ANDREA SAVAGE
Lặng Nhìn Cuộc Sống Qua Lăng Kính Thiết Kế
Deluxe Vietnam 06 tháng 01,2025
Giã từ ánh hào quang trên sàn catwalk, Andrea Savage ghi dấu ấn nổi bật trong sứ mệnh kiến tạo không gian sống tinh tế với A Life By Design. Quan niệm rằng thiết kế đóng vai trò ngôn ngữ phổ quát kết nối mọi ngành nghề nghệ thuật cũng như cá nhân cùng thế giới xung quanh, quý cô đa tài còn lặng thầm lan tỏa tình yêu bất tận dành cho trang sức, đồng hồ – những tạo vật trở nên vô giá khi được cẩn trọng nâng niu và lưu truyền qua bao thế hệ.
A
ndrea Savage tự mô tả bản thân là “nhà thiết kế nội thất được đào tạo bài bản, người dẫn chương trình và nhân vật truyền hình nhờ trải nghiệm, cũng như người lạc quan về nhiều mặt trong thiết kế”. Tất cả phẩm chất nổi trội khắc họa nên chân dung CEO kiêm giám đốc sáng tạo đứng sau những không gian nội thất tinh tế phản ánh niềm đam mê cùng định hướng rõ ràng trong cuộc sống thực hiện bởi A Life By Design.Trước khi thành lập công ty riêng vào tháng 12 năm 2022, Andrea, người gốc Ấn Độ – Bồ Đào Nha và Anh, đã điều hành Design Intervention cùng với nhà thiết kế nội thất Nikki Hunt xuyên suốt 12 năm. Sản phẩm của họ kiêu hãnh xuất hiện trên nhiều ấn phẩm hàng đầu cũng như được đề cập trong “Andrew Martin Interior Design Review: A Definitive Guide to the World’s Top 100 Designers”, giống như ‘Giải Oscar’ trong thế giới thiết kế nội thất – theo lời Andrea chia sẻ. Trải nghiệm nghề nghiệp của cô còn bao gồm vai trò giám khảo kiêm người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, như Asian Design, Come On In, The Apartment và Celebrity Homes.
Công ty thiết kế của Andrea đã hoàn thành nhiều dự án khác nhau, bao gồm các công trình nhà ở, 27 căn hộ ngắn hạn ở Tây Úc, một loạt tổ ấm riêng tư cùng một phòng tập khiêu vũ rộng 7.100 foot vuông ở Singapore mà Andrea mô tả là “sắc sảo đồng thời mang phong cách pha trộn rock-and-roll với ballet”.
NHÃN QUAN TINH TƯỜNG TRONG THIẾT KẾ
Sinh ra ở Nairobi, Kenya, châu Phi, Andrea tận hưởng nền giáo dục tiên tiến tại Tây Úc, nơi gia đình cô di cư đến vào đầu những năm 1980. Trong một lần uống cà phê với bố tại một quầy bar ở David Jones, Andrea nhận được một danh thiếp từ hai người phụ nữ xa lạ. “Họ đưa ra lời mời tôi làm người mẫu. Tôi nghĩ đó là một trò đùa. Một tuần sau, tôi đọc tờ báo Chủ nhật đăng bài kèm theo ảnh cùng công ty mới thành lập của họ”, Andrea nhớ lại.
Cô bắt đầu sự nghiệp người mẫu đồng thời đến Singapore lần đầu vào năm 2000 để trình diễn thời trang. Một tuần ở đây đã trôi qua 24 năm kể từ khi Andrea ký hợp đồng với Diva Models và tiếp tục coi Singapore là quê hương của mình ngay cả sau khi chuyển từ sự nghiệp người mẫu thành công, sải bước trên sàn catwalk cho các thương hiệu như Emanuel Ungaro, sang theo đuổi đam mê thiết kế nội thất.
Năm 2010, sau khi đảm nhận một số công việc thiết kế, Andrea quyết định bản thân cần phải “mài sắc thanh kiếm của mình” và theo khóa học tại KLC School of Design, London. Cô hào hứng: “Tôi yêu thiết kế. Tôi sống và tôn thờ nghề này không chỉ bởi bản thân là một nhà thiết kế mà còn vì chính cảm giác mà nó mang lại. Tôi cũng có vinh dự chứng kiến cách thiết kế thể hiện quyền lực thay đổi cuộc sống, đưa con người vào một hành trình biến đổi, khơi gợi cảm xúc và giao tiếp xuyên biên giới. Thật không quá lời khi nói thiết kế đóng vai trò một ngôn ngữ phổ quát”. Hiện nay, Andrea thích lưu trú ở Singapore. “Đó là nơi tuyệt vời nhất để sống, phát triển, học tập cũng như làm việc. Tôi rất biết ơn từng khoảnh khắc sống tại đất nước này”, cô bộc bạch.
