KIẾN TRÚC ĐƯƠNG ĐẠI

Minh Quân 29 tháng 06,2021

Kiến trúc đương đại hiện đang là xu hướng kiến trúc của thế kỷ 21. Đơn giản mà phức tạp, những công trình kiến trúc vĩ đại nổi bật như một biểu tượng vượt thời gian. Với những tòa tháp được thiết kế mang hình dáng đặc trưng, chất liệu lạ thường và giữa muôn vàn nền kiến trúc khác trên thế giới, chúng khác biệt và không thể nhầm lẫn ở giữa những thể loại kiến trúc khác.

X

u hướng kiến trúc này được thể hiện ở nhiều phong cách khác nhau, từ kiến trúc hậu hiện đại và hi-tech (kiến trúc công nghệ cao) hướng đến các ý tưởng chủ đạo, đong đầy cảm xúc, tựa như một tác phẩm điêu khắc trên bầu trời. Những phong cách và xu hướng này đều có điểm chung trong cách vận hành công nghệ rất tiên tiến và sử dụng các vật liệu xây dựng hiện đại, như cấu trúc dạng ống để các tòa nhà có thể xây ngày càng cao, nhẹ và vững chắc hơn những tòa nhà hồi thế kỷ 20. Ngoài ra, việc vận dụng các kỹ thuật thiết kế trên công nghệ máy tính bằng các chương trình và biểu đồ hiện đại giúp các tòa nhà được thiết kế và mô phỏng trên máy tính với không gian ba chiều chính xác và người kiến trúc sư có thể hình dung công trình của mình hoàn thiện mang hình dáng như thế nào.

Các công trình kiến trúc đương đại được các nhà thiết kế tạo ra để gây ấn tượng và kinh ngạc. Một vài công trình có kết cấu bằng bê tông được bọc lớp kính hay nhôm, bất đối xứng phần console nhô lơ lửng ra mặt đường hóa ra lại là điểm nhấn. Các tòa nhà chọc trời được xây theo hình xoắn ốc cùng các mặt tòa nhà giống như những mảnh thủy tinh rạn vỡ. Mặt ngoài công trình được chủ ý thiết kế sao cho tỏa sáng lung linh khi gió thổi hay có thể đổi màu vào những thời điểm khác nhau trong ngày.

Pavilion Bridge -Zaragoza, Tây Ban Nha

Trong khi các công trình kiến trúc hiện đại lớn của thế kỷ 20 hầu hết tập trung ở Hoa Kỳ và Tây Âu là các công trình kiến trúc đương đại phổ biến trên toàn cầu được tạo nên bởi những bậc kiến trúc sư đại tài của thế kỷ. Ngoài ra, các tòa nhà trọng điểm của các thành phố mới đã được xây lên ở Trung Quốc, Nga, Mỹ Latinh và đặc biệt là ở Trung Đông đang trở nên thời thượng khi họ mời những bậc thầy để tạo nên “hòn ngọc” biểu tượng của quốc gia. Công trình Burj Khalifa ở Dubai là tòa nhà cao nhất thế giới năm 2016 và Tháp Truyền hình Thượng Hải ở Trung Quốc là tòa nhà cao thứ hai thế giới.

Hầu hết các danh lam kiến trúc đương đại đều là các công trình của một nhóm nhỏ các kiến trúc sư làm việc trên quy mô quốc tế. Có rất nhiều công trình là do các kiến trúc sư vốn dĩ đã nổi tiếng cuối thế kỷ 20, trong đó có Mario Botta, Frank Gehry, Jean Nouvel, Norman Foster, Ieoh Ming Pei và Renzo Piano. Ngoài ra, các công trình khác là tác phẩm của thế hệ mới sinh ra sau Thế Chiến thứ II, trong đó có Zaha Hadid, Santiago Calatrava, Daniel Libeskind, Jacques Herzog, Pierre de Meuron, Rem Koolhaas, và Shigeru Ban. Các dự án khác là công trình của tập thể một số kiến trúc sư như UNStudio và SANAA, hay các đại lý đa quốc gia khổng lồ như Skidmore, Owings & Merrill với 30 kiến trúc sư cộng tác và nhiều nhóm lớn gồm kỹ sư cùng nhà thiết kế, và Gensler với 5.000 nhân viên trên 16 quốc gia.

BẢO TÀNG

Một vài bảo tàng nghệ thuật nằm trong số những công trình kiến trúc đương đại gây ấn tượng nhất, đại diện cho kiến trúc điêu khắc và là công trình điển hình của phần lớn các kiến trúc sư. Tòa nhà Quadracci Pavillion của Bảo tàng Nghệ thuật Milwaukee ở Milwaukee, Wisconsin được kiến trúc sư người Tây Ban Nha, Santiago Calatrava, thiết kế. Vào ban ngày, tòa nhà có tấm chắn nắng tựa như chiếc cánh mở ra với độ sải 217ft (66m). Đến tối hoặc khi thời tiết xấu, tấm chắn này gấp lại trên công trình kiến trúc cao chót vót hình cánh cung.

Trung tâm Nghệ thuật Walker ở Minneapolis (2005) được các kiến trúc sư người Thụy Sỹ, Herzog & de Meuron, thiết kế. Họ từng thiết kế Tate Modern ở London và đoạt Giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 2001, giải thưởng uy tín nhất trong giới kiến trúc. Công trình này hiện đại hóa và đem lại nét tương phản với công trình kiến trúc hiện đại mộc mạc trước đây được Edward Larrabee Barnes thiết kế. Họ đã xây thêm tòa nhà năm tầng bọc bằng những tấm nhôm xám điêu khắc hết sức tinh tế, đổi màu khi ánh sáng thay đổi.

