ESG INVESTMENT AND IMPACT INVESTMENT
Giải Mã Hai Xu Hướng Đầu Tư Bền Vững
Deluxe Vietnam 23 tháng 04,2024
Đầu tư có chủ ý vẫn là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm lớn trong thế giới tài chính. Dẫu khát khao chung tay đóng góp vì xã hội, cộng đồng, nhưng nhiều nhà đầu tư thật sự bối rối trước đa dạng sản phẩm tưởng chừng giống nhau, như ESG Investment và Impact Investment, cùng hiện diện. Trong tình huống này, câu hỏi đặt ra là làm thế nào phân biệt các khái niệm cũng như lựa chọn sản phẩm bền vững phù hợp nhất để dòng vốn phát triển một cách tối ưu?
N
ếu ai đó cho rằng ESG Investment và Impact Investment có thể thay thế cho nhau thì họ hoàn toàn không đơn độc. Bởi lẽ, một số nhà giáo dục cùng nhà đầu tư thông minh, tinh tế nhất trên thế giới cũng gặp khó khăn trong phân biệt hai khái niệm. Nhằm đơn giản hóa khái niệm đầu tư bền vững, những thông tin ngay dưới đây cung cấp cơ sở để chúng ta phân biệt ESG investment – môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp và Impact investment – đầu tư tác động. Thực tế, ESG được địa hạt công thực hiện, còn đầu tư tác động phát triển thông qua nỗ lực của địa hạt tư nhân. Do đó, trong khi ESG có thể ví như kim chỉ nam nâng cao nhận thức về các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị, thì bản chất đầu tư tác động vì lợi nhuận đóng vai trò động lực dẫn lối hành động có lợi cho cộng đồng đồng thời thúc đẩy mở rộng dòng vốn.ESG INVESTMENT Kim chỉ nam nâng cao nhận thức về môi trường, xã hội và quản trị
ESG nổi lên vào năm 2004 như một nỗ lực chung của Liên Hợp Quốc, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Chính phủ Thụy Sỹ nhằm hỗ trợ ngành tài chính xem xét các vấn đề ESG trong quá trình ra quyết định đầu tư chính thống (mặc dù nguồn gốc của nó tồn tại trong trách nhiệm xã hội, hoạt động hoặc SRI). Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì phần lớn tiến bộ cơ bản trong đầu tư tập trung vào xã hội hoặc môi trường trong thời gian qua đều được thúc đẩy bởi chính phủ, đặc biệt là các chính phủ EU và Vương quốc Anh.
Các sản phẩm ESG sử dụng thang điểm đánh giá. Hệ thống này chỉ định cho mỗi doanh nghiệp trong danh mục một điểm số để đánh giá mức độ tích hợp các khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị vào quy trình sản xuất. Đánh giá giới hạn ở hành vi doanh nghiệp và không bao gồm phân tích hoạt động kinh doanh của họ. Rõ ràng hơn, thang điểm ESG đo lường mức độ hiệu quả doanh nghiệp này so với doanh nghiệp khác. Điều vừa đề cập dựa trên trước hết là tiêu chí về môi trường được cân nhắc thế nào trong quá trình sản xuất, ví dụ như bù đắp lượng khí thải carbon hoặc chính sách giảm thiểu chất thải. Kế đến, giải quyết các vấn đề xã hội như bình đẳng giới, điều kiện làm việc tốt, mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp cũng như đóng góp cho cộng đồng địa phương. Cuối cùng, ban quản trị và lãnh đạo đặt ra cách thức các cổ đông vận hành, cũng như việc trả lương cho giám đốc điều hành, kiểm soát nội bộ hoặc kiểm toán.