ĐẮM MÌNH TRONG THẾ GIỚI CỦA HỌA TIẾT CÙNG SẮC MÀU
Andrea thành lập A Life by Design với mục tiêu “bắt đầu thay đổi thay để giải quyết hiện trạng”. Cô rất mực tin rằng thiết kế đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sự tương tác của một cá nhân cùng thế giới. Ngôi nhà riêng của Andrea là ví dụ điển hình, thể hiện nhiệt huyết của bản thân cô với cuộc sống.
Căn hộ penthouse ‘theo chủ nghĩa tối đa’, nơi cô sống cùng chồng Cameron Richards – người sáng lập CPR Vision Management kiêm đồng Giám đốc Điều hành đương nhiệm của A Life by Design, hai con – Julian chín tuổi và Allegra sáu tuổi, tôn vinh những hoa văn táo bạo, chẳng hạn như sọc ngựa vằn cùng họa tiết Ai Cập, có lẽ là kết quả của quá khứ lâu dài kết nối gia đình Andrea ở châu Phi, đồng thời gợi vô số câu chuyện mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của con người.
Không có gì ngạc nhiên khi hướng thiết kế nội thất này còn mở rộng sang phong cách thời trang cùng trang sức cá nhân Andrea. Cô chia sẻ: “Nó có thể nhẹ nhàng hoặc kịch tính nhưng quan trọng là diễn giải tính nghệ thuật của từng chi tiết. Tôi nhìn mọi thứ từ lăng kính thiết kế, vì vậy hết lòng yêu một món đồ vì trọng lượng, chi tiết, tỷ lệ và tất nhiên cả cảm giác mà nó mang lại khi đeo hoặc thậm chí nhìn thấy”. Cô hướng tới những thương hiệu, như Cartier, gây ấn tượng bởi “hiệu ứng tương phản giữa ngọc lục bảo và các loại đá màu đen bên cạnh sự cứng cáp trong thiết kế”. Vài thương hiệu trang sức khác mà Andrea cũng rất mực yêu thích là Freywille và Fope. Chưa dừng ở đấy, trái tim cô không ít lần loạn nhịp trước trang sức Chanel mang hơi thở hoài cổ.
TRANG SỨC THÌ THẦM KỂ NHỮNG CÂU CHUYỆN HẤP DẪN
Sở hữu phong thái lịch sự và chỉn chu, Andrea không tin vào việc đeo trang sức chỉ để khoe khoang, vì “chúng thể hiện con người tôi. Tôi có tình cảm đặc biệt dành cho những đồ vật gia truyền. Món cổ điển nhất là chiếc đồng hồ Patek Philippe mà ông từng mua tặng bà. Tạo vật tuyệt đẹp với vỏ vàng trắng và vành gờ kính nạm kim cương hoàn toàn. Nhẫn chỉ là nhẫn hay bông tai cũng chỉ là bông tai. Tuy nhiên, khi được trao đi bằng tình yêu, tất cả bỗng trở nên vô giá”.
Bà nội người Ấn Độ cũng để lại cho Andrea nhiều món kỷ vật tình cảm, bao gồm khuyên tai đính đá màu chưa cắt, dây chuyền vàng 22K cùng vòng tay chạm khắc. “Những chiếc vòng tay theo truyền thống được đeo thành một bộ. Bạn không mua mà phải được trao tặng. Bởi lẽ, chúng tượng trưng cho điều may mắn và thịnh vượng. Tôi đeo những tạo vật đó với tất cả niềm tự hào hòa lẫn tình yêu dành cho di sản của mình cũng như ý nghĩa ẩn trong từng món đồ giúp gắn kết chúng tôi là một gia đình. Tôi luôn cố gắng gìn giữ tất cả cho con gái Allegra và con trai Julian”.
