GIO PONTI
Những Kiệt Tác Vượt Thời Gian
Hằng Nho 22 tháng 06,2021
Với những di sản và các công trình vĩ đại mà mình để lại ở Ý, Gio Ponti quả thật xứng đáng được tôn sùng như một thiên tài. Bằng khối óc tài hoa với sự sáng tạo không biên giới, ông đã thực sự ghi lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người hâm mộ qua vẻ đẹp đến từ những đường nét thiết kế vượt thời gian.
Đ
ối với những người có tài năng thiên bẩm, họ có thể biến hóa óc sáng tạo và đôi tay của mình thành bất cứ thứ gì để tạo nên những kiệt tác vĩ đại và Leonardo Da Vinci có lẽ là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, trong thời kỳ phục hưng khác sau Thế chiến thứ II, đã tồn tại một người, dù không nổi tiếng như danh họa Da Vinci, nhưng có tầm ảnh hưởng gần như to lớn đến cuộc sống hàng ngày của những người bình thường mà những công trình thiết kế của ông đã lưu dấu và trân quý cho đến tận ngày nay. Người đó chính là Gio Ponti (1891–1979) – một kiến trúc sư, nhà thiết kế, một nghệ sĩ thực hiện hàng loạt các dự án, sản phẩm, các tạo tác, tác phẩm nghệ thuật và khối óc tài hoa của những tòa nhà.
Ông có lẽ được biết đến nhiều nhất với Tháp Pirelli được xây dựng vào những năm 1954-1956 ở quảng trường Piazza Duca d’Aosta ở Milan. Ông cũng xây dựng những ngôi nhà dân cư ở vùng xa xôi như Venezuela và Iran, các tòa nhà chính phủ ở Pakistan, nhà thờ San Francesco al Fopponino tuyệt vời ở Milan, Bảo tàng ở Denver cũng như Nhà thờ Gran Madre di Dio ở Taranto.
Ông đã thiết kế nội thất cho tàu biển; phác thảo các thiết kế xe hơi cho Touring of Milan; thành lập tờ tạp chí có tầm ảnh hưởng Domus vào năm 1928; là giám đốc nghệ thuật của nhà sản xuất gốm sứ lừng danh Richard-Ginori, tạo ra những tác phẩm gốm và gạch men tuyệt hảo; là nhà thiết kế nội thất sáng tạo ra chiếc ghế Superleggera 699 cho hãng nội thất Cassini vào năm 1957, giá đỡ nến Flêche cho hãng Christofle, được trưng bày tại triển lãm Venice Biennale năm 1928, bên cạnh nhiều sản phẩm khác như bình hoa, mặt nạ, ấm trà, tay nắm cửa, vòi, bồn cầu, gạt tàn, máy pha cà phê, dao kéo; đồ vật trang trí; và đồ dùng khách sạn.
Tuy không phải được thiết kế bởi Gio Ponti nhưng Royal Continental Hotel di Napoli lại lưu giữ khá nhiều những đặc trưng trong phong cách của Ponti qua những thiết kế đồ nội thất và trang trí với 24 trên tổng số 397 phòng vẫn được giữ lại như sự tôn vinh với “Các tầng của bảo tàng”.
Đáng chú trọng hơn cả, hồ bơi nước biển trên sân thượng độc đáo được thiết kế bởi Ponti và giới thiệu trên trang bìa tạp chí Domus vào năm 1954 vẫn tồn tại đến nay, nơi người ta có thể giải tỏa khỏi cái nắng nóng bỏng của miền Nam nước Ý, ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh lộng lẫy. Như chính Ponti từng nói: “Tôi ghét bể bơi hình chữ nhật. Hồ và sông có buộc phải là hình chữ nhật không?”.
Một khách sạn được Ponti thiết kế là Grand Hotel Parco dei Principi, mở cửa vào năm 1964. Vào thời điểm đó, nó được công nhận là một trong những khách sạn có thiết kế đẹp nhất tại đây. Parco dei Principi nằm ngay sát khu vườn Borghese Gardens tuyệt đẹp được xây dựng vào đầu thế kỉ 17, mà qua đó, người ta có thể dạo bước đến những bậc thang Spanish Steps. Giờ đây, mặc dù vẫn là một trong những khách sạn tốt nhất ở Thành phố Vĩnh cửu, thật đáng tiếc, những gì còn lại của nội thất Ponti thuở ban đầu chỉ là sàn lát đá cẩm thạch trắng kéo dài với các lớp khảm.
Khách sạn đã được cải tạo và tu sửa lại. Chính tại khách sạn Parco dei Principi ở Sorrento, “capolavoro” – một kiệt tác được ra đời năm 1961 của Ponti được tìm thấy. Tại đây, thứ màu xanh và trắng, trắng và xanh tuyệt vời này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Được thiết kế, cả nội lẫn ngoại thất bởi thiên tài Ponti, người đã từng phát biểu: “Kiến trúc tinh khiết như một viên pha lê. Khi ở độ thuần khiết nhất, nó trong suốt như một tinh thể – ma thuật, khép kín, độc nhất, tự trị, trong sạch, thuần túy, đầy tính thuyết phục hệt như một viên pha lê. Nó có thể là một khối lập phương, một khối chữ nhật, kim tự tháp, một tượng đài với đỉnh chóp nhọn, hay một cái tháp – những hình dạng khối đứng hữu hạn. Kiến trúc từ chối những hình khối chưa hoàn chỉnh… Kiến trúc bắt đầu và kết thúc. Kiến trúc đứng nguyên tại đó”.
Lơ lửng trên biển Địa Trung Hải, đây là khách sạn thú vị nhất với sự kết hợp giữa màu trắng và màu xanh theo suốt toàn bộ hệ thống của khách sạn, khăn trải bàn, bát đĩa, điện thoại, gạch lát sàn (có tới 30 loại gạch khác nhau tạo thành những họa tiết độ xanh và trắng khác nhau), tấm ván lặn trắng tinh trên mặt nước bể bơi xanh ngắt. Mọi thứ kết hợp một cách hài hòa, tạo thành một vũ trụ của sắc trắng và xanh.