“BỀN VỮNG”
Cuộc Cách Mạng Trong Ngành Thời Trang Cao Cấp

Deluxe Vietnam 22 tháng 11,2022

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên như hồi chuông cảnh tỉnh khiến hầu hết thương hiệu thời trang cao cấp phải ‘liên minh’ để kiếm tìm lời giải đúng đắn cho phép toán: lợi nhuận đi đôi trách nhiệm xã hội, hành tinh. Từ đó, một cuộc cách mạng ‘bền vững’ thật sự được dấy lên với nhiều sáng kiến tuyệt vời, phần nào xoa dịu nỗi đau mà Mẹ Thiên Nhiên đang gánh chịu. 

V

ào một buổi chiều rực rỡ của tháng 9 năm 2021, nhà thiết kế Gabriela Hearst đã tổ chức buổi trình diễn trực tiếp đầu tiên bộ sưu tập Xuân/Hè 2022 cho Chloé dọc bờ sông Seine, theo tiêu chí bền vững và toàn diện nhất có thể. Cô đã hiện thực hóa điều đó như thế nào nhỉ? Khách tham dự dường như rất hài lòng khi ngồi trên những băng ghế dài bằng gạch xếp chồng và lót nệm vải Chloé còn dư, được tạo nên bởi Les Bâtisseuses, mạng lưới hướng nghiệp đồng hành cùng phụ nữ tị nạn.

Quần áo cũng cần phải thân thiện với môi trường! Bởi nhận thấy “thời trang xa xỉ đã trở nên công nghiệp hóa quá mức”, Hearst không chần chừ đề xuất sáng kiến Chloé Craft: các sản phẩm làm thủ công bởi đội ngũ nghệ nhân độc lập, điển hình là chiếc đầm len tái chế nhiều màu không tay hoặc áo choàng poncho bằng cashmere trắng điểm sọc xanh. Các mặt hàng chủ lực, chẳng hạn như túi tote, giày thể thao Nama và vải denim của hãng, đều kết hợp nhiều vật liệu tái chế đồng thời ít gây ảnh hưởng đến môi trường.

Đế dòng giày dép Chloé Lou, được sản xuất bởi Ocean Sole, một doanh nghiệp xã hội chuyên bán dép xỏ ngón trên các bãi biển của Kenya. Nhìn chung, thương hiệu thời trang nước Pháp đã tăng cường sử dụng các vật liệu ít tác động môi trường lên 58% so với 40% mùa Thu/Đông 2021. Xét ở khía cạnh trách nhiệm xã hội, Chloé – vì tin rằng sự bền vững và công bằng xã hội đi đôi với nhau – nên tích cực quyên góp thực phẩm cho Linkee, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Paris, phân phối đến những người có nhu cầu. Hơn nữa, tính công bằng trong show vừa đề cập ở trên là giải pháp phù hợp nhất tạo điều kiện để mọi người tình cờ lướt qua phố có thể xem buổi trình diễn từ cây cầu phía trên.

Từ lâu, thời trang xa xỉ được thiết lập theo đường lối riêng khi xuất hiện trong lĩnh vực kinh doanh. Như ta thấy, chuỗi cung – cầu hoạt động hiệu quả đối với cả thương hiệu lẫn người tiêu dùng. Nhưng, với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và mục tiêu của ngành là đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các phương pháp thực hành xanh hơn, ngành công nghiệp thời trang đang tái định hình các phương pháp sản xuất, từ vải sợi thô đến sản phẩm hoàn thiện, từ vật vô giá trị đến trang phục trang nhã, tinh tươm. Nhiều thương hiệu đã thực hiện các thay đổi, chẳng hạn kết hợp đèn LED trong chuỗi cửa hàng và sử dụng vật liệu tái chế cho túi mua sắm. Song song đó, những cải cách khác đang dần hình thành, đặt thời trang vào lộ trình “sẽ đạo đức, trách nhiệm cũng như thuần khiết hơn”.