Kiến trúc sư người Mỹ gốc Ba Lan, Daniel Libeskind (sinh năm 1946) là một trong những kiến trúc sư có nhiều công trình bảo tàng đương đại nhất. Ông từng là giảng viên đại học trước khi bắt tay vào thiết kế tòa nhà. Ông còn là một trong những người đề xướng học thuyết kiến trúc Giải tỏa kết cấu. Tòa nhà Bảo tàng Chiến tranh Imperial phía Bắc tại Manchester, Anh (2002) của ông, tùy vào ánh sáng và thời điểm trong ngày, sẽ có dáng vẻ tựa như mảnh áo giáp khổng lồ và rạn vỡ của trái đất, tượng trưng cho sức tàn phá của chiến tranh. Năm 2006, Libeskind hoàn thiện Tòa nhà Hamilton của Bảo tàng Nghệ thuật Denver ở Denver, bang Colorado, Mỹ. Công trình này bao gồm 20 mặt phẳng nghiêng, không cái nào song song hay vuông góc với nhau và được bọc bằng các tấm titan rộng 230.000 ft2. Bên trong, các bức tường nhà rất khác biệt, nghiêng ngả và không đối xứng. Libeskind ngoài ra còn hoàn thiện một bảo tàng hết sức ấn tượng khác là Bảo tàng Royal Ontario ở Toronto, Ontario, Canada (2007). Công trình này còn được biết đến với cái tên “Pha lê” vì kết cấu của nó tựa như pha lê vỡ nát. Các công trình bảo tàng của Libeskind vừa được tán thưởng, vừa bị chỉ trích. Trong khi khen ngợi nhiều đặc điểm của Bảo tàng Nghệ thuật Denver, nhà phê bình kiến trúc của tờ New York Times, Nicolai Ouroussoff, đã viết rằng: “Trong tòa nhà tường thì nghiêng ngả, phòng ốc thì không đối xứng – ý tưởng bóp méo hình dạng được tạo ra hoàn toàn bằng nghiên cứu hình học – quả thật gần như bất khả thi để thưởng thức nghệ thuật.”

Imperial War Museum North – Manchester, Anh

Bảo tàng De Young ở San Francisco là do các kiến trúc sư người Thụy Sĩ, Herzog & de Meuron thiết kế. Bảo tàng khánh thành vào năm 2005 để thay kết cấu cũ bị hư hại nặng nề do trận động đất năm 1989. Công trình bảo tàng mới được thiết kế sao cho hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên của công viên, đồng thời chịu được các trận động đất lớn. Tòa nhà có thể di chuyển đến 3 ft (91cm) trên tấm trượt có ổ bi và bộ chống rung nhớt hấp thụ động năng trái đất.

Tòa nhà Zentrum Paul Klee do Renzo Piano thiết kế là bảo tàng nghệ thuật gần Berne, tọa lạc bên một xa lộ ở vùng quê Thụy Sỹ. Bảo tàng hòa mình với cảnh sắc do có hình dạng ba ngọn đồi làm bằng thép và kính. Một tòa nhà chứa phòng triển lãm (phòng này gần như hoàn toàn nằm dưới lòng đất để bảo quản các bức tranh dễ hỏng do ánh sáng của Klee), trong khi đó, hai “ngọn đồi” kia là trung tâm giáo dục và văn phòng hành chính.

Zentrum Paul Klee Museum – Berne, Thụy Sĩ

Trung tâm Pompidou-Metz, ở Metz, Pháp, (2010), một chi nhánh Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của Trung tâm Pompidou ở Paris được Shigeru Ban thiết kế. Ông là kiến trúc sư Nhật Bản từng đoạt giải Kiến trúc Pritzker năm 2014. Phần mái nhà là đặc điểm gây ấn tượng sâu đậm nhất của tòa nhà. Mái nhà rộng 90m (300ft) hình lục giác với diện tích 8.000m2 (86.000 ft2) và dán 16km gỗ ép được phân cắt sắp xếp thành hình lục giác bằng gỗ tựa như hoa văn đan nón Trung Quốc bằng sợi mây. Hình dạng mái nhà rất khác biệt, vừa lồi vừa lõm che phủ cả toà nhà và đặc biệt là ba phòng trưng bày. Toàn bộ kết cấu gỗ được bọc một lớp sợi thủy tinh trắng phủ Teflon để bảo vệ không bị tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nhưng vẫn để ánh sáng chiếu qua.

Centre Pompidou-Metz, Pháp

Tòa nhà Louis Vuitton Foundation do Frank Gehry (2014) thiết kế là phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại tọa lạc ngay sát công viên Bois de Boulogne, ngoại ô Paris được khánh thành vào tháng 10 năm 2014. Gehry miêu tả công trình kiến trúc của mình được lấy cảm hứng từ cung điện thủy tinh Grand Palais ở Triển lãm Paris năm 1900 và từ ngôi nhà kính Jardin des Serres d’Auteuil gần công viên được Jean-Camille Formigé xây dựng vào năm 1894–95. Gehry phải làm việc với độ cao giới hạn và nhiều hạn chế về khối lượng. Việc này đòi hỏi bất cứ phần nào của tòa nhà cao hơn hai tầng phải được làm bằng kính. Do bị giới hạn về chiều cao, tòa nhà khá thấp nằm ở hồ nhân tạo có thác nước dưới tòa nhà. Kết cấu phòng trưng bày bên trong được bao bọc bằng bê tông cốt thép dạng sợi gọi là Ductal. Cùng ý tưởng như Nhà biểu diễn nhạc Walt Disney của Gehry, toàn nhà này được bao quanh bằng các tấm kính cong cong tựa như những cánh buồm được thổi căng trong gió. Những cánh buồm thủy tinh được hình thành nhờ 3.584 tấm kính ép, mỗi chiếc có hình dạng khác biệt và được làm cong một cách đặc biệt để lắp vừa vào vị trí trong thiết kế. Bên trong cánh buồm là tập hợp các tòa nhà hai tầng gồm 11 phòng trưng bày với các kích thước khác nhau, có vườn trên sân hiên và khoảng trống trên tầng thượng để trưng bày.

