CRYPTO ART
Khi Công Nghệ Bùng Nổ Trong Nghệ Thuật
Hằng Nho 30 tháng 07,2021
Ngày nay, chỉ cần một cú nhấp chuột, ta dễ dàng tiếp cận vô vàn thông tin, giao tiếp với người ở cách nửa vòng trái đất hoặc bỗng chốc trở thành tỷ phú qua một giao dịch bitcoin hay tiền điện tử. Không chỉ giới hạn trong cú nhấp chuột, công nghệ 4.0 hiện dẫn đưa những nhà đầu tư thông thái giờ đây phần lớn là họa sỹ, nhà thiết kế, nhà sưu tập nghệ thuật đi vào thế giới chứa đầy ẩn số Crypto Art và những sàn giao dịch đấu giá online. Ở đó, những tác phẩm nghệ thuật được mã hóa và xác nhận dưới dạng NFTs (Non Fungible Token) thông qua công nghệ Blockchain, dễ dàng trong việc lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật cũng như mang lại sự khan hiếm và minh bạch trong giao dịch nghệ thuật thời đại số này.
P
hần lớn thời gian vừa qua, chúng ta phải sống tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới, nhưng không khó để nhận ra rằng Crypto Art đã bùng nổ mạnh mẽ và làm khuynh đảo cả thế giới nghệ thuật. Nhà đấu giá lớn đầu tiên – Christie’s – tiến vào thị trường nghệ thuật tiền điện tử mới nổi để cung cấp NFT (Non-Fungible Token – token không thể thay thế), chứng tỏ thành công ngoài sức tưởng tượng, khi tác phẩm nghệ thuật được bán với giá hơn 69 triệu đô la Mỹ vào ngày 11 tháng 3 năm 2021. Nhưng thị trường kỹ thuật số và công nghệ đằng sau đã thuộc quyền sử dụng của các nghệ sỹ trong nhiều năm nay.CRYPTO ART
SÂN CHƠI TỰ DO VÀ SÁNG TẠO…
NFTs lần đầu tiên đạt được nhận thức chính thống vào năm 2017 thông qua sự thành công của các trò chơi sưu tầm tiền điện tử ban đầu như CryptoKitties cho phép người chơi mua, thu thập, nhân giống và bán mèo ảo. Một tác phẩm Crypto Art riêng lẻ cũng giống như cách phân biệt với các tài sản tiền điện tử khác, có thể hoán đổi cho nhau, bao gồm các loại tiền tệ như Bitcoin và Ethereum, bởi tính chất đặc biệt.
Cuối cùng, nó là một hồ sơ trên blockchain mã hóa nguồn gốc, còn gọi là một hợp đồng thông minh xác định các điều kiện chuyển giao. Các chứng thực có thể được áp dụng cho hình ảnh, video, nhạc và các tệp kỹ thuật số khác, định rõ bản gốc. NFTs rất “quyền lực” vì chúng giải quyết các vấn đề bắt nguồn từ sâu xa trong lĩnh vực kỹ thuật số, cụ thể là quyền sở hữu và bồi thường: trong khi một lượng lớn các bản sao kỹ thuật số có thể có rất nhiều trên web, nhưng chỉ một người có thể yêu cầu quyền sở hữu phía sau NFTs.
Kể từ đó, chúng ta đã chứng kiến NFTs tương tác phát triển để bao gồm một hệ sinh thái mới nổi gồm các nghệ sỹ đang sử dụng các nền tảng mới như SuperRare, Nifty Gateway hoặc Rarible phục vụ việc mã hóa tác phẩm nghệ thuật và bán chúng cho thế hệ nhà sưu tập nghệ thuật mới. Các nền tảng này đã được mô tả là đang hạ thấp rào cản gia nhập đối với các nghệ sỹ cũng như nhà sưu tập mua, bán mã thông báo đại diện cho tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh rất khốc liệt, đến mức chỉ những nghệ sỹ cùng người sáng tạo đã có danh tiếng mới có thể làm lên các headline và kiếm tiền khi có cơ hội. Ví dụ, ca – nhạc sỹ người Canada, Grimes, đã chốt hạ 5,8 triệu đô la Mỹ cho tác phẩm tiền điện tử NFTs trong vòng chưa đầy 20 phút. Trong khi đó, một nhóm các nhà giao dịch tài chính với biệt danh Injective Protocol đã mua và thiêu rụi bản gốc Morons (2006) của nghệ sỹ đường phố Banksy với giá 95.000 đô la Mỹ để biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật NFTs có thể có giá trị hơn cũng như “truyền cảm hứng cho những người đam mê công nghệ và nghệ sỹ”. Vài ngày sau, người sáng lập Twitter Jack Dorsey quyết định bán đấu giá tweet đầu tiên trên thế giới dưới dạng NFTs với giá 2,5 triệu đô la Mỹ. Tại Bắc Kinh, triển lãm nghệ thuật NFTs đầu tiên trên thế giới cũng đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại UCCA.
