CHANEL TWEED SUIT
Biểu Tượng Thanh Lịch Trường Tồn
Deluxe Vietnam 08 tháng 05,2025
Vào những năm 1920, phụ nữ vẫn bị bó buộc trong những bộ trang phục cầu kỳ, gò bó, khiến họ khó có thể di chuyển một cách tự do. Nhưng, Coco Chanel đã xuất hiện và thay đổi tất cả. Bà không chỉ thiết kế quần áo, mà còn mang đến một tinh thần mới – tự do, độc lập và không bị ràng buộc bởi những quy tắc cũ kỹ.
M
ột trong những nguồn cảm hứng của Chanel cho bộ suit này đến từ mối tình kéo dài gần một thập kỷ với Công tước xứ Westminster, Hugh Grosvenor. Trong những năm tháng bên cạnh ông, bà thường xuyên đến Anh, rong ruổi qua những vùng đồng quê, tham gia vào các hoạt động săn bắn, cưỡi ngựa, câu cá. Chanel yêu thích sự tinh giản trong cách ăn mặc nơi đây và cho ra đời bộ suit huyền thoại mà người ta vẫn mặc cho tới ngày nay.Nhưng, hơn cả một chuyện tình, nguồn cảm hứng thật sự đến từ tầm nhìn của Chanel về người phụ nữ hiện đại. Chanel tin rằng người phụ nữ phải được di chuyển một cách thoải mái, tự do, vì họ không chỉ là một vật trang trí trong những bộ váy cồng kềnh, một khao khát cho phụ nữ nói chung và bản thân bà nói riêng.
Những lý tưởng của Chanel gắn liền với sự thay đổi vai trò của phụ nữ trong xã hội. Chiến tranh buộc nhiều phụ nữ phải bước vào thị trường lao động, và không ít người đã tiếp tục làm việc sau đó. Những quan niệm mới về tính cá nhân và sự độc lập dần hình thành khi làn sóng nữ quyền thứ hai bắt đầu trỗi dậy. Coco Chanel trở thành biểu tượng của người phụ nữ hiện đại, và bộ suit của Chanel trở thành một tuyên ngôn nữ quyền.
BỘ SUIT CHANEL – BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ THANH LỊCH VÀ THỰC TIỄN
Trước Chanel, vải tweed chỉ được xem là chất liệu dành cho nông dân hoặc những quý ông yêu thích các hoạt động thể thao ngoài trời ở vùng nông thôn. Vải tweed dày dặn, thô ráp và chẳng có gì sang trọng nhưng lại là chất liệu lý tưởng cho bộ suit của Chanel với sự bền bỉ, linh hoạt, thoải mái và dễ thở. Coco Chanel đã nhìn thấy tiềm năng của vải tweed mà không ai khác nhìn ra. Điều này cho thấy bà không chạy theo sự hào nhoáng bề ngoài, mà tập trung vào trải nghiệm của người mặc, và thời trang phải phục vụ con người, chứ không phải ngược lại.