Louis Vuitton Foundation – Paris, Pháp

Bảo tàng Whitney về Nghệ thuật Mỹ ở Thành phố New York do Renzo Piano thiết kế (2015) có hơi hướng rất khác biệt so với những bảo tàng kiến trúc điêu khắc của Frank Gehry. Bảo tàng Whitney có mặt tiền mang dáng vẻ công nghiệp hòa nhập vào khu dân cư. Michael Kimmelman, nhà phê bình kiến trúc của tờ New York Times gọi tòa nhà đó là “lộn xộn đa phong cách” nhưng cũng chỉ ra điểm tương đồng với Trung tâm Pompidou của Piano ở Paris ở chỗ tòa nhà ăn nhập với các không gian công trình công cộng xung quanh. Kimmelman viết rằng: “Không giống như công trình kiến trúc tên tuổi lớn, tòa nhà không phải một thứ chiến tích có hình dạng kỳ quái buộc phải ăn nhập với những thứ thực tế trong một bảo tàng hoạt động bình thường.”

Whitney Museum of Art – New York, Mỹ

Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco thực tế là hai tòa nhà do nhiều kiến trúc sư thiết kế ghép lại. Trước đó (1995) là tòa nhà năm tầng có kiến trúc hậu hiện đại do kiến trúc sư Thụy Sỹ, Mario Botta, thiết kế, sau đó ghép cùng với một tòa nhà lớn hơn rất nhiều với mười tầng màu trắng do hãng Snøhetta ở Na Uy thiết kế (2016). Tòa nhà xây thêm có các bức tường cây xanh gồm các loài thực vật bản địa ở San Francisco. Phòng trưng bày tầng trệt với tường kính cao 25ft (7,6m) sẽ treo tranh để người qua đường thưởng thức. Ngoài ra, tầng trên còn tràn ngập ánh sáng do có cửa trời bằng kính (nhưng không phải phòng trưng bày). Lớp bên ngoài là các tấm nhựa gia cố dạng sợi rất nhẹ. Có nhiều ý kiến trái chiều về thiết kế của tòa nhà này. Roberta Smith từ tờ New York Times nói rằng tòa nhà đã đặt ra một chuẩn mực mới cho các bảo tàng và viết: “Mặt tiền gợn sóng và nghiêng ngả đầy những đường cong và phồng của tòa nhà mới hình thành sự khác biệt tuyệt vời so với những kiểu mẫu hình hộp thẳng cạnh của kiến trúc hiện đại truyền thống và nổi dậy chống lại điều đó. Frank Gehry là người đã khởi xướng điều này với những ý tưởng như nhào lộn trên không trung lấy cảm hứng từ máy tính của mình.” Mặt khác, nhà phê bình của tờ Guardian của London so sánh mặt tiền của tòa nhà như “bánh trứng đường khổng lồ phảng phất nét Ikea.”

NHÀ HÁT & BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT

Khi nhắc đến đề tài thiết kế này Santiago Calatrava là kiến trúc sư biểu tượng cho việc thiết kế tòa nhà Auditorio de Tenerife, thuộc quần đảo Canaria với chiếc cánh như vỏ sò trong khi Frank Gehry lại tái sinh trung tâm nghệ thuật Walt Disney ở Los Angeles bang California làm từ thép không gỉ có hình dạng tựa như cánh buồm và chiếc đại phong cầm hết sức ấn tượng cho vẻ đẹp bên ngoài của tòa nhà, nhưng bên trong là phong cách vườn nho, tạo cảm giác thoáng đãng cho khán giả ngồi bao quanh sân khấu.

Walt Disney Concert Hall – Los Angeles, Mỹ

Nhà hát Casa da Musica ở Porto, Bồ Đào nha, do kiến trúc sư Hà Lan, Rem Koolhaas thiết kế (2005), có thiết kế hết sức độc đáo so với các nhà hát khác vì có sự hiện diện của hai bức tường hoàn toàn bằng kính và Nhà hát Opera ở Copenhagen, Đan Mạch do Henning Larsen (2005) thì thiết kế có mặt sàn gỗ sồi và tường gỗ thích để gia tăng âm thanh vách trực tiếp.

Ở Trung tâm Schermerhorn Symphony ở Nashville, bang Tennessee, do David M. Schwarz & Earl Swensson (2006) thiết kế, là một ví dụ cho kiến trúc Tân cổ điển, trực tiếp lấy ý tưởng các mẫu công trình La Mã và Hy Lạp. Công trình này bù cho một danh lam khác của Nashville, một bản sao đúng kích thước của Pantheon.

Nhà hát nhạc cổ điển Philharmonie de Paris như là một điểm đến đáng mơ ước cho khách tham quan do kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel thiết kế được khánh thành vào năm 2015. Nhà biểu diễn nhạc này tọa lạc ở La Villette, trong một công viên bên ngoài thành phố Paris dành cho bảo tàng, trường âm nhạc và các loại hình văn hóa khác. Ở nơi đây, hình dáng khác lạ của tòa nhà hòa mình với kiến trúc hiện đại của cuối thế kỷ 20. Phần bên ngoài của tòa nhà giống như vách đá lấp lánh độc đáo bị một tấm vách tựa vây cá cắt ngang để lộ ra bộ khuếch đại AR hướng lên phía trên. Lớp ngoài của tòa nhà là hàng nghìn những mảnh nhôm gồm ba màu sắc khác nhau, xếp từ trắng, màu ghi đến đen tuyền. Đoạn đường dốc dẫn lên đỉnh tòa nhà, nơi có sân hiên nhìn ra toàn cảnh đường cao tốc bao quanh thành phố cùng khu dân cư yên bình.

Nhà hát nhạc cổ điển Philharmonie de Paris

Trung tâm hòa nhạc Elbphilharmonie ở thành phố Hamburg, Đức, do nhóm kiến trúc sư đến từ Herzog & de Meuron thiết kế, khánh thành vào tháng Giêng năm 2017, là tòa nhà cao nhất thành phố với 110m (360ft) được làm bằng kính có 2100 chỗ ngồi sắp xếp theo kiểu vườn nho này được xây dựng lên từ một nhà kho cũ. Một bên của tòa nhà này là khách sạn, trong khi kiến trúc ở bên kia phía trên nhà hát có 45 căn hộ cho thuê. Nhà hát ở giữa được cách âm với các khu khác của tòa nhà bằng lớp “vỏ trứng” làm từ vữa và đệm giấy tựa như gối lông vũ mềm mại, tách biệt âm thanh.

