THE RISING STAR OF KOREAN TAILORING
Đưa Thời Trang Bespoke Từ Savile Row Đến Seoul

Deluxe Vietnam 26 tháng 07,2024

Từ lâu, tín đồ trang phục may đo vẫn không thôi tán tụng những hiệu may lâu đời trên phố Savile Row huyền thoại hay ẩn mình giữa trung tâm vùng Florence với bao mỹ từ. Giờ đây, thói quen đó hẳn thay đổi khi họ bắt gặp nhiều thiết kế trang phục bespoke tinh tế bội phần được thực hiện bởi đội ngũ thợ may trẻ đến từ Hàn Quốc, người rất đỗi khao khát chinh phục đông đảo khách hàng toàn cầu, trên đà thành công rực rỡ của làn sóng Hallyu.

K

hi kết hôn vào tháng 12 năm ngoái, luật sư kiêm người hâm mộ ngành may đo, Mark Lee, mặc tuxedo sợi mohair đen, với ve áo làm từ vải grosgrain mờ xuất xứ Florence. Tuy nhiên, bộ vest trang trọng có cấu trúc mềm mại không phải được sản xuất bởi một trong những hãng thời trang châu Âu lâu đời mà là một thợ may Hàn Quốc, người vừa khởi nghiệp chỉ hai năm vào thời điểm đó.

Vào tháng 8 năm 2020, Cheolmin Kim thành lập thương hiệu may đo bespoke Maestoso tại Seoul, sau khi kết thúc khóa đào tạo và học việc trong bốn năm rưỡi ở trung tâm may đo nổi tiếng nước Ý, Florence. Quý ông gốc Seoul cũng là thợ may đầu tiên mà chuyên gia giày nam địa phương Mason & Smith hợp tác khi bước vào thế giới trang phục. Xuất hiện tại một trunk show gần đây, Cheolmin nổi bật bởi phong thái bảnh bao trong bộ vest do chính mình thực hiện. Trên thực tế, chính Mark là người kết nối hai bên. Năm 2021, anh tình cờ biết và phát hiện ra rằng Cheolmin đã được đào tạo bởi một trong những thợ may thường xuyên của mình, Hojun Choi – người từng là học viên cấp cao tại nhà may nổi tiếng vùng Florentine – Liverano & Liverano, trước khi thành lập cửa hàng riêng cũng ngụ nơi này, Sartoria Salabianca.

Thoải mái nhưng vẫn lịch sự trong bộ suit xanh navy Maestoso dáng mềm mại đặc trưng nghề cắt may miền Nam nước Ý, Mark bộc bạch: “Khi gặp Cheolmin và nhìn quần áo do cậu ấy thực hiện, tôi thấy chúng rất đẹp, giống những bộ đồ tôi may ở Florence. Thế nên, tôi cùng một người bạn đã khuyến khích chàng thợ may trẻ đến Singapore tham dự trunk show đầu tiên diễn ra hồi tháng 2 năm ngoái. Chúng tôi tự hào giới thiệu Cheolmin với John (Chung, nhà sáng lập Mason & Smith). Điều này thật tuyệt, vì sẽ khó thực thi nếu cậu ấy phải đến Singapore và tự mình tiếp thị”.

ĐIỀU GÌ ĐÃ TẠO NÊN NGÀNH MAY ĐO HÀN QUỐC NĂNG ĐỘNG?

Maestoso chỉ là một trong những thương hiệu Hàn Quốc tạo dấu ấn đậm nét giữa ngành may mặc địa phương thời gian gần đây. Một trong những người tiên phong của làn sóng may đo Hàn Quốc là B&Tailor, người đã tổ chức các trunk show giới thiệu sản phẩm tại Singapore do cửa hàng quần áo nam Last & Lapel tổ chức từ năm 2017. Thành lập năm 1967, hiệu may Hàn được dẫn dắt bởi thợ may bậc thầy Jung-Yul Park cùng các con trai, Chad và Changjin.

Góp phần lan tỏa hình ảnh ngành may bespoke xứ kim chi ra nước ngoài, The Decorum Singapore mang đến Assisi Bespoke House, công ty có trụ sở tại Seoul được thành lập năm 2020 bởi Kim Min Soo, người chủ yếu tự học nhưng trải qua khóa học ngắn hạn ở Milan. Trong khi đó, Benjamin Barker giới thiệu Ascottage, thương hiệu may đo ba năm tuổi được đồng sáng lập bởi Geoffrey Shin, cựu sinh viên tu nghiệp ở phố Savile Row nổi tiếng vương quốc Anh.