Ví dụ, các nhà thiết kế hăm hở sử dụng deadstock (hàng không tiêu thụ được), nổi trội là vải thừa, đến nỗi vào tháng 4 năm 2021, LVMH Group đã ra mắt Nona Source, nền tảng bán lại trực tuyến đầu tiên vật liệu deadstock, thu thập từ các thương hiệu của tập đoàn. Giờ đây, nhiều người có thể mua những món đồ còn sót lại từ xưởng may Dior, Givenchy, Louis Vuitton cùng nhiều hãng khác chỉ với một phần nhỏ so với chi phí ban đầu. Trong khi đó, hệ thống studio đang tìm nguồn cung ứng các loại vải công nghệ cao hoặc tái chế. Cụ thể, Prada sử dụng Econyl, một loại nylon tái chế làm từ lưới đánh cá bị bỏ đi, trong các bộ sưu tập của mình và có kế hoạch loại bỏ nylon nguyên chất khỏi chuỗi cung ứng nội bộ trong năm nay; còn Sarah Burton đến từ Alexander McQueen mạnh dạn biến polyester tái chế – được gọi là poly faille – thành những chiếc váy. Cũng hòa mình vào xu hướng này, Emporio Armani đã bao phủ vật liệu cùng sợi da tái chế trong nhiều bộ sưu tập, và kính mắt của hãng trang bị thấu kính làm bằng vật liệu sinh học.

Mùa xuân năm 2020, Stella McCartney giới thiệu mẫu áo corset và quần bằng Mylo, vật liệu giống da nuôi trồng trong phòng thí nghiệm làm từ sợi nấm – cấu trúc gốc của nấm – được phát triển bởi Bolt Threads ở Thung lũng Silicon. Tròn một năm sau, nhà thiết kế người Anh công bố Frayme Mylo, chiếc túi xách mới gia công từ vật liệu tương tự. Cô đã ra mắt sáng tạo tuyệt vời đó trong show Xuân/Hè 2022 diễn ra ở Paris hồi tháng 10. Nhà thiết kế giải thích: “Nó sở hữu độ bền không kém da động vật. Hiện tại, Frayme Mylo có sẵn dưới dạng phiên bản giới hạn. Tôi hy vọng đó là tương lai và sớm trở thành chuẩn mực của thời trang”.

Tham gia vào cuộc cách mạng bền vững bằng tinh thần kiên quyết, Hermès cũng trình làng chiếc túi xách bằng sợi nấm: phiên bản giới hạn của Victoria, được sản xuất bởi công ty công nghệ sinh học MycoWorks từ vật liệu gọi là Sylvania. Nhà mốt ấp ủ kế hoạch mở rộng quy mô sử dụng Sylvania trong toàn bộ dòng sản phẩm của mình. Giám đốc phát triển bền vững, Olivier Fournier, nhấn mạnh: “Mục đích không phải để thay thế da thuộc, mà là mở rộng sự đa dạng danh mục các loại vật liệu Hermès”. Ở mảng mỹ phẩm, hãng cũng có những cách tiếp cận mới đối với bao bì, điều mà bấy lâu vẫn gây lãng phí. Hermès khiến phái đẹp thích thú cùng dòng son môi có thể thay thế lõi và những chiếc hộp màu cam đặc trưng bằng giấy tái chế. Thương hiệu đình đám nước Pháp đặt mục tiêu đảm bảo tất cả bao bì đều có thể tái chế hoặc tái sử dụng 100% vào năm 2025.

Theo quan điểm của phần lớn doanh nghiệp, các công xưởng mới mà họ sở hữu gắn với mục tiêu bền vững ngay từ đầu. Tháng 9 năm 2020, Hermès khánh thành xưởng da thân thiện môi trường ở Saint-Vincent-de-Paul, ngoại ô Bordeaux. Tọa lạc trên diện tích 5,5ha, tòa nhà bằng gỗ và bê tông được thiết kế bởi kiến trúc sư Patrick Arotcharen tôn trọng môi trường sinh thái nhất có thể. Bên cạnh hệ thống chiếu sáng LED, nơi đây bố trí các bể chứa nước mưa, trữ nước tưới cho khu vườn trồng hàng trăm cây xanh và các tấm pin mặt trời cung cấp hơn 40% điện năng. Hệ thống cửa sổ lồi của tòa nhà quay về hướng Bắc nhằm thu trọn nguồn sáng tự nhiên.