The Elbphilharmonie – Hamburg, Đức

TÒA NHÀ CHỌC TRỜI

Tòa nhà chọc trời (thường được định nghĩa là tòa nhà cao hơn 40 tầng) lần đầu tiên được xây dựng ở Chicago vào những năm 1890 và mang phong cách Mỹ vào giữa thế kỷ 20, nhưng vào thế kỷ 21, những tòa nhà chọc trời đã có mặt ở hầu hết các thành phố lớn trên mọi châu lục. Vào năm 1963, kỹ sư xây xựng Fazlur Rahman Khan của hãng Skidmore, Owings & Merrill đã phát triển một công nghệ xây dựng mới, kiến trúc khung dạng ống, lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, và điều này đã cho phép xây dựng các tòa nhà siêu cao cần ít tường nhà hơn, có nhiều không gian cửa sổ hơn và có khả năng chịu lực bạt ngang như gió mạnh, siêu bão tốt hơn.

Trump International Hotel & Tower – Chicago, Mỹ

Tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai, ở các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là công trình kiến trúc cao nhất thế giới với 829,8m (2.722ft). Công trình Burj Khalifa được khởi công vào năm 2004 và mất 5 năm để hoàn thành phần bên ngoài. Cấu trúc chính là bê tông cốt thép. Burj Khalifa được Adrian Smith thiết kế, rồi sau đó là Skidmore, Owings & Merrill (SOM). Ông còn là kiến trúc sư trưởng thiết kế Jin Mao Tower, Pearl River Tower và Tòa tháp cụm khách sạn, căn hộ Trump.

Burj Khalifa – Dubai, UAE

Adrian Smith và hãng của ông là kiến trúc sư thiết kế tòa nhà mà đến năm 2020 sẽ thay thế vị trí của Burj-Khalifa làm tòa nhà cao nhất thế giới. Tháp Jeddah ở Jeddah, Ả Rập Xê Út, được ước tính sẽ cao 1.008m (hay 3.307ft), tức sẽ là tòa nhà cao nhất thế giới và là tòa nhà đầu tiên cao hơn một cây số. Công trình đã được khởi công vào năm 2013 và theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Sau khi tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị khủng bố phá hủy vào 11 tháng 9, thị trưởng thành phố New York yêu cầu một trung tâm thương mại thế giới phải được thiết kế và trong đó, tòa tháp chính được David Childs của SOM lên ý tưởng và chỉ đạo. One International World Trade Center được khánh thành vào năm 2015 cao 1.776ft (541m) đã trở thành tòa nhà biểu tượng cao nhất bán cầu Tây.

One International World Trade Center – New York, USA

Ở London, một trong những danh lam đương đại đáng chú ý nhất là 30 St Mary Axe, hay còn được biết đến với cái tên “The Gherkin”, được kiến trúc sư lão luyện Norman Foster thiết kế (2004). Tòa nhà này thay thế Tháp Millennium London, một dự án xây cao hơn rất nhiều mà Foster đã đề xuất trước đó ở cùng địa điểm và điều này hẳn đã khiến tòa nhà ấy cao nhất châu Âu, nhưng quá cao đến mức gây cản trở đường bay của Sân bay Heathrow. Khung thép của tòa Gherkin được kết hợp với mặt tiền bằng kính khiến cho tòa nhà có vẻ ngoài đầy màu sắc tựa như quả trứng phục sinh Nga hoàng bị kéo giãn.

Vinh danh tòa nhà cao nhất ở Moscow là Mercury City Tower được kiến trúc sư người Mỹ, Frank Williams, thiết kế với Mikhail Posokhin và Gennadiy Sirota. Tòa nhà được hoàn thiện vào năm 2012 với chiều cao 338m, cao hơn tòa The Shard ở London lúc đó là tòa nhà cao nhất châu Âu.

Tòa nhà cao nhất ở Trung Quốc năm 2015 là Shanghai Tower do nhóm kiến trúc sư Gensler của Mỹ thiết kế. Tòa nhà cao 632m (2.073ft) với 127 tầng và là tòa nhà cao thứ hai thế giới năm 2016. Ngoài ra, tòa nhà còn có hệ thống thang máy nhanh nhất với tốc độ lên tới 20,5m/s (40ft/s) hay 74km/h.

Hầu hết các tòa nhà chọc trời được thiết kế để thể hiện tính hiện đại; ngoại trừ tòa nhà đáng chú ý nhất là tòa Abraj Al Bait, một khu phức hợp gồm bảy tòa khách sạn chọc trời được chính phủ Ả Rập Xê Út xây dựng để đón tiếp những người hành hương từ ngôi đền thiêng ở Mecca. Tòa tháp trung tâm của tập thể này là Tháp đồng hồ Khách sạn hoàng gia Mecca với kiến trúc gothic phục hưng. Đây là tòa tháp cao thứ tư trên thế giới năm 2016 với 581,1m (1.906ft).

CÔNG TRÌNH NHÀ Ở

Một xu hướng trong kiến trúc nhà ở đương đại, đặc biệt là tái xây dựng các khu dân cư cổ xưa hơn ở các thành phố lớn, là tòa nhà sang trọng với các căn hộ đắt tiền được rao bán và được các “kiến trúc sư ngôi sao” thiết kế. Đó là các kiến trúc sư nổi tiếng trên toàn thế giới được các minh tinh Hollywood thuê để làm mới lại nội và ngoại thất. Những tòa nhà này thường ít có liên quan đến kiến trúc khu dân cư xung quanh, nhưng sừng sững đứng tựa như một tác phẩm tiêu biểu của các kiến trúc sư giữa nền trời.

