi tiết chiếc lò sưởi nguyên bản từ xa xưa.
Phần nội thất của các căn hộ còn lại trong tòa nhà được Yellow House Architects đảm nhận. Nhà sáng lập và Kiến trúc sư chính, Elizabeth Graziolo, đã trình bày bản thiết kế căn hộ bốn phòng ngủ được ứng dụng phong cách chiết trung tương phản hoàn toàn với mặt tiền bằng đá vôi màu be. “Tôi yêu thích các màu sắc rực rỡ. Thế nhưng, chủ nhà là ngài Macklowe lại thích tông màu trầm hơn. Vì vậy, tôi đã thỏa hiệp bằng cách kết hợp các kết cấu thay thế”. Trần nhà trong phòng ngủ nhỏ được thực hiện theo kết cấu dệt và ghế sofa trong phòng làm việc lại được bọc nhung một cách tối giản. Nhưng điều đó không có nghĩa căn hộ là một thế giới đơn sắc nhàm chán. Chúng ta vẫn có thể tìm thấy màu sắc sinh động trên những bức tường được quét vôi trong nhà bếp, và có lẽ toàn bộ tinh thần nổi loạn của nhà thiết kế Graziolo được thể hiện trọn vẹn trong phòng tắm dành cho khách được “tô” màu mận sống động.
Sẽ thật tuyệt vời khi sở hữu một căn hộ nơi đây, nằm dài trên chiếc ghế xinh đẹp do Philipp Aduatz thiết kế, nhấm nháp một ly vang đỏ và ngắm nhìn hoàng hôn tráng lệ giữa con phố phồn hoa không chỉ bậc nhất nước Mỹ mà còn trên cả thế giới.