Ngoài chỉnh đốn các hoạt động hiện tại, một số thương hiệu đang suy ngẫm lại về cách họ kinh doanh, đáng chú ý nhất là Chloé, công ty may mặc sang trọng 70 tuổi đến từ Pháp, thuộc sở hữu của Richemont. Đầu quân năm 2019, Giám đốc Điều hành Riccardo Bellini cam kết ‘làm cho thương hiệu tỏa sáng hơn nữa’. Thế nhưng, Covid-19 ập đến và các đợt đóng cửa biên giới liên tục diễn ra ngay sau đó, làm mọi thứ chậm lại, cho phép Bellini tự vấn về những câu hỏi sâu sắc như: “Tại sao chúng ta lại ở đây với tư cách cá nhân? Tại sao công ty này tồn tại?”. Sau cùng, ông kết luận: “gia tăng lợi nhuận thiếu hiệu quả hay là liên quan đến lý do gì dẫn đến sự ra đời của các công ty thời trang như thế này. Điều cần kíp là điều chỉnh lại toàn bộ mô hình tăng trưởng kinh tế bên cạnh mối quan hệ giữa công ty và xã hội. Chúng tôi muốn đưa mục đích vào công ty ở mọi cấp độ”. Ông đã chọn bốn lĩnh vực để giải quyết: con người, nguồn cung ứng, cộng đồng và hành tinh, vì trách nhiệm xã hội cũng quan trọng như trách nhiệm môi trường.

Riccardo Bellini đã thành lập một hội đồng bền vững bao gồm hai cố vấn bên ngoài, doanh nhân xã hội Amanda Nguyễn, cô gái gốc Việt từng được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2019 và cố vấn phát triển bền vững Elisabeth Laville, người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Utopies. Đồng thời, ông nhanh chóng tìm kiếm một giám đốc sáng tạo mới – người có ‘quan điểm khác biệt về cách giải thích các giá trị và nắm vững chính mục đích này’. Riccardo Bellini vui mừng vì tìm thấy điều đó ở Gabriela Hearst, nhà thiết kế có trụ sở tại New York, người đã ra mắt thương hiệu riêng vào năm 2015 dựa trên những nguyên tắc tương tự. Người phụ nữ đa tài này gia nhập Chloé vào tháng 12 năm 2020.

Vào tháng 10 năm 2021, Chloé trở thành công ty thời trang cao cấp đầu tiên nhận được Chứng nhận B-Corp – một tiêu chuẩn về hoạt động xã hội và môi trường dành cho các công ty hoạt động vì lợi nhuận. “Nó đảm bảo rằng công ty đang có mục đích trong mọi việc chúng tôi làm”, Bellini nói. Thương hiệu cũng là thành viên sáng lập của lực lượng đặc nhiệm trong Sáng kiến Thị trường Bền vững, liên minh toàn cầu do Thái tử Charles – người vừa trở thành Vua Charles III của Vương quốc Anh – phát động tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ năm 2020, nhằm hướng tới một tương lai bền vững.

Dưới sự chủ trì của Federico Marchetti, người sáng lập Yoox Net-a-Porter Group, Lực lượng Đặc nhiệm Thời trang bao gồm đại diện từ hàng chục thương hiệu, nhà bán lẻ, cửa hàng bán lẻ điện tử và các công ty công nghệ. Mục tiêu là tập hợp nhiều dự án đã tồn tại, qua đó đặt ra mục tiêu cụ thể để gắn kết ngành. Marchetti chia sẻ: “Khi thế giới thích ứng với vô vàn thách thức đang diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu và biến đổi khí hậu khắc nghiệt, thời trang – trong số rất nhiều ngành khác – phải tránh quay trở lại những lề lối cũ. Tương lai đã rõ ràng: kẻ sống sót phù hợp nhất sẽ đồng nghĩa với sự tồn tại của cái xanh nhất”.

Mặc dù tất cả những thay đổi vừa đề cập đều quan trọng, nhưng chính sự ‘đầu tư’ vào Mẹ Thiên Nhiên mới có thể mang lại hiệu quả lâu dài nhất.