Suy ngẫm về điều tạo nên khác biệt của đội ngũ thợ may Hàn Quốc, Charles Yap, chủ sở hữu The Decorum Singapore, cho biết: “Các thợ may Hàn Quốc, đặc biệt là người trải qua thời gian trau dồi nghề nghiệp ở nước ngoài, mang đến điều tốt nhất của cả hai thế giới. Khi bạn gặp một thợ may người Ý với tư duy thẩm mỹ tinh tế, đầy chất nghệ thuật, họ sẽ tạo ra một bộ quần áo rất Ý. Những người Hàn Quốc học nghề ở phương Tây tận dụng tối đa những gì chắt lọc ở đó đồng thời bổ sung thêm mức độ chính xác cùng sự chú ý tỉ mỉ đặc trưng châu Á”.

Giải thích lý do tại sao bắt đầu đưa B&Tailor trở lại vào năm 2017, chủ sở hữu Last & Lapel, Alvin Gan, nhấn mạnh: “Lấy cảm hứng từ phong cách Florentine và Neapolitan, nhưng B&Tailor đã biến nó thành của riêng mình. Từng thử cộng tác cùng nhiều thợ may, tôi nghĩ họ là một trong những người giỏi nhất cả về phong cách, tay nghề lẫn tính chuyên nghiệp khi làm việc với đối tác”.

Trong số các thợ may châu Á, người Nhật cũng rất được kính trọng vì năng lực kỹ thuật cùng gu ăn mặc chỉn chu. Tuy nhiên, họ ít có xu hướng rời khỏi đất nước mình để giao lưu với khách hàng nước ngoài, một phần vì thị trường nội địa đang phát triển mạnh. Theo lời Cheolmin, ngành may đo đã trở thành xu hướng tại Hàn Quốc trong vài năm qua, nhưng khoảnh khắc hoàng kim đó giờ không còn nữa. Điều này khiến anh cùng nhiều đồng nghiệp buộc phải mạo hiểm vượt ra khỏi biên giới đất nước mình.

SỨC HÚT ĐẾN TỪ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI CÙNG VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG

Thợ may địa phương Matthew Lai, chủ sở hữu thương hiệu may đo bespoke Kay-Jen, nhận thấy khách hàng ngày càng tò mò về thợ may Hàn Quốc. Anh cho biết: “Khách hàng của tôi chủ yếu ở độ tuổi từ 30 đến 40. Một số người tìm thấy tôi qua Instagram, cách mà họ biết đến nhiều thợ may khác trên toàn thế giới. Một số người đi theo thợ may khác đến đây để xem các buổi trunk show, thử trang phục và chia sẻ trải nghiệm”.

Nhiều ý kiến cho rằng sự thống trị của văn hóa Hàn Quốc mở ra cánh cửa cho nhiều mặt hàng xuất khẩu khác nhau, bao gồm cả ngành may mặc. Alvin chia sẻ: “Tôi không nói rằng văn hóa đại chúng đã dẫn đến sự quan tâm trực tiếp đến ngành may mặc Hàn Quốc, nhưng chắc chắn mang đến cơ hội phát triển cho mọi lĩnh vực. Khi mà thế giới sẵn sàng thử tất cả các loại sản phẩm có nguồn gốc từ Hàn, thì ắt hẳn họ cũng chú ý đến ngành may đo”. Vào năm 2021, khi bộ phim truyền hình Vincenzo phát sóng trên Netflix, hai khách hàng đến cửa hàng để hỏi những bộ vest cưới giống với bộ trang phục mà nhân vật chính, luật sư bảnh bao người Hàn gốc Ý do Song Jong-ki thủ vai, từng mặc. Matthew Lai cười lớn: “Tôi đã nói với họ rằng bộ đồ sẽ có những khác biệt nhất định. Bởi lẽ, tôi phải điều chỉnh mọi thứ cho phù hợp với tỷ lệ cơ thể mỗi người”.

CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ CAO CẤP ĐI CÙNG MỨC GIÁ DỄ TIẾP CẬN

Ở mức độ thực tế, một lý do thường được nhắc đến khiến các thợ may Hàn Quốc ngày càng nổi tiếng ở đây là dịch vụ có giá dễ tiếp cận hơn so với một số đối tác châu Âu. Để đánh giá đúng đắn điều này, bạn có thể tham khảo danh sách các thợ may quốc tế của The Decorum. Trong đó, Liverano & Liverano dẫn đầu sản phẩm bespoke cao cấp, mang tới chiếc áo khoác có giá từ 9.900 USD, trong khi Assisi tương đối dễ tiếp cận, bộ vest made-to measure chỉ từ 3.600 USD. Thật tình cờ, thợ may kiêm thợ cắt cao cấp của Liverano, Seung Jin An, cũng là người Hàn Quốc!

Charles tiết lộ: “Với mức giá vừa đề cập, Assisi chắc chắn được khách hàng ưa chuộng hơn”. Theo anh, mức độ nổi tiếng của Assisi đều đặn tăng kể từ khi họ bắt đầu tổ chức các buổi trunk show vào năm 2022. The Decorum đưa team đến Singapore bốn lần một năm. Anh bổ sung thêm: “Các buổi trình diễn kéo dài bốn ngày ở Assisi dần kín chỗ, với những khách hàng đặt lịch hẹn và cả người đến trực tiếp. Tỷ lệ khách quay lại cao, với khoảng 70% khách hàng đặt thêm quần áo”.