Bằng cách sử dụng ba chỉ số trên đây, các quỹ ESG xếp hạng các doanh nghiệp tiềm năng và loại trừ “thành phần kém cỏi” khỏi sản phẩm của mình, dựa trên các tiêu chí khác nhau mà họ chọn. Điểm ESG có thể rất khác nhau giữa nhà cung cấp này với nhà cung cấp khác vì các khuôn khổ, chỉ số, số liệu, dữ liệu, đánh giá định tính cũng như tỷ trọng khác nhau, nhằm tìm ra “người ưu tú nhất”. Điều đó đồng nghĩa với các sản phẩm ESG chắc chắn đang mang lại lợi ích cho hành tinh? Câu trả lời là không. Tuy nhiên, họ đang nỗ lực nhằm tạo tác động tích cực đến hành tinh, con người và quản trị.
IMPACT INVESTMENT Định hình rõ ràng chiến lược đầu tư tương lai
Đầu tư tác động không được đặt ra cho đến năm 2007, khi Quỹ Rockefeller cùng nhiều nhà từ thiện, nhà đầu tư và doanh nhân đặt tên cho các khoản đầu tư được thực hiện với mục đích tạo ra tác động xã hội có thể đo lường được đi kèm lợi nhuận tài chính. Nhóm này tiếp tục thành lập Global Impact Investing Network (GIIN), mạng lưới hàng đầu gồm những người thực hành thúc đẩy cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và giáo dục xoay quanh đầu tư tác động.
Bởi vì sản phẩm đầu tư tác động đã phát triển đáng kể trong thời gian gần đây nên không phải ai cũng có cùng một định nghĩa. Trong khi chiến lược ESG thường chỉ giới hạn ở mục tiêu duy nhất là tạo ra hiệu quả đầu tư có đạo đức, thì chiến lược tác động còn đi xa hơn, theo đuổi các mục tiêu kép là lợi nhuận tài chính tồn tại song song hành động tích cực. Các quỹ đầu tư tác động đánh giá doanh nghiệp dựa trên lợi ích tuyệt đối mà sản phẩm hoặc dịch vụ đóng góp cho hành tinh. Do đó, những khoản đầu tư tác động thường được đánh giá bằng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Doanh nghiệp có tác động điển hình là doanh nghiệp sản xuất hàng hóa được thiết kế hướng đến những thách thức môi trường, như tấm pin mặt trời có thể tái chế. Tương tự, họ có thể giải quyết vấn đề xã hội, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ tài chính vi mô ở các thị trường mới nổi. Mục tiêu không chỉ là làm điều hữu ích mà còn là để nó bền vững về mặt kinh tế.
Là một phần bắt buộc của bất kỳ khoản đầu tư tác động nào, sự chủ ý hướng đến đóng góp mang tính chuyển đổi cho một vấn đề cụ thể xác định trước, chẳng hạn như khử carbon, giảm ô nhiễm… Các quỹ đầu tư tác động nhằm mục đích xác định loại hình doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ góp phần giải quyết những vấn đề vừa đề cập. Thực thi điều này, họ tiến hành phân tích doanh thu doanh nghiệp, thẩm định phần doanh thu tuyệt đối và tương đối tạo ra tác động tích cực đến từng mục tiêu xác định trước. Kết quả sau phân tích dẫn đến điểm số hoặc đóng góp có thể được sử dụng xác định tất cả doanh nghiệp tạo ra tác động tích cực, bao gồm cả doanh nghiệp đa dạng ngành nghề. Cuối cùng, các quỹ sử dụng điểm tác động này xác định công ty nào họ đưa vào sản phẩm của mình.
Khả năng đo lường được cũng là điều bắt buộc đối với đầu tư tác động. Bởi lẽ, điểm tác động cao không đủ để xác nhận tác động của doanh nghiệp đối với mục tiêu hoạt động. Tương tự như vậy, tiêu chí ESG cũng không đủ để định lượng điều này… Do đó, thực tế có thể tìm thấy những công ty có điểm ESG rất cao nhưng hoạt động lại gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Tóm lại, các quỹ ESG khác biệt rõ rệt với quỹ tác động. Khi lựa chọn sản phẩm đầu tư ‘bền vững’, nhà đầu tư nên xem xét điều gì quan trọng nhất: chất lượng hoạt động và/hoặc đóng góp cuối cùng cho xã hội.