Andrea trân quý truyền thống cùng ký ức tuổi thơ gắn liền những món đồ trang sức vừa đề cập, đặc biệt là vòng tay bằng vàng của Ấn Độ. “Thuở nhỏ, tôi tìm thấy mẹ trong siêu thị hoặc thư viện khi nghe thấy tiếng leng keng vang lên từ chính những chiếc vòng vàng bà đeo”, theo lời nhà thiết kế, người thích kết hợp chúng với chiếc đồng hồ vì mang lại phong cách hiện đại hơn. Bạn bè, những người gần như được coi là gia đình, đã đóng góp vào bộ sưu tập trang sức thuộc sở hữu Andrea. Một trong số đó có David Tan, giáo sư và cựu phó trưởng khoa tại Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Singapore, người có vài tác phẩm may đo đã được thảo luận trong một số ấn phẩm thời trang. Cô chia sẻ: “Trong cương vị người bạn thân thiết, anh ấy tặng tôi rất nhiều món quà tuyệt vời, gần đây nhất là món đồ cổ điển mang thương hiệu Lanvin từng được thiết kế bởi nhà thiết kế thời trang quá cố Alber Elbaz”.
TÌNH YÊU BẤT DIỆT RIÊNG DÀNH TRANG SỨC VÀ ĐỒNG HỒ
Khi được hỏi liệu có bao giờ hối hận khi mua hay đeo món đồ nào đó không, Andrea cười và nhẹ nhàng đáp: “Không bao giờ! Tôi yêu từng món một nên không hề hối hận”. Có lẽ, tuổi tác có liên quan đến sự tự tin của cô ấy. Quý cô xinh đẹp khẳng định: “Điều tôi thích khi ở độ tuổi 40 là tìm thấy sự tự tin và chẳng ngại ngùng khi làm theo lời mách bảo của nữ thần nội tâm hiện hữu bên trong mỗi người chúng ta đồng thời thể hiện qua trang sức cùng những gì tôi cảm thấy muốn trưng diện vào bất kỳ thời điểm nào”.
Về những bổ sung trong tương lai cho bộ sưu tập cá nhân, Andrea chú ý đến một số tuyệt phẩm thuộc bộ sưu tập Panthère của Cartier. “Tôi yêu thích các tuyên bố cùng di sản thương hiệu”. Bên cạnh đó, những chiếc đồng hồ bắt mắt luôn được chào đón. “Bạn không thể có tất cả mọi thứ nhưng mỗi tạo vật mà mình có duyên sở hữu phải mang ý nghĩa đồng thời tôn vinh dịp hoặc khoảnh khắc nào đó”, cô nói khi liệt kê bộ sưu tập đồng hồ hiện tại bao gồm nhiều sản phẩm mang thương hiệu Valentino, Chanel, TAG Heuer và Cartier.
Andrea cũng có ý định đến tiệm kim hoàn King Street Design, Sydney – doanh nghiệp gia đình từng chế tác nhẫn đính hôn cho cô – để yêu cầu một số sản phẩm mới mang phong cách Art Deco, khảm men và nạm kim cương. “Khi còn là người mẫu, tôi được mời tham dự một buổi trình diễn của Bulgari và họ yêu cầu cởi bỏ đồ trang sức cá nhân. Tôi đã giữ chiếc nhẫn đính hôn cùng những món đồ khác trên khay nhung cửa hàng. Lúc quay lại, nữ nhân viên bán hàng hỏi tôi đã mua trang sức ở đâu, vì lâu rồi cô ấy chưa thấy chuyên môn khéo léo như thế”, cô chia sẻ lí do vì sao thích những tạo vật tùy chỉnh tương tự.
ĐỒNG LÒNG DƯỠNG NUÔI NHỮNG HOÀI BÃO LỚN
Hiện tại, Andrea vẫn bận rộn với công việc cũng như những đóng góp với tư cách thành viên ủy ban Liên đoàn Thiết kế Nội thất Singapore. Bên cạnh đó, cô còn là thành viên cộng đồng lãnh đạo toàn cầu YPO (Young Presidents Organisation, Singapore Lion City). Cô giải thích thêm về tầm quan trọng của tổ chức: “Chúng tôi cởi mở chia sẻ nguồn lực cùng kinh nghiệm, dựa trên các nguồn lực cấp cao và từ một lĩnh vực rộng lớn hơn, để làm phong phú, truyền cảm hứng cũng như thúc đẩy sự phát triển của những nhà lãnh đạo giỏi”.
Sự hiện diện gần đây tại YPO Global Leadership Conference, Istanbul đã mang lại một kết quả vang dội: “Tương lai vốn dĩ không chắc chắn. Dẫu rằng không ai thích điều này, nhưng khi môi trường thay đổi, mỗi cá nhân, tổ chức cần sẵn sàng đón nhận sự thay đổi đó”. Và tất nhiên, việc chủ động thiết kế nên cuộc sống như bản thân hằng mong đang lặng thầm soi lối Andrea Savage.