Hơn tất cả, giao dịch của họa sỹ Mike Winkelmann có nghệ danh Beeple, chắc chắn là một bước ngoặt đối với thị trường nghệ thuật tiền điện tử đã đi từ chỉ vài nghìn đô la lên hơn 300 triệu đô la trong năm qua theo cryptoart. io. Phiên bản độc đáo của ảnh ghép kỹ thuật số Beeple’s Everydays: The First 5000 Days (2021) đã đến với cuộc đấu giá lịch sử của Christie’s, bao gồm các bức vẽ hưởng ứng các sự kiện hiện tại, lồng ghép những cảnh siêu thực về các chính trị gia như Donald Trump, Mao Trạch Đông, cùng phim hoạt hình Pokémon, chuột Mickey và Buzz Lightyear.
Dự án Everydays bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 năm 2007, khi người họa sỹ này đặt mục tiêu sáng tạo, xuất bản một tác phẩm nghệ thuật mới mỗi ngày và đã không ngừng làm như vậy kể từ đó. Thành công gần đây của ông không phải là điều dễ hiểu, vì 21 tác phẩm gốc từ series này đã kiếm được 3,5 triệu đô la Mỹ vào tháng 12 năm 2020 trong một cuộc đấu giá với nền tảng nghệ thuật tiền điện tử Nifty Gateway.
…VÀ NHỮNG RỦI RO TIỀM ẨN
Khả năng mang lại sự độc đáo của NFTs đã dẫn đến sự bùng nổ về năng lực sưu tầm của nghệ thuật kỹ thuật số. Trước đây, bất kỳ ai cũng có thể sao chép một hình ảnh với số lần vô hạn, khiến cho việc tạo ra nhận thức về sự khan hiếm hay giá trị là điều không thể. Nói cách khác, NFTs đã đưa ra một giải pháp tối ưu để xây dựng một thị trường lành mạnh. Nhưng trong khi chờ đợi, vẫn có rất nhiều vấn đề tiềm ẩn.
Trong khi nền kinh tế tiền điện tử phát triển mạnh nhờ lối nói hoa mỹ về tự do và dân chủ hóa, thì công nghệ cơ bản lại cực kỳ phức tạp cũng như phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng vật lý nằm rải rác trên toàn cầu. Bên cạnh đó, khi nói đến quyền sở hữu, một thực tế quan trọng thường bị bỏ qua khi giao dịch với NFTs đó là sở hữu NFTs về cơ bản có nghĩa là chỉ sở hữu số hàng tồn kho chứ không phải bản thân tài sản. Token tập trung vào địa chỉ của tệp kỹ thuật số trên một trang web lưu trữ độc lập với bất kỳ blockchain (chuỗi khối) nào.
Điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống tệp dễ bị tấn công hơn này bị hack hoặc các doanh nghiệp đang điều hành bằng cách nào đó phá sản và bán chúng đi? Sau đó, NFTs có thể dịch chuyển khỏi tác phẩm nghệ thuật? Niềm tin ở đâu trong thị trường nghệ thuật tiền điện tử trị giá 300 triệu đô la Mỹ?
Hơn nữa, với việc không phải đi lại và chủ yếu là phân phối kỹ thuật số, thị trường mới dường như có tiềm năng trở thành một hoạt động bền vững cho thế giới nghệ thuật. Dù vậy, các thuật toán cơ bản đòi hỏi sử dụng máy tính với cường độ lớn, đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều chi phí môi trường và sinh thái không hợp lý. “Tôi hiểu lý do tại sao họ muốn trải nghiệm vì họ có thể sẵn sàng cho cuộc chơi thú vị này”, Joanie Lemercier chia sẻ cùng tạp chí Wired trong một cuộc phỏng vấn. Nghệ sỹ người Pháp nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc ánh sáng định hướng nhận thức của mình, sau khi biết về lượng khí thải carbon, đã từ bỏ kế hoạch thu về 200.000 đô la Mỹ và đảm nhận vai trò mới là một nhà hoạt động tích cực vì môi trường.
Điều cần làm bây giờ là tự giáo dục bản thân về cơ chế thị trường mới gây rối loạn này và hiểu những ý định chính đằng sau sự bùng nổ. Các thành viên của hệ sinh thái nghệ thuật tiền điện tử cần đưa ra những lựa chọn tích cực trong cộng đồng của họ cũng như sẵn sàng để thúc đẩy động lực hướng tới một tương lai bền vững và có ý nghĩa. Nếu không, tất cả có thể nhanh chóng trở thành vùng đất hoang internet mới.