Daniel Libeskind (sinh năm 1946) sinh ra ở Phần Lan, đi học, giảng dạy và hành nghề kiến trúc sư ở Hoa Kỳ. Năm 2016, ông là giáo sư kiến trúc trường Đại học UCLA ở Los Angeles. Ông được biết đến với các các tác phẩm về kiến trúc đương đại nổi bật. Ông là người sáng lập ra phong trào kiến trúc giải tỏa kết cấu. Ngoài nổi danh nhất vì các công trình bảo tàng của mình, ông còn xây dựng một khu phức hợp các tòa nhà ở danh tiếng tại Singapore (2011) và tòa nhà The Ascent ở Roebling’s Bridge, một tòa nhà chung cư 22 tầng tại Covington, bang Kentucky, Mỹ (2008). Tòa nhà được nhắc đến phía sau được lấy tên theo tên chiếc Cầu treo Roebling gần đó trên dòng sông Ohio, nhưng kết cấu của tòa nhà căn hộ này sang trọng vô cùng đương đại. Càng lên cao tòa nhà càng dốc hướng lên trên như cáp cây cầu vươn lên đỉnh có cạnh sắc và hơi nghiêng ra ngoài.

The Ascent at Roebling’s Bridge – Kentucky, Mỹ

Một đặc điểm vui tươi trong kiến trúc nhà ở đương đại là màu sắc mà kiến trúc sư Bernard Tschumi đã sử dụng gạch gốm có màu sắc lát lên mặt tiền có hình dạng độc đáo để làm tòa nhà của mình thêm nổi bật và tòa nhà Blue Condominium, New York (2007) là ví dụ điển hình.

Một xu hướng đương đại khác là biến các tòa nhà công nghiệp thành cộng đồng nhà ở phức hợp. Ví dụ như Gasometer ở Vienna, Áo, một tập thể căn hộ gồm bốn tòa nhà sản xuất khí đốt bằng gạch khổng lồ được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Chúng đã được chuyển đổi thành một khu phức hợp gồm nhà ở, văn phòng và thương mại và được hoàn thiện giữa năm 1999 và 2001. Một vài hộ dân cư nằm bên trong tòa nhà, còn lại đều nằm ở các tòa nhà mới gắn liền. Các tầng trên cao đều dành nguyên cho các hộ nhà ở, tầng giữa dành cho văn phòng, và tầng trệt là khu giải trí và trung tâm thương mại có cầu bộ hành lơ lửng giữa các tầng trong trung tâm thương mại. Mỗi tòa nhà đều được thiết kế bởi một kiến trúc sư lỗi lạc, trong đó có Jean Nouvel, Coop Himmelblau, Manfred Wehldorn and Wilhelm Holzbauer. Các bức tường bên ngoài mang tính lịch sử của tòa nhà được bảo quản nguyên trạng.

Isbjerget – Aarhus, Đan Mạch

Tòa nhà Isbjerget, nghĩa là “tảng băng” trong tiếng Đan Mạch, ở Aarhus, Đan Mạch (2013), là một tập thể gồm bốn tòa nhà với 210 căn hộ, vừa cho thuê lẫn sở hữu cho các dân cư có thu nhập ở một mức nào đó được tọa lạc ở một bến tàu của một khu công nghiệp trước đây ở Đan Mạch. Khu phức hợp được các hãng Đan Mạch, CEBRA và JDS Architects, kiến trúc sư Pháp, Louis Paillard, và hãng Hà Lan, SeARCH, thiết kế và được quỹ trợ cấp Đan Mạch tài trợ. Các tòa nhà được thiết kế sao cho tất cả các căn, kể cả căn ở đằng sau đều có thể hướng ra biển. Thiết kế và màu sắc của tòa nhà đều được lấy cảm hứng từ khối băng. Các tòa nhà đều được bọc đá mài trắng và có ban công làm bằng kính màu xanh dương.

CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC TÔN GIÁO

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2017, quả là có ít nhà thờ kiến trúc đương đại được xây dựng đến bất ngờ. Các kiến trúc sư xây nhà thờ, rất ít ngoại lệ, hiếm khi thể hiện tính phóng khoáng tự do như các kiến trúc sư xây bảo tàng, trung tâm hòa nhạc và các tòa nhà lớn khác. Công trình nhà thờ mới cho thành phố Los Angeles, California, được kiến trúc sư Tây Ban Nha, Rafael Moneo, thiết kế theo phong cách hậu hiện đại. Nhà thờ trước đó đã bị hư hại nghiêm trọng do trận động đất năm 1995. Công trình mới được đặc biệt thiết kế để chịu được những chấn động tương tự.

Nhà thờ Northern Lights do hãng Schmidt, Hammer and Lassen quốc tế ở Đan Mạch thiết kế ở Alta, Na Uy, một trong những thành phố cực Bắc trên thế giới. Các công trình quan trọng khác của họ bao gồm Thư viện Quốc gia Đan Mạch ở Copenhagen.

Vridavan Chandrodaya Mandir Temple – Uttar Pradesh, Ấn Độ

Vrindavan Chandrodaya Mandir là Đền thờ Hindu ở Vrindivan, bang Uttar Pradesh ở Ấn Độ được xây dựng vào cuối năm 2016 được các kiến trúc sư thuộc InGenious Studio ở Gurgaon và Quintessence Design Studio ở Noida, Ấn Độ thiết kế. Cổng vào mang phong cách Nagara truyền thống của kiến trúc Ấn Độ, còn tòa nhà mang kiến trúc đương đại với mặt tiền bằng kính lên đến tầng 70. Dự tính công trình sẽ hoàn thiện vào năm 2019. Khi hoàn thành, với chiều cao 700ft (213m hay 70 tầng), đây sẽ là công trình kiến trúc tôn giáo cao nhất trên thế giới.

Một trong những nhà thờ đương đại độc đáo nhất là Nhà thờ St. Jude’s Anglican ở Iqaluit, thủ đô Nunavut, vùng Bắc cực và ít dân cư nhất Canada. Nhà thờ được xây dựng với hình dạng lều tuyết và để phục vụ người dân nói tiếng Inuktitut trong vùng.

Cardboard Church – Christchurch, New Zealand

Một nhà thờ đương đại độc đáo khác là Nhà thờ Cardboard ở Christchurch, New Zealand được kiến trúc sư Nhật Bản, Shigery Ban thiết kế. Tòa nhà này thay thế ngôi nhà thờ chính của thành phố đã bị hư hại do trận động đất năm 2011 ở Christchurch. Nhà thờ chứa được 700 người và có trần nhà cao 21m (69ft). Các vật liệu xây dựng bao gồm các ống bìa cứng có đường kính 60cm (24in), gỗ xây dựng và thép. Trần nhà làm bằng nhựa PC và tường làm bằng tám containers “được phủ lớp poliuretan chống thấm nước và chất hãm bắt cháy” có khe hở rộng 2 inches để ánh sáng xuyên vào bên trong.