LVMH đã tham gia cùng Unesco trong chương trình Con người và Sinh quyển để kiến tạo “Hành động vì đa dạng sinh học”, một sáng kiến bao gồm hợp đồng 5 năm trị giá 5 triệu Euro thúc đẩy chống nạn phá rừng ở Amazon. Antoine Arnault, đội ngũ hình ảnh và môi trường LVMH, cho biết: “Nó cho phép chúng tôi thách thức thực trạng và có tác động tích cực, lâu dài ngoài chuỗi cung ứng”. Chanel cũng nỗ lực hỗ trợ khôi phục hơn 22.000ha rừng nhiệt đới ở Sumatra, Indonesia, nơi đang bị đe dọa bởi nạn khai thác gỗ, bên cạnh hỗ trợ bảo tồn 300.000ha rừng nhiệt đới ở Peru, đã được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Vào đầu năm 2021, Kering phối hợp Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, tổ chức phi chính phủ về môi trường ở Hoa Kỳ, khởi động Regenerative Fund for Nature, quỹ trị giá 5 triệu Euro để trao tài trợ cho những người nông dân sản xuất bông, len, len cashmere và da cho thời trang. Đến tháng 9, Kering vui mừng công bố bảy dự án đầu tiên (trong số 73 đề xuất) nhận tài trợ. Trong số đó có The Good Growth Company, công ty hợp tác với các nhà sản xuất cashmere ở Mông Cổ; Organic Cotton Accelerator Ấn Độ; và Solidaridad – thúc đẩy quản lý bền vững các vùng đất chăn thả tại Argentina.

Tất cả những hoạt động đúng đắn này nhằm đáp ứng ‘phân tích sâu về dấu ấn của thời trang đối với đa dạng sinh học’. “Ô nhiễm ở đâu? Thay đổi mục đích sử dụng đất chăng? Có một chú ếch hiếm đang kêu cứu? Có phải con người đang chặt phá tất cả các cánh rừng? Chung quy lại, điều đáng nói là nhân loại phải bảo vệ, phục hồi thiên nhiên, hỗ trợ quá trình chuyển đổi, cam kết với chuỗi hệ thống và vật liệu, thực sự tạo ra khả năng phục hồi. Thật đáng mừng vì chúng ta đang ở đỉnh cao của sự thay đổi mang tính cách mạng”, Helen Crowley, người đứng đầu các sáng kiến về thiên nhiên, tìm nguồn cung ứng bền vững tại Kering, bộc bạch.

BẠN SẼ THÍCH

Trang phục

7 OF THE WORLD’S GREATEST MENSWEAR STORES
Giá Trị Trường Tồn Theo Dòng Chảy Thời Gian

Deluxe Vietnam
Trang phục

CHEMISE TRẮNG
Nét Thanh Lịch Huyền Thoại

Deluxe Vietnam
Phụ kiện

ETHICAL BLING
Hoàng Kim Rực Rỡ Trong Thế Giới Bền Vững

Deluxe Vietnam
Phụ kiện

THE CRAFTSMANSHIP OF A CHANEL PERFUME
Đi Tìm Cội Nguồn Hương Thơm Của Chanel

Deluxe Vietnam
Trang phục

CASHMERE: A STORY OF LUXURY
Sự Sang Trọng Trên Từng Sớ Vải

Deluxe Vietnam

Xu hướng

Nhà cửa

XU HƯỚNG SÂN VƯỜN 2021
Hòa Mình Cùng Thiên Nhiên

Thảo Nguyên
Nhà cửa

XU HƯỚNG THIẾT KẾ 2021
Trọn Vẹn Một Mùa Yêu Thương

Hằng Nho
Văn Phòng

XU HƯỚNG VĂN PHÒNG 2021
Thi Vị Hóa Không Gian Làm Việc

Thảo Nguyên
Điểm đến

AMANSARA
Một Nét Hoài Niệm Về Đông Dương

Minh Quân
Điểm đến

BANYAN TREE
Vấn Vương Lòng Viễn Khách

Minh Quân
error: Content is protected !!