LAB-DIAMOND
Tương Lai Nào Cho Kim Cương Nhân Tạo?
Deluxe Vietnam 11 tháng 09,2024
Kim cương nhân tạo (kim cương được sản xuất trong phòng thí nghiệm) đang trải qua một đợt giảm giá khá mạnh. Nhiều người có thể cho rằng đây là một tình trạng đáng lo ngại, nhưng trên thực tế, chúng ta có thể xem đó như là một bước tiến tích cực cho ngành công nghiệp kim cương. Với sự phát triển của công nghệ, giá trị và cách sử dụng kim cương nhân tạo đang dần được định hình lại, từ đó mở ra nhiều cơ hội hơn cho người tiêu dùng.
S
ự phát triển của công nghệ sản xuất kim cương tổng hợp đã bắt đầu từ năm 1954. Kể từ đó, cuộc tranh luận về việc liệu kim cương nhân tạo có thể được đặt ngang hàng với kim cương tự nhiên hay không vẫn luôn diễn ra sôi nổi. Một mặt, cả hai loại đều có cấu trúc hóa học giống nhau và không thể phân biệt bằng mắt thường. Mặt khác, kim cương tự nhiên mang trong mình sự hiếm có và giá trị – thứ mà giới thượng lưu luôn khát khao tìm kiếm. Điều này tạo ra một sự mâu thuẫn giữa giá trị cảm xúc và thực tế sản xuất.Thế nhưng theo thời gian dần trôi, thị trường đã có nhiều thay đổi đáng chú ý. Vào năm 2022, ngành công nghiệp kim cương nhân tạo được định giá lên tới 24 tỷ đô la. Tuy nhiên, vào tháng 5, De Beers, một tên tuổi lâu đời trong ngành, đã công bố giảm giá kim cương nhân tạo từ 800 đô la xuống còn 500 đô la mỗi carat. CEO của De Beers Brands, Sandrine Conseiller, cho biết quyết định này phản ánh nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời cũng cho thấy xu hướng chung trong ngành kim cương tổng hợp.
Mặc dù động thái này có thể làm giảm giá trị của kim cương nhân tạo trong mắt một số người, nhưng nó cũng tạo ra cơ hội cho những ứng dụng sáng tạo mới. Helen Molesworth, một nhà nghiên cứu trang sức tại Bảo tàng Victoria và Albert ở London, nhấn mạnh rằng công nghệ sản xuất kim cương nhân tạo giúp sản phẩm này trở nên dễ tiếp cận hơn, nhưng cũng cho rằng nó không đáp ứng được tiêu chí cổ điển về đá quý, bao gồm vẻ đẹp, độ bền và sự hiếm có. Kim cương nhân tạo không hiếm có như kim cương tự nhiên, vì vậy chúng thiếu đi một phần nào đó “ma thuật” về giá trị tinh thần và cảm xúc mà các loại đá quý tự nhiên mang lại.
Tuy nhiên, kim cương, bất kể nguồn gốc sản xuất, vẫn sở hữu những ưu điển quyến rũ. Chúng tự hào là chất liệu cứng nhất trên Trái Đất và có sức hấp dẫn không thể phủ nhận đối với con người. Ngoài ra, kim cương nhân tạo có thể được chế tác theo những cách thức độc đáo mà kim cương tự nhiên không thể nào làm được. Mẫu đồng hồ TAG Heuer Carrera Plasma sử dụng những viên kim cương hình dạng không đều, minh chứng cho khả năng sáng tạo mà kim cương nhân tạo mang lại.
Trong một thế giới mà công nghệ đang thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về giá trị, có thể kim cương nhân tạo cần một hướng tiếp cận mới mẻ và sáng tạo hơn. Thay vì chỉ coi chúng như một sản phẩm thay thế cho kim cương tự nhiên, chúng ta cần xem xét việc tích hợp chúng vào các lĩnh vực như nội thất, ô tô, và đồ gia dụng. Cái đẹp và sự sáng tạo không nên bị giới hạn trong những quy chuẩn cũ mà nên được mở rộng ra để thể hiện ở nhiều mặt độc đáo và khác biệt.
Cuối cùng, như Molesworth đã chỉ ra, con người sử dụng đá quý để thể hiện bản thân – đó là cách chúng ta định vị chính mình giữa xã hội. Ở một thế giới mà quá trình hàng triệu năm kim cương ấp ủ dưới lòng địa chất đã được giải quyết một cách chớp nhoáng bằng công nghệ, có lẽ điều quý giá hơn cả chính là khả năng sáng tạo của chúng ta. Liệu rằng chúng ta có thể tìm ra những cách mới để thể hiện sắc màu và cá tính của mình thông qua những viên kim cương nhân tạo? Thời gian sẽ cho thấy câu trả lời.