SÂN VẬN ĐỘNG

Kiến trúc sư người Thụy Sỹ, Jacques Herzog & Pierre de Meuron, thiết kế Sân vận động Allianz ở Munich, Đức, và hoàn thiện vào năm 2005. Sân vận động chứa được 75.000 khán giả. Kiến trúc của công trình được bọc bằng 2.874 tấm thoáng khí kim loại ETFE luôn được bơm phồng với khí khô. Mỗi tấm có thể phản chiếu ánh sáng riêng, màu đỏ, trắng hoặc xanh dương. Khi được chiếu sáng, người ta có thể nhìn thấy sân vận động từ dãy Alps của Áo cách đó50 dặm (80km).

Allianz Arena – Munich, Đức

Trong những dự án có uy tín nhất, nổi tiếng nhất trong kiến trúc đương đại là các sân vận động cho các kỳ Thế vận hội. Khi đó, các kiến trúc sư được chọn qua các cuộc thi đấu quốc tế được quảng cáo rầm rộ. Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh được xây dựng cho Thế vận hội năm 2008 và được biết đến phổ biến với cái tên Bird Nest (Tổ Chim) do có công trình khung bên ngoài phức tạp. Công trình này được hãng Thụy Sỹ Herzog & de Meuron cùng kiến trúc sư người Hoa, Li Xinggang (Lý Thiên Tân), thiết kế. Sân vận động được thiết kế với sức chứa 91.000 khán giả và khi xây dựng, nó từng có mái nhà có thể kéo ra kéo vào nhưng sau đó đã phá bỏ. Cũng như bao tòa nhà kiến trúc đương đại khác, thực tế nó có hai kết cấu, một kết cấu hình bán nguyệt bằng bê tông là nơi khán giả ngồi được bao quanh bằng khung kính và thép với khoảng cách là 50ft. Phần thiết kế bên ngoài “Tổ Chim” được lấy cảm hứng từ hoa văn gốm Trung Quốc. Sân vận động khi được hoàn thiện từng là không gian kín lớn nhất thế giới và cũng là công trình có kết cấu thép lớn nhất thế giới với 26 km thép bọc quanh.

Beijing National Stadium, Trung Quốc

The National Stadium ở Cao Hùng, Đài Loan, được kiến trúc sư Nhật Bản, Toyo Ito thiết kế (2009), có hình hài tựa như một con rồng. Đặc điểm độc đáo khác của nó là các tấm panel sử dụng năng lượng mặt trời bao phủ gần hết phần bên ngoài, cung cấp hầu hết lượng năng lượng cần thiết cho khu phức hợp.

CÁC TÒA NHÀ CHÍNH PHỦ

Các tòa nhà chính phủ gần như từng có vẻ bề ngoài nghiêm trang và chỉnh tề ở khắp mọi nơi, thường là các biến thể trong tập hợp các kiến trúc tân cổ điển, cũng bắt đầu xuất hiện với các hình thái kiến trúc điêu khắc hơn hay thậm chí còn kỳ lạ như là một điểm nhấn kỳ quan của thành phố. Một trong những ví dụ điển hình là London City Hall do Norman Foster thiết kế (2002), đây là trụ sở của Greater London Authority. Thiết kế độc đáo hình quả trứng là cố ý giảm lượng tường phải phơi ra ngoài để tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên, kết quả vẫn hoàn toàn chưa được như mong đợi. Một đặc điểm kỳ lạ đó là cây cầu thang xoắn ốc từ hành lang lên đến đỉnh tòa nhà để chống cháy.

London City Hall – London, Anh

Một vài tòa nhà chính phủ mới như Tòa nhà Quốc hội, Valletta, Malta do Renzo Piano thiết kế (2005) đã gây tranh cãi do sự tương phản giữa phong cách tòa nhà và các kiến trúc lịch sử xung quanh.

The Port Authority Building – Antwerp, Bỉ

Hầu hết các tòa nhà chính phủ mới cố gắng thể hiện tính vững chắc và nghiêm trang, ngoại trừ một ví dụ là tòa nhà Cơ quan Quản lý Cảng (Havenhuis) ở Antwerp, Bỉ do Zaha Hadid thiết kế (2016). Nơi đây có cấu trúc hình con tàu làm bằng kính và thép trên nền bê tông trắng có vẻ như đã được xây đè lên tòa nhà cảng ngày xưa được xây năm 1922. Kết cấu mặt kính tựa như kim cương là biểu trưng cho vai trò của Antwerp là thị trường kim cương chủ đạo ở châu Âu. Đây là một trong những công trình cuối cùng của bà Hadid trước khi mất vào năm 2016.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Tòa nhà Dr Chau Chak Wing là tòa nhà Khoa Kinh doanh của trường Đại học Công nghệ Sydney ở Úc, được Frank Gehry thiết kế và hoàn thiện vào năm 2015. Đây là tòa nhà ở Úc đầu tiên do Gehry thiết kế. Mặt tiền của tòa nhà được làm bằng 320.000 viên gạch được đo đạc chính xác và một nhà phê bình miêu tả đó như “chiếc túi giấy màu nâu bị vò nát”.

Dr Chau Chak Wing Building – Sydney, Úc

Frank Gehry đáp lại: “Có thể nó là túi giấy nâu, nhưng bên trong rất linh hoạt, có rất nhiều chỗ để thay đổi và vận động.” Tòa Tháp Đôi Siamese ở trường Đại học Công giáo Pontifical Chile ở Santiago, Chile do kiến trúc sư Chile, Alejandro Aravena (sinh năm 1967) thiết kế và hoàn thiện năm 2013. Aravena từng đoạt giải Kiến trúc Pritzker năm 2016.