Những phiên bản đầu tiên của bộ suit sử dụng vải jersey len (một chất liệu không mấy đặc biệt nhưng đã được nhà thiết kế biến thành trang phục phi thường), nhưng vải tweed lại mang đến nhiều điều hơn thế. Nó giữ được phom dáng, rủ mềm mà không chảy xệ, ôm lấy cơ thể mà không gây gò bó. Ngoài ra, bộ suit Chanel có những điểm đặc biệt mà trước đó chưa từng có trong trang phục nữ giới. Áo khoác không cổ, dáng suông, giúp người mặc thoải mái mà vẫn sang trọng. Chân váy không bó chặt mà có độ xòe nhẹ, giúp dễ dàng di chuyển. 4 túi áo thực sự có thể sử dụng – một chi tiết nhỏ nhưng mang tính cách mạng, khi mà phần lớn trang phục nữ thời đó chỉ có túi giả mang tính trang trí. Chuỗi xích nhỏ may vào gấu áo để giữ phom dáng hoàn hảo – một chi tiết tinh tế vẫn còn tồn tại trong các thiết kế Chanel ngày nay.
Bộ suit này vừa đủ lịch sự để đi làm, vừa đủ thoải mái để đi chơi, lại vừa đủ sang trọng để dự tiệc – một thiết kế đáp ứng tất cả nhu cầu của người phụ nữ hiện đại. Bằng cách kết hợp vải tweed, một chất liệu đậm chất Anh, với phong thái thanh lịch kiểu Pháp, bà đã tạo nên một phong cách vượt thời gian cho phái đẹp.
NHỮNG THĂNG TRẦM VÀ SỰ TRỞ LẠI NGOẠN MỤC
Năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ, Chanel buộc phải đóng cửa thương hiệu của mình. Trong thời gian bà vắng bóng, nhiều nhà thiết kế nam thống lĩnh thị trường với các thiết kế tô vẽ phụ nữ theo gu thẩm mỹ của đàn ông. Đặc biệt là Christian Dior với sự ra mắt phong cách “New Look” – váy xòe rộng, eo thắt nhỏ – đưa phụ nữ quay lại hình ảnh nữ tính truyền thống mà Chanel đã đấu tranh để thoát ra. Bà mỉa mai: “Dior không thiết kế trang phục cho phụ nữ, ông ấy bọc họ như đồ nội thất”. Nhưng, Chanel không bỏ cuộc. Năm 1954, ở tuổi 71, bà quay lại Paris và một lần nữa định nghĩa lại thời trang nữ với bộ suit tweed – biểu tượng của sự thanh lịch hiện đại, chứ không phải sự rập khuôn.

Sự trở lại cũng đầy độc đáo và kiêu hãnh như chính con người bà. Bầu không khí tại số 31 phố Cambon vào ngày 5 tháng 2 năm 1954, buổi cho ra mắt bộ sưu tập hậu chiến đầu tiên của bà, được Charles-Roux, một nhà báo người Pháp, mô tả giống như khoảnh khắc cuối cùng trước khi tòa tuyên án. Không có nhạc, không hoa, không chương trình giới thiệu, không một lời mở màn – chỉ có trang phục lên sàn diễn. Vì với Chanel: “Haute couture không phải là sân khấu, thời trang không phải là nghệ thuật, mà là một nghề thủ công”.
Màn tái xuất ban đầu không gây tiếng vang ngay lập tức, nhưng chưa đầy một năm sau, bà đã giành lại vị thế nhờ sự đón nhận mạnh mẽ từ thị trường Mỹ. Và cuối cùng, chiến thắng thuộc về bà – bởi bà hiểu một chân lý đơn giản: trang phục càng thoải mái, người mặc càng toát lên vẻ thanh lịch. Coco Chanel không chỉ tạo ra một xu hướng – bà đã khởi xướng một cuộc cách mạng.
Từ thời Coco Chanel cho đến nay, bộ suit tweed vẫn không hề lỗi mốt. Karl Lagerfeld – người kế nhiệm Chanel – đã tiếp tục làm mới thiết kế này, giữ nguyên tinh thần tự do nhưng biến tấu để phù hợp với từng thế hệ. Ngày nay, không chỉ các thương hiệu cao cấp mà ngay cả thời trang bình dân cũng lấy cảm hứng từ bộ suit Chanel. Dù thay đổi qua từng thời kỳ, bộ suit Chanel vẫn giữ vững triết lý cốt lõi: thời trang phải giúp phụ nữ cảm thấy tự tin, thoải mái, và trên hết là tự do.

Nữ quyền là cho phụ nữ quyền được chọn, và bộ suit Chanel chính là minh chứng hoàn hảo cho điều đó. Một bộ trang phục đủ chỉn chu để đi làm, đủ thoải mái để đi dạo phố, đủ thanh lịch để dự tiệc – nó không chỉ là thời trang, mà còn là biểu tượng cho một người phụ nữ làm chủ cuộc đời mình. Dù là trong những năm 1920 hay thế kỷ 21, tinh thần mà Coco Chanel mang lại vẫn chưa bao giờ lỗi thời.