BENTLEY T-SERIES RETURNS HOME
Trở Về Dưới Mái Nhà Xưa
Deluxe Vietnam 24 tháng 09,2024
Bentley T-Series lâu đời nhất thế giới, chiếc saloon tiêu chuẩn màu Shell Grey, đã trở lại Crewe sau 59 năm. Được hồi sinh một cách tinh tế và giữ lại phần lớn các bộ phận cũng như thiết bị vận hành ban đầu, cỗ xe có vị trí quan trọng trong Bentley Heritage Collection, bộ sưu tập xe đường trường và xe đua, kể câu chuyện 105 năm lịch sử vẻ vang.
V
ào năm 1958, công việc thiết kế những chiếc Bentley và Rolls-Royce thân liền bắt đầu, nhằm thay thế những thân xe được củng cố bởi một khung gầm riêng biệt. Kết quả là chiếc xe được Bentley và Rolls-Royce bán ra thị trường lần lượt gắn với tên T-Series cùng Silver Shadow. Đến năm 1962, John Blatchley – người nổi tiếng với kiểu dáng của R-Type Continental – hoàn thành thiết kế ngoại thất mới cho thân xe liền bằng thép kết hợp nhôm. Thiết kế được cải thiện về không gian dành cho hành khách của S3 trước đó, nhưng với tổng thể chiếc xe ngắn hơn 7 inch, thấp hơn 5 inch và hẹp hơn 3 inch rưỡi.Sử dụng động cơ V8 6,23 lít, công suất 225 mã lực, bảy nguyên mẫu hoàn thành thử nghiệm quan trọng, bao gồm cả những quãng đường chạy bền trên 100.000 dặm. Vào thời điểm đó, động cơ đạt công suất riêng theo trọng lượng cao nhất so với bất kỳ chiếc ô tô nào trên thế giới là 2,7 lb/hp (1,2 kg/hp). Chuỗi cải tiến về thiết kế bao gồm các khung phụ riêng biệt để mang động cơ, cụm hộp số, hệ thống treo, hệ thống lái và trục sau, với giá đỡ khung phụ bằng cao su ‘Vibrashock’ cách ly tiếng ồn, độ rung trên đường. Minh chứng rõ ràng về kỹ thuật mang tính cách mạng, Bentley T-Series là chiếc Bentley đầu tiên không sử dụng khung gầm riêng biệt. Kết cấu tương đối nhẹ mang lại hiệu suất ấn tượng cho chiếc xe bốn bánh vào năm 1965, với tốc độ tối đa 115 mph và mất 10,9 giây để tăng tốc từ 0 lên 100 km/h.
Mang số khung gầm SBH1001, T-Series từng sử dụng làm xe thử nghiệm và xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông sau buổi ra mắt tại Paris Salon de l’Auto 1965. Tuy nhiên, khi được tìm thấy dưới mái che trong kho, chiếc xe đã không hoạt động trong nhiều thập kỷ và bị thiếu một số bộ phận quan trọng, bao gồm toàn bộ nội thất. Vì đây là chiếc T-Series đời đầu – tương tự Rolls-Royce Silver Shadow – ra khỏi dây chuyền sản xuất, nên Bentley quyết định hồi sinh, bảo tồn càng nhiều đặc tính nguyên bản càng tốt.
Mike Sayer, Quản lý Bentley Heritage Collection, giải thích: “T-Series là một trong hai mảnh ghép cuối cùng để hoàn thành Heritage Collection trẻ hóa. Giám đốc Truyền thông, Wayne Bruce và tôi thực sự đã tìm thấy chiếc xe dưới tấm bạt phía sau một nhà kho. Vì đây là khung gầm đầu tiên nên chúng tôi biết mình phải cứu nó. Cùng với T-Series Mulliner Coupe, chiếc sedan hồi sinh này hoàn thiện câu chuyện di sản của Bentley giai đoạn 1960 – 1970, và hiện là chiếc Bentley đầu tiên sử dụng cấu trúc liền khối”.