THƯ VIỆN

Thư viện Alexandrina ở Ai Cập do hãng Na Uy Snøhetta (2002) thiết kế, cố gắng tái tạo Thư viện Alexandria nổi tiếng cổ xưa với dáng vẻ hiện đại. Tòa nhà tọa lạc ở rìa Địa Trung Hải có sức chứa tám triệu cuốn sách trên giá, và có một phòng đọc rộng 20.000m2 (220.000ft2) trên 11 tầng bậc cùng phòng trưng bày và đài thiên văn. Phòng đọc chính được che phủ với mái nhà bằng kính cao 32m, nghiêng ra hướng biển như đồng hồ mặt trời và có đường kính khoảng 160m. Tường làm bằng đá hoa cương Aswan màu xám chạm trổ các ký tự trong 120 hệ thống chữ viết khác nhau của con người.

Seattle Central Library – Seattle, Mỹ

Thư viện Trung tâm Seattle do kiến trúc sư Hà Lan, Rem Koolhaas, (2006) thiết kế có lớp kính và thép bao bọc cả tòa nhà. Một đặc điểm độc đáo là những con dốc đầy giá sách sắp xếp xoắn ốc liên tục suốt bốn tầng.

TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI VÀ CỬA HÀNG BÁN LẺ

Trung tâm thương mại là thiết kế đặc trưng của kiến trúc thương mại, kết cấu khổng lồ bao gồm tất cả các cửa hàng bán lẻ, hệ thống tiêu thụ thực phẩm và khu giải trí. Khu vực lớn nhất (tuy nhiên không phải không gian bán lẻ vì hầu hết trung tâm thương mại là để dành trọn cho giải trí và không gian công cộng) và có lẽ ngông cuồng nhất là Trung tâm Thương mại Dubai ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được DP Architects của Singapore thiết kế và khánh thành vào năm 2008. Nơi đây ngoài cửa hàng và nhà hàng, còn có công viên thủy sinh khổng lồ và vườn thú dưới nước được đi bộ qua. Hơn nữa, còn có sân trượt băng đồ sộ và ngay bên ngoài là vòi phun nước và tòa nhà thương mại cao nhất thế giới.

Cạnh tranh với các trung tâm thương mại là các cửa hàng và tiệm bách hóa ở trung tâm thành phố của các thương hiệu thiết kế riêng biệt. Những tòa nhà này truyền thống được thiết kế để thu hút sự chú ý và thể hiện tính hiện đại của các sản phẩm chào bán. Ví dụ đáng chú ý là Trung tâm mua sắm Selfridge ở Birmingham, nước Anh, một cửa hàng bách hóa được hãng Future Systems thiết kế, do Jan Kaplicky (1937–2009) thành lập vào năm 1979. Phần bên ngoài cửa hàng bách hóa là lớp bê tông gợn sóng lăn tăn lồi lên lõm xuống, toàn bộ được bao bọc bằng lớp gốm xanh trắng sáng mờ.

Louis Vuitton Store – Ginza, Tokyo, Nhật Bản

Những thương hiệu luôn cố gắng làm logo của mình bắt mắt để trở nên nổi bật giữa các cửa hàng bách hóa. Ví dụ điển hình là cửa hàng Louis Vuitton ở quận Ginza, Tokyo, nơi được các kiến trúc sư Nhật Bản của nhóm Jun Aoki & Associates thiết kế có cấu trúc được trang trí và đục lỗ dựa trên logo của hãng.

CẦU

Một vài kiến trúc sư đương đại lỗi lạc nhất bao gồm Norman Foster, Santiago Calatrava, Zaha Hadid đã hướng sự chú ý của mình sang thiết kế những chiếc cầu. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về kiến trúc và kỹ thuật đương đại là cầu Millau Viaduct ở phía Nam nước Pháp được kiến trúc sư Norman Foster và kỹ sư xây dựng Michel Virlogeux thiết kế. Cầu Millau Viaduct băng qua thung lũng River Tarn và là cũng là phần trục xa lộ A75-A71 từ Paris đến Béziers và Montpellier. Cây cầu được chính thức khai trương vào ngày 14 tháng 12 năm 2004. Đây là cây cầu cao nhất thế giới với một trụ có đỉnh cao 343m (1.125ft) trên phần nền móng công trình.

The Selfridge’s Department Store – Birmingham, Anh

Kiến trúc sư mang hai dòng máu Anh-Iraq, Zaha Hadid đã xây dựng Cầu Pavilion ở Zaragoza, Tây Ban Nha cho một buổi triển lãm quốc tế ở đó vào năm 2008. Vừa là cây cầu, vừa là sảnh trưng bày triển lãm, cây cầu được xây dựng bằng bê tông có lớp ngoài là sợi thủy tinh ở các gam màu xám khác nhau. Vì sự kiện đó đã kết thúc, cây cầu đã được sử dụng để tổ chức triển lãm và nhiều chương trình.

Gateshead Millennium Bridge – Newcastle, Tyne, Anh

Một số cây cầu mới nhỏ hơn cũng khá đơn giản nhưng thiết kế rất tân tiến. Cầu Gateshead Millennium ở Newcastle ở Tyne, nước Anh (2004) được Michel Virlogeux thiết kế để người đi bộ và đi xe đạp vượt Sông Tyne. Cây cầu nghiêng sang một bên để tàu thuyền có thể đi qua bên dưới.

SÂN BAY, GA TÀU VÀ ĐIỂM CHUYỂN ĐỔI PHƯƠNG TIỆN

Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh là một trong những sân bay phát triển nhất trên thế giới. Ga tàu bay Terminal Three được Norman Foster thiết kế để giải quyết lượng khách đến gia tăng vì Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Nhà ga này lớn thứ hai trên thế giới, sau nhà ga Sân bay Dulles gần Washington DC, và năm 2008 đây là tòa nhà lớn thứ sáu trên thế giới. Thiết kế mái nhà dạng phẳng của tòa nhà nhìn từ trên xuống tựa như đường băng vậy.