Khả năng tiếp cận là một yếu tố quan trọng khác khiến người dân địa phương ngày càng quan tâm đến ngành may mặc Hàn Quốc. Vị trí tương đối gần của ‘xứ sở kim chi’ với ‘quốc đảo sư tử’ giúp các thợ may nước này thuận tiện ghé thăm hơn. Trong khi nhóm Assisi đến đây để tổ chức trunk show hàng quý, lấy số đo từ khách hàng mới và thử sản phẩm cho khách hàng hiện có. Cheolmin của Maestoso ghé lại Singapore ít nhất ba lần một năm.

DƯỠNG NUÔI CÁC MỐI QUAN HỆ LÂU DÀI

Khi có một thợ may đáng tin cậy, người biết rõ đặc điểm cơ thể và dành nhiều thời gian để may những bộ quần áo cho phép bạn tận dụng tối đa chúng, thì việc duy trì mối quan hệ bền chặt với họ là điều gần như không thể tránh khỏi. Mark, người hâm mộ trang phục nam trung thành, cho biết: “Nếu tôi ở Hàn Quốc và Hojun (của Sartoria Salabianca) đến tham dự trunk show, anh ấy sẽ đưa tôi đi khắp nơi để thưởng thức các món ăn địa phương. Cheolmin cũng sẽ làm như vậy”.

Tại The Decorum, khách hàng của các thợ may bay đến tham dự trunk show thường thích được đi thăm thú vùng lân cận. Charles cho biết: “Khách hàng của chúng tôi thường đề nghị đưa họ đi chơi, vì mối quan hệ không dừng lại ở ngưỡng doanh nghiệp – người mua nữa mà đã lớn dần lên thành bạn hữu”.

Thật vậy, khách hàng trung thành thường tiến một bước xa hơn bằng cách giúp ủng hộ các nhà may và thương hiệu mà bản thân tin tưởng, giống như Mark đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Cheolmin thâm nhập thị trường địa phương. Singapore đóng vai trò điểm đến quen thuộc của đông đảo khách hàng Đông Nam Á, nên lượng người nước ngoài làm việc tại đây cũng có thể giúp nâng cao danh tiếng đội ngũ thợ may đầy tâm huyết với các quốc gia láng giềng. Charles chia sẻ: “Chúng tôi có một khách hàng người Philippines sống ở Singapore. Anh trở thành người bạn tốt của Assisi đến mức khuyến khích họ khám phá thị trường Philippines, với một cửa hàng nổi tiếng mang tên Signet. Mỗi lần họ ghé lại, người bạn tuyệt vời này đều bay tới để gặp gỡ và phụ bán sản phẩm”.

Đối với Cheolmin, khách hàng am hiểu thời trang không chỉ đơn thuần là người mua. Anh nói: “Với tư cách thợ may và người yêu cái đẹp, tôi luôn mong muốn cải thiện, phát triển nhiều hơn. Tôi đã học được vô vàn điều hay từ khách hàng của mình ở Singapore. Những cuộc trò chuyện thú vị cùng họ mang đến cho tôi nguồn cảm hứng cùng sự khích lệ quý giá”.

BẠN SẼ THÍCH

Đồng hồ

RADO
Captain Cook, True Square, Centrix

Deluxe Vietnam
Trang phục

HEAD X PORSCHE
Hiệp Lực Bứt Phá Tốc Độ

Deluxe Vietnam
Đồng hồ

ROLEX
Nghệ Thuật Thời Gian Trên Mặt Số Đồng Hồ

Deluxe Vietnam
Trang phục

MAISON LANVIN
Di Sản Của Sự Thanh Lịch

Deluxe Vietnam
Đồng hồ

BLANCPAIN AIR COMMAND FLYBACK CHRONOGRAPHS
Lặng Lẽ Đếm Từng Khoảnh Khắc Bên Anh

Deluxe Vietnam

Xu hướng

Nhà cửa

XU HƯỚNG SÂN VƯỜN 2021
Hòa Mình Cùng Thiên Nhiên

Thảo Nguyên
Nhà cửa

XU HƯỚNG THIẾT KẾ 2021
Trọn Vẹn Một Mùa Yêu Thương

Hằng Nho
Văn Phòng

XU HƯỚNG VĂN PHÒNG 2021
Thi Vị Hóa Không Gian Làm Việc

Thảo Nguyên
Điểm đến

AMANSARA
Một Nét Hoài Niệm Về Đông Dương

Minh Quân
Điểm đến

BANYAN TREE
Vấn Vương Lòng Viễn Khách

Minh Quân
error: Content is protected !!