Sau khi được nhóm học viên Bentley tháo dỡ và đánh giá tổng thể, việc vận hành lại T-Series giao cho nhóm chuyên gia P&A Wood, đội ngũ chuyên gia bảo quản và phục chế những chiếc Bentley cổ điển, kiêm đối tác cho các dự án Heritage Collection. Louise Wood, con gái nhà đồng sáng lập Andrew Wood, đứng đầu dự án, dưới hỗ trợ của Giám đốc Coachwork Dave Lowe – người có 23 năm gắn bó cùng P&A Wood.
Trong quy trình phục hồi Bentley T-Series, các bộ phận chính của hệ thống truyền động ở tình trạng tốt một cách đáng ngạc nhiên. Chỉ cần bảo dưỡng tỉ mỉ đồng thời kết hợp điều chỉnh một chút phần hộp số, động cơ đã hoạt động trở lại sau 15 năm im hơi lặng tiếng. Trục sau cũng ở trạng thái tuyệt vời và chỉ yêu cầu bổ sung các chốt mới. Những thách thức lớn đối với nhóm bao gồm thiếu bảng điều khiển, không có trang trí nội thất, hệ thống dây điện rời rạc không sơ đồ chi tiết, quá trình ăn mòn xung quanh khung phụ phía sau cũng như các lần sửa chữa va chạm kém chất lượng trước đó. Với ít phụ kiện thay thế có sẵn trên kệ, nhóm nghiên cứu đã tìm được chiếc xe của nhà tài trợ hiện hết tuổi thọ. Do đặc điểm kỹ thuật của T-Series phát triển qua nhiều năm, điều quan trọng là xe tài trợ – Rolls-Royce Silver Shadow – cũng phải là mẫu xe đời đầu.
Dòng T có giá đỡ Vibrashock chống rung cải tiến cùng hệ thống treo có thể điều chỉnh độ cao thủy lực hai mạch, tất cả đều trải qua quy trình đại tu kỹ lưỡng. Hệ thống ống thủy lực được thay thế và các bộ phận như van phân bổ lực phanh tái khôi phục hoạt động hoàn toàn. Việc đi lại dây điện, lắp bảng điều khiển là công việc quan trọng, đòi hỏi rất nhiều thời gian cùng sự kiên trì.
Trong khi đó, lớp sơn bị bong tróc, để lộ công việc sửa chữa thực hiện kém bên cạnh nhiều khoảng trống trên bảng điều khiển không nhất quán, sau va chạm. Một cánh gió sau bị ăn mòn, cần phải thay thế. Tiếp đó, toàn bộ xe trải qua công đoạn ứng dụng nhiều lớp sơn lót cao cấp 2k, mỗi lớp được chà nhám cẩn thận khi khô. Dave Lowe giải thích: “Chúng tôi dành rất nhiều thời gian làm mềm mại các cạnh panel, để chúng trông không giống như cắt từ lớp trám lót. Và, mặc áp dụng các lớp hoàn thiện hai thành phần hiện đại, chúng tôi đã cố gắng thực hiện mọi thứ theo cách cũ của Crewe”.
Điều vừa đề cập trên đây bao gồm chà nhám lần cuối với chất mài mòn 8000 grit rồi đánh bóng bằng máy. Các chi tiết sáng và cản va được làm sạch kết hợp đánh bóng nhưng không mạ crôm – bảo toàn lớp gỉ nguyên bản. Câu chuyện đó giờ đây bắt đầu một chương mới, khi T-Series được hợp nhất với biển số đăng ký cũ, 1900 TU, chính thức góp mặt vào Bentley Heritage Collection. Cùng với 45 chiếc xe khác trong bộ sưu tập, T-Series được trưng bày vĩnh viễn trong khuôn viên Crewe đồng thời duy trì điều kiện đường bộ hợp pháp để có thể lái khi cần thiết.