Beijing Capital International Airport, Trung Quốc

Điểm Chuyển đổi Phương tiện của Trung tâm Thương mại Thế giới là nơi được xây dựng bên dưới đài phun nước và trung tâm mua bán để tưởng niệm các nạn nhân trong đợt khủng bố tấn công năm 2001 ở Thành phố New York. Tòa nhà được kiến trúc sư Tây Ban Nha, Santiago Calatrava, thiết kế và khánh thành vào năm 2016. Công trình kiến trúc trên mặt đất, gọi là Oculus, được so sánh với một chú chim chuẩn bị cất cánh và đưa hành khách xuống bên dưới trung tâm thương mại.

World Trade Center Transportation Hub – New York, Mỹ

KIẾN TRÚC SINH THÁI

Một xu hướng đang phát triển ở thế kỷ 21 là kiến trúc sinh thái, còn được gọi là kiến trúc cảnh quan bền vững. Đây là các kiểu tòa nhà có các đặc điểm như giữ nhiệt và năng lượng, và đôi khi còn tự sản xuất năng lượng bằng pin mặt trời và cối xay gió rồi sử dụng bức xạ mặt trời để đun nước. Chúng còn có thể được xây hệ thống nước thải riêng và đôi khi có cả hệ thống thu nước mưa. Một vài tòa nhà kết hợp cả tường cây và mái nhà xanh vào công trình kiến trúc. Các đặc điểm khác của kiến trúc sinh thái bao gồm việc sử dụng gỗ và vật liệu tái chế. Có một vài chương trình chứng nhận tòa nhà xanh, nổi tiếng nhất là tiêu chuẩn Định hướng Thiết kế về Năng lượng và Môi trường, hay tiêu chuẩn LEED. Tiêu chuẩn này đo độ tác động của các tòa nhà đến môi trường.

Rất nhiều các tòa nhà chọc trời như 30 St Mary Axe ở London sử dụng kính hai lớp để dự trữ năng lượng. Tòa nhà có hai lớp kính và hình vòng cung tạo nên sự khác biệt trong áp lực khí và việc này sẽ giúp tòa nhà hè mát đông ấm, làm giảm nhu cầu điều hòa không khí.

Caixa Forum – Madrid, Tây Ban Nha

BedZED, do kiến trúc sư người Anh, Bill Dunster, thiết kế, toàn bộ là một cộng đồng gồm 82 hộ gia đình ở Hackbridge, gần London, được xây dựng theo nguyên tắc kiến trúc sinh thái. Các căn nhà đều quay mặt về hướng Nam để tiếp nhận được ánh nắng mặt trời và có cửa sổ tráng men ba lần để cách điện. Lượng năng lượng đáng kể là từ pin mặt trời, nước mưa được hứng lấy và tái sử dụng, và không khuyến khích sử dụng xe ô tô. Trung bình vào năm 2010, BedZED đã thành công giảm thiểu được lượng điện sử dụng đến 45 phần trăm và lượng nước nóng sử dụng đến 81 phần trăm ở khu này. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất nhiệt bằng cách đốt vụn gỗ để được thành công thì còn khó khăn và nan giải.

CaixaForum Madrid là một bảo tàng và là trung tâm văn hóa ở Paseo del Prado 36, Madrid, do kiến trúc sư Herzog & de Meuron thiết kế và xây dựng vào giữa năm 2001 và 2007, là một ví dụ về kiến trúc sinh thái lẫn tái chế. Cấu trúc chính là một trạm điện năng bằng gạch bỏ hoang được xây thêm nhiều tầng mới. Các tầng mới được bọc bằng gang bị oxy hóa có một màu đỏ han gỉ như màu gạch của trạm điện năng bên dưới. Tòa nhà bên cạnh có tường cây được nhà thực vật học người Pháp, Patrick Blanc thiết kế. Màu đỏ của các tầng trên cùng tương phản với màu cây trên tường, trong khi đó, bức tường xanh hài hòa với khu vườn thực vật của trung tâm văn hóa bên cạnh.

Các vật liệu bất thường đôi khi được tái chế để sử dụng trong kiến trúc sinh thái. Bao gồm vải bò từ chiếc quần bò cũ để cách điện, cửa chắn làm bằng vụn giấy, đất nung, sợi lanh, sợi xidan, hay dừa, và đặc biệt là loài cây tre phát triển rất nhanh. Gỗ và đá từ các công trình bị phá hủy thường được phục hồi và tái sử dụng để lát sàn trong khi các vật liệu sắt, cửa sổ và những chi tiết khác từ các tòa nhà cũ hơn đều được tái sử dụng.

Caixa Forum – Madrid, Tây Ban Nha

BẠN SẼ THÍCH

Ẩm Thực & Rượu

HENNESSY
Rực Rỡ Sắc Xuân Phương Đông

Deluxe Vietnam
Điểm đến

THE PHOENIX
Nơi Hẹn Hò Ăn Ngon, Đãi Tiệc Tại Sân Bay Tân Sơn Nhất Mùa Lễ Hội

Deluxe Vietnam
Điểm đến

DIOR GOLD HOUSE
Khát Vọng Nghệ Thuật Của Dior Tại Bangkok

Deluxe Vietnam
Trang trí

ORMONDE JAYNE
Địa Đàng Của Hương Thơm

Deluxe Vietnam
Ẩm Thực & Rượu

JW MARRIOTT HOTEL & SUITES SAIGON
Trải Nghiệm Mùa Lễ Hội Rực Rỡ Và Đậm Phong Vị Truyền Thống

Deluxe Vietnam

Xu hướng

Nhà cửa

XU HƯỚNG SÂN VƯỜN 2021
Hòa Mình Cùng Thiên Nhiên

Thảo Nguyên
Nhà cửa

XU HƯỚNG THIẾT KẾ 2021
Trọn Vẹn Một Mùa Yêu Thương

Hằng Nho
Văn Phòng

XU HƯỚNG VĂN PHÒNG 2021
Thi Vị Hóa Không Gian Làm Việc

Thảo Nguyên
Điểm đến

AMANSARA
Một Nét Hoài Niệm Về Đông Dương

Minh Quân
Điểm đến

BANYAN TREE
Vấn Vương Lòng Viễn Khách

Minh Quân
error: